Quốc Trung: Nghệ thuật không hẳn đúng bởi số đông

Sự kiện: Sao Việt

Nhạc sĩ Quốc Trung nói anh không thể vuốt ve giả dối với quan điểm nghệ thuật của mình để tránh va chạm

Phóng viên: Khán giả đã rất mong chờ một đêm diễn kết hợp giữa boléro ngọt ngào của Hương Lan trên nền nhạc world music lạ lẫm của anh nhưng thể nghiệm ấy đã không thể diễn ra?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Vì nhiều lý do khách quan và cả chủ quan, bản thân tôi cũng thấy tiếc bởi mọi thứ đã sẵn sàng. Tiếc nhưng tôi không buồn vì chương trình làm dành cho khán giả. Nếu khán giả chưa thích thì làm lại, khán giả đang quan tâm đến nhiều sô diễn khác thì mình để lúc khác làm chứ không lấy tiền của người khác để “cứu vớt” uy tín hão. Gặp chị Hương Lan, chúng tôi đã kịp bàn về dự án âm nhạc tiếp theo.

Ý định làm mới cả phong cách của ca sĩ Hương Lan là một minh chứng cho tinh thần luôn nỗ lực sáng tạo của anh. Tư duy đó bắt nguồn từ mục tiêu gì: cứu nhạc Việt, tên tuổi của Quốc Trung, bóc vỏ sự nhàm chán của cả một lớp ca sĩ…?

- Tôi không có ảo tưởng làm người hùng cứu nhạc Việt và tên tuổi của tôi cũng không phải là thứ có thể mang ra kiếm ăn. Tôi sống bằng uy tín với đồng nghiệp và với công chúng là chất lượng sản phẩm âm nhạc chứ không phải bằng hư danh. Tôi không có ý định làm mới chị Hương Lan và cũng không dựa vào chị để làm mới mình. Tôi muốn kết hợp với chị để mang lại những cảm hứng âm nhạc cho chính chúng tôi và cảm xúc mới cho khán giả.

Quốc Trung: Nghệ thuật không hẳn đúng bởi số đông - 1

Nhạc sĩ Quốc Trung luôn thật thà với quan điểm của chính mình

Khoác lên ca khúc Đi học trong chương trình Giai điệu tự hào (số phát sóng tháng 6 vừa qua trên VTV1) một màu sắc mới lạ đến bất ngờ, gây tranh luận. Có người thích - bất ngờ - thú vị vì lạ và có người “nghe chói tai”. Vì sao anh quyết định làm những điều khác lạ như thế?

- Đó là định hướng của tôi. Trong nghệ thuật, cần phải có dấu ấn riêng của nghệ sĩ, khi nó đúng với cảm xúc của người thể hiện thì sẽ mang lại cảm xúc cho người nghe, còn việc thích hay không thích là chuyện bình thường. Với người đồng cảm, họ thấy thích thú và cho là ngoạn mục, còn với người không thích thì nó lại là thảm họa.

Trong thời buổi khan hiếm ca khúc hay, làm mới ca khúc từng ăn khách là một giải pháp. Nhưng để thành công, không phải cứ làm khác là được?

- Làm mới ca khúc thường khó hơn hát bài mới. Phải vượt qua được cái bóng của người đi trước mà thường là thất bại bởi ấn tượng đầu tiên luôn mạnh mẽ nhất với người nghe. Điều nên làm và cũng dễ mang lại thành công hơn là mang được cá tính (tất nhiên là mới) vào bài hát đó. Nó sẽ tránh được sự so sánh và mang lại sự ngạc nhiên, thú vị cho người nghe nhưng cần chuẩn bị đón nhận những phản đối cực đoan và mạnh mẽ hơn từ công chúng.

Nhưng làm mới cái cũ phải mang đến kết quả tốt hơn những gì đã có. Là người không ngại sáng tạo nhưng anh có bao giờ e ngại về kết quả của việc làm mới đó?

- Kết quả đó được đánh giá bằng gì? Số đông? Nên nhớ nghệ thuật không phải lúc nào cũng đúng bởi số đông! Hơn nữa, nếu nó có cảm xúc thật sự thì lực lượng thích và không thích luôn ngang ngửa nhau. Theo tôi, tác phẩm nghệ thuật thành công là mang lại được cảm xúc nên tôi chưa bao giờ e ngại.

Anh cho rằng hiện tượng bám víu vào ca khúc cũ, dù hay thì cũng là lối tư duy ấu trĩ đã vấp phải phản ứng từ quan điểm trái chiều vì ca khúc cũ luôn có giá trị đặc biệt. Theo anh, phải làm sao để khai thác giá trị cũ nhưng thể hiện sự cấp tiến?

- Hát một bài ăn khách hay ca khúc kinh điển không có nghĩa là ca sĩ đó đã thành một danh ca. Hay chọn một thể loại âm nhạc đã có nghĩa là nghệ sĩ đó thành một nghệ sĩ đương đại, cấp tiến. Nếu chọn những giá trị xưa cũ mà không mang được cá tính của mình vào trong đó thì chỉ là một người thợ, giống như người chép tranh, dù vẽ thành công tuyệt tác Mona Lisa thì họ cũng không bao giờ thành Da Vinci.

Quốc Trung: Nghệ thuật không hẳn đúng bởi số đông - 2

"Tôi không có ảo tưởng làm người hùng cứu nhạc Việt và tên tuổi của tôi cũng không phải là thứ có thể mang ra kiếm ăn."

Anh là người không thích ồn ào nhưng cái tên Quốc Trung thời gian qua lại trở thành tâm điểm của những ồn ào tranh cãi?

- Nếu không tìm thấy niềm vui trong những mục đích mình hướng tới thì chắc chắn tôi không bao giờ chịu đựng những điều đó vì nó không phải là cá tính của tôi. Tôi không thích những tranh cãi ồn ào nhưng cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ và động viên của bạn bè, đồng nghiệp. Hơn hết, tôi tin vào những quan điểm của mình.

Những gì anh tạo ra tranh cãi đều do anh không ngại nói thẳng những điều người khác đang huyễn hoặc. Sự soi mói tiêu cực của dư luận có khiến anh khó chịu?

- Tôi cũng là người ngại va chạm nhưng cũng không thể vuốt ve giả dối với quan điểm nghệ thuật của mình. Chính vì vậy, tôi cũng lường trước và bình thản đón nhận những phản ứng từ người khác.

Tư duy sáng tạo hẳn là khao khát của tất cả những người làm nghề nhưng kiên định với tư duy ấy chắc không nhiều và anh là một trong những người hiếm hoi đó. Anh đi ngược với thị trường mà không ngại mình bị thiệt thòi?

- Đúng là tôi có thể thiệt thòi về thu nhập nhưng tôi hạnh phúc với công việc và chỉ có điều đó mới khiến tôi đủ kiên định.

Gây sóng gió dư luận

Âm nhạc Quốc Trung từ lâu đã mang vẻ đẹp độc bản, kiêu kỳ và khó nắm bắt. Nó giống  như chính suy nghĩ của anh mà bằng chứng là những sản phẩm âm nhạc anh từng ra mắt.

Vốn nổi tiếng là “cứng đầu”, không chiều chuộng thị hiếu số đông, không ít lần nhạc sĩ Quốc Trung gây sóng gió dư luận bởi phát ngôn trái chiều với cách nghĩ của một bộ phận bảo thủ trong giới chuyên môn và công chúng âm nhạc bình dân, chẳng hạn: “Thanh niên nghe nhạc sến là không bình thường”, “khi người ta tìm đến ngày xưa tức là hiện tại người ta đang bế tắc”, “sự chênh lệch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc”, “thiên tài âm nhạc thế giới tập 3 tháng mà nghệ sĩ Việt chỉ cần 3 ngày” và gần đây nhất là “những nghệ sĩ nổi tiếng của Kpop gần như không có tài năng”…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Trang (Người Lao Động)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN