Bác sĩ BV Chợ Rẫy chia sẻ 'từ A đến Z' về tiêm vaccine COVID-19

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những chia sẻ riêng về vaccine COVID-19, cơ chế hoạt động và những phản ứng không mong muốn khi tiêm vaccine...

Ngày 7/5 vừa qua, một nhân viên y tế tại An Giang đã tử vong do sốc phản vệ sau tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Theo đánh giá của Bộ Y tế, đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của vaccine trong phòng chống COVID-19, cơ chế hoạt động của vaccine, xác suất xảy ra trường hợp phản ứng nặng, phòng tránh phản ứng phản vệ khi tiêm vaccine... chúng tôi xin giới thiệu những chia sẻ của TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM được triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Kim Vân

Phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM được triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Kim Vân

Vaccine là loại thuốc đặc biệt

TS Lê Quốc Hùng cho hay, vaccine là loại thuốc rất khác biệt so với thuốc chữa bệnh thông thường. Đối với loại thuốc chữa bệnh thông thường thì người sử dụng thuốc chính là người được thụ hưởng, nghĩa là người nào sử dụng thuốc thì có tác dụng đối với chính người đó. Thế nhưng vaccine lại khác, người được chích ngừa được bảo vệ để phòng tránh bệnh và những người ở xung quanh người được chích vaccine ấy cũng được bảo vệ. 

TS Lê Quốc Hùng lấy ví dụ, một bác sĩ có cha mẹ già ở nhà, không tiếp xúc bên ngoài thì ông bà không thể nào mà mắc COVID-19. Tuy nhiên, người con là bác sĩ đi làm trong bệnh viện mỗi ngày có thể bị nhiễm bệnh từ các bệnh nhân và khi về nhà, đem mầm bệnh đó lây cho cha mẹ. 

Nhưng nếu người bác sĩ đó được chích vaccine thì sẽ tránh nguy cơ bị bệnh, không mang mầm bệnh về nhà. Và mặc dù không được tiêm vaccine nhưng cha mẹ của người bác sĩ ấy vẫn được bảo vệ giống như người bác sĩ đó.

Như vậy, vaccine không chỉ đem lại lợi ích cho người được chích mà cả người xung quanh người đó nữa. Trong cộng đồng, nếu như mọi người được chích vaccine đồng loạt với tỷ lệ 70-80% thì người dân trong cộng đồng ấy được bảo vệ. Và cụ thể trong giai đoạn này, chúng ta chích vaccine ngừa COVID-19.

TS Lê Quốc Hùng cho biết, việc chích vaccine không chỉ đem lại lợi ích cho người được chích mà cả người xung quanh người đó nữa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS Lê Quốc Hùng cho biết, việc chích vaccine không chỉ đem lại lợi ích cho người được chích mà cả người xung quanh người đó nữa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vaccine COVID-19 không thể thay thế các loại phòng ngừa

Theo TS Lê Quốc Hùng, việc chích vaccine không phải là yếu tố quyết định toàn bộ vấn đề. Bởi vì, bất cứ loại thuốc vaccine nào cũng chỉ có hiệu quả từ 75-95%, có nghĩa là 100 người chích vaccine đó thì chỉ có khoảng 75 người đến 95 người có thể phòng ngừa được bệnh lây nhiễm, còn lại khoảng 5-25 người mặc dù đã chích rồi nhưng vẫn nhiễm do mỗi người có một kháng thể khác nhau sau khi chích.

Đồng thời, nếu chích vaccine nhưng cơ thể không tạo ra đủ kháng thể thì vẫn bị nhiễm bệnh như thường. Điều này không có nghĩa là chất lượng vaccine không tốt, vấn đề nằm ở chỗ không có gì là tuyệt đối, ngay cả những người mắc COVID-19 rồi vẫn có thể bị mắc lại.

Như vậy chúng ta cần biết rằng, không phải chỉ có vaccine là phòng chống được bệnh COVID-19. Bên cạnh tiêm vaccine, chúng ta có một sự kết hợp rất tốt đó là theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế). 

Theo tiến sĩ Hùng, 5K là biện pháp rẻ tiền, mọi người đều có thể thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh tiêm vaccine COVID-19, chúng ta có một sự kết hợp rất tốt đó là theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Kim Vân

Bên cạnh tiêm vaccine COVID-19, chúng ta có một sự kết hợp rất tốt đó là theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Kim Vân

Cơ chế hoạt động của vaccine ra sao?

TS.BS Lê Quốc Hùng cho hay, vaccine được tạo bằng nhiều cách khác nhau, về cơ bản thì nó có 4 cách. Cách thứ nhất là nhà khoa học lấy 1 đoạn DNA của con virus gây bệnh để người ta tạo ra vaccine. Cách thứ hai, người ta lấy một số chất protein của con virus đó khuếch tán tạo ra vaccine. Cách thứ ba là lấy virus khác không gây bệnh cho người, làm yếu đi rồi bơm các gene con virus gây bệnh vào virus không gây bệnh, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống virus đó. Cách thứ tư là người ta dùng chính con virus đó nhưng làm yếu đi, không đủ khả năng gây bệnh nữa để tạo vaccine.

"Dù làm phương pháp nào đi nữa thì để ra tạo vaccine dựa trên nguyên tắc là lấy đặc trưng của virus đang dẫn tới bệnh lý, để nghiên cứu chế tạo vaccine", TS Lê Quốc Hùng cho hay.

Khi chích vaccine vào cơ thể, các hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết con virus này có mang độc, có thể gây bệnh, từ đó cơ thể sẽ tạo ra kháng thể.

Khi cơ thể có được kháng thể, thì khi con virus thực sự gây bệnh đi vào trong người, thì cơ thể chúng ta đã có sẵn một lượng kháng thể đủ để chống lại và tiêu diệt virus gây bệnh. Từ đó, virus không nhân lên được trong cơ thể và không thể gây bệnh được.

Những phản ứng không mong muốn

Vaccine cũng giống như các loại thuốc khác. Đó là bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có thể dẫn tới phản ứng không mong muốn khi dùng.

Thực tế cho thấy, không chỉ thuốc, vaccine mà các loại thức ăn, đồ uống hàng ngày cũng có thể khiến con người bị dị ứng. Ví dụ có những người bị dị ứng, ngứa khi ăn hải sản.

Chính vì vậy cho nên khi sử dụng vaccine thì chúng ta cũng có thể có những phản ứng không mong muốn. Theo bác sĩ Hùng, phản ứng khi tiêm vaccine chia làm hai loại.

Loại thứ nhất là phản ứng thông thường, chấp nhận được. Đó là chúng ta sẽ có triệu chứng bị sốt, đau tại chỗ chích, mệt mỏi như cảm cúm thông thường. Tuy nhiên những phản ứng này sẽ không nguy hại cho người chích, nó sẽ tự mất đi sau 2-3 ngày chích vaccine.

Nhóm phản ứng thứ hai là phản ứng có hại. Đó là sốc phản vệ nặng, phản ứng không mong muốn ở mức độ nguy hiểm. Tỷ lệ người chích vaccine bị sốc phản vệ hoặc gặp những phản ứng phản vệ nặng nhiều hay ít thì hiện giờ mỗi loại vaccine có một tỷ lệ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này không cao.

Bàn khám của nhân viên y tế tư vấn cho người chích vaccine, có nêu các triệu chứng phản vệ vaccine. Ảnh: Kim Vân

Bàn khám của nhân viên y tế tư vấn cho người chích vaccine, có nêu các triệu chứng phản vệ vaccine. Ảnh: Kim Vân

Hướng dẫn phòng tránh phản ứng phản vệ

TS Lê Quốc Hùng cho biết, để tránh vấn đề phản ứng phản vệ khi tiêm vaccine thì người được chích phải hợp tác tốt với nhân viên y tế. Nhân viên y tế trước khi chích phải hỏi người đi chích vaccine các câu hỏi theo bảng sàng lọc. Ví dụ người được chích vaccine có bị dị ứng gì không, ăn hải sản có bị ngứa hay không, hiện có bị bệnh cấp tính hay đang điều trị bệnh gì để xem có tương thích với loại vaccine này không.

Tuy nhiên, việc sàng lọc này không thể đánh giá 100% được bởi có những người trước đây rất khoẻ mạnh, chưa bao giờ dị ứng với thức ăn, thuốc, chích ngừa nhưng vẫn có nguy cơ bị phản vệ khi tiêm vaccine.

Chính vì vậy sau khi chích ngừa, nhân viên y tế yêu cầu người được chích ngừa phải ở lại 30 phút đến 1 giờ tại điểm chích đó để nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, họ có thể hỗ trợ cấp cứu tại chỗ ngay lập tức.

Cho tới hiện tại trên toàn thế giới cũng chỉ có lác đác một số trường hợp phản ứng phản vệ mạnh dẫn tới diễn tiến quá nặng, không cứu chữa được. Còn đại đa số các trường hợp phản vệ là cấp cứu được.

Cũng theo TS Lê Quốc Hùng, sau khi chích vaccine, có một số người có phản ứng trễ dù tỷ lệ này rất ít. Có nghĩa là phản vệ sau 2-3h hoặc 2-3 ngày sau nhưng tỷ lệ này rất hiếm, 1 triệu người mới có 1 người.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo, sau 3 ngày chích vaccine, nếu người được chích có bất cứ triệu chứng nào cảm thấy bất thường thì nên quay lại cơ sở y tế và cầm theo giấy chích ngừa để nhân viên y tế họ biết để từ đó có hướng điều trị một cách phù hợp và tốt nhất.

Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, ngày 9/5 thêm 42.943 người tiêm vaccine COVID-19, nâng tổng số người được tiêm lên 851.513 người tại các tỉnh thành phố. Đối tượng được tiêm chủng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Nguồn: [Link nguồn]

Bài học từ sự cố tử vong sau tiêm vắc-xin ở An Giang

“Trường hợp nữ điều dưỡng tử vong sau tiêm vắc-xin COVID-19 ở An Giang được xác định là vô cùng hiếm gặp”, TS Phạm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Vân ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN