8 nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ

Sự kiện: Bệnh stress

Ngoài Alzheimer, một số tác nhân khác như stress mạn tính, trầm cảm... cũng gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ.

1. Stress mạn tính

Khi bị stress, một chuỗi thay đổi về hóa sinh diễn ra trong cơ thể kích thích hệ thống phản ứng "chống hoặc chạy". Ví dụ, hàm lượng hormon stress cortisol tăng cao trong não bộ để huy động năng lượng và sự tỉnh táo.
 
Tuy nhiên, khi mức căng thẳng và lo lắng tới độ mạn tính, các hóa chất thần kinh vốn cần thiết trong các tình huống khẩn cấp sẽ ngập tràn trong não bộ, gây quá tải. Điều này dẫn tới tình trạng mất tế bào não và khó hình thành các nơ-ron mới, từ đó, gây khó khăn cho quá trình nhận thức, nhất là lưu trữ thông tin mới.

2. Trầm cảm

Người mắc bệnh trầm cảm thường có mức serotonin thấp. Đây là chất truyền dẫn thần kinh kết nối với hệ thống kích thích trong não bộ. Trầm cảm khiến mức độ tập trung bị ảnh hưởng, giảm khả năng lưu trữ thông tin mới. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bệnh nhân trầm cảm còn bị ám ảnh bởi những ký ức buồn trong quá khứ. Điều này cũng khiến khả năng tập trung ở hiện tại cũng bị ảnh hưởng, từ đó gây khó khăn trong việc lưu trữ ký ức trong ngắn hạn.

3. Ảnh hưởng của thuốc

Các loại thuốc nói chung khi uống vào cơ thể đều tác động tới toàn bộ hệ thống. Một số làm nhiễu hoạt động của các tế bào não giữ chức năng điều khiển giao tiếp. Trong một số trường hợp, hiệu ứng này xuất hiện do sự tương tác nguy hiểm của 2 loại thuốc khác nhau. Đây là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, vì họ thường phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh khác nhau.

4. Suy tuyến giáp

Khi hoạt động của tuyến giáp suy giảm, cơ thể thiếu đi lượng hormon giáp trạng cần thiết để điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Toàn bộ cơ thể, gồm cả não bộ, đều bị ảnh hưởng khi quá trình trao đổi chất chậm lại. Các vấn đề về nhận thức thường là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh Alzheimer và bệnh cường giáp hoặc nhược giáp ở phụ nữ.

8 nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ - 1

Suy giảm trí nhớ là biểu hiện hết sức bình thường của quá trình lão hóa.

5. Mang bầu hoặc mãn kinh

Sự thay đổi hàm lượng estrogen tại 2 thời điểm này ở phụ nữ có thể ảnh hưởng tới những hóa chất khác trong não bộ mà estrogen tương tác. Bởi vậy, mới xuất hiện hiện tượng "lẩn thẩn" khi mang thai và "suy giảm trí nhớ" trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nghiên cứu năm 2010 của Đại học Bradford (Anh) cho thấy, các vấn đề về trí nhớ của sản phụ thường chuyển biến xấu hơn từ quý 2 của thai kỳ cho tới hết thời gian 3 tháng sau khi sinh. Mặc dù vậy, không phải phụ nữ nào cũng bị  ảnh hưởng.

6. Uống rượu, bia nhiều

Uống rượu, bia nhiều không chỉ hại gan và thận mà còn gây tổn hại cho não bộ. Tình trạng teo não diễn ra nghiêm trọng nhất tại thùy trán, nơi kiểm soát các chức năng trí tuệ cao cấp của con người, dù các cấu trúc khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm cả trí nhớ. Uống rượu, bia nhiều trong thời gian dài còn có thể gây hội chứng Korsakoff, một dạng suy giảm trí nhớ do nghiện rượu.

7. Chấn động não

Dù được bảo vệ bởi hộp sọ dày nhưng các mô thần kinh rất dễ bị tổn thương khi não bộ bị chấn động. Chấn thương sọ não xảy ra khi các mô tế bào đập mạnh vào hộp sọ trong quá trình ngã, bị đánh mạnh vào đầu hoặc bị một vật nhọn xuyên qua hộp sọ. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mất trí nhớ.

8. Tuổi già

Sự suy giảm trí nhớ không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh. Đôi lúc, đây là biểu hiện hết sức bình thường của quá trình lão hóa. Các chức năng của não bộ bắt đầu suy giảm dần ngay từ khi con người bước vào độ tuổi cuối 20 và đầu 30. Đến khi cuối 40 và đầu 50 tuổi, phần lớn đều thỉng thoảng bị đãng trí như khó nhớ được tên những người mới làm quen hoặc các vật dụng cần mua sắm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Thương (Bee.net)
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN