"Lẩu ship" đắt khách ngày cuối tuần se lạnh, mẹ bỉm sữa tranh thủ kiếm bộn tiền
Những ngày cuối tuần se lạnh, không ít mẹ bỉm sữa ở Hà Nội đã tăng thêm thu nhập bằng cách làm lẩu và giao đến tận nhà cho khách hàng.
"Lẩu ship" – lẩu được giao đến tận nhà khách hàng không còn quen thuộc với người dân Thủ đô khoảng 2 năm trở lại đây. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thay vì có mặt ở các nhà hàng để thưởng thức lẩu, thì nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua về nhà để thưởng thức.
Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, khi tiết trời Hà Nội bắt đầu se lạnh mà dịch COVID-19 vẫn nguy cơ cao thì người làm bếp cũng bắt đầu tất bật với các đơn hàng "lẩu ship".
Chị Phạm Thu Thủy (38 tuổi, ở Dương Nội, Hà Đông) làm văn phòng nhưng có chồng làm nghề đầu bếp nên nhiều năm nay, chị Thủy đã quen với công việc làm lẩu và "ship" tới tận nhà khách hàng.
Một "set" lẩu gà được chị Thủy chuẩn bị cho khách hàng ngày cuối tuần. Ảnh: NVCC
Chị Thủy cho biết, lương văn phòng khá thấp nên nguồn kinh tế chủ lực lo cho gia đình chị Thủy chủ yếu dựa vào quán phở của chồng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình chị Thủy đã trả lại mặt bằng, thanh lý cửa hàng phở và chuyển về mở cửa hàng phở gà tại gia (ngay tại nhà).
Theo chị Thủy, vì sinh sống gần các khu chung cư Xuân Mai, chung cư The Spark, khu biệt thự kiền kề Đô Nghĩa (KĐT mới Dương Nội) nên lượng hàng giao đến nhà khách khá dày đặc. Do đó, quán phở tại gia của chị Thủy cho chồng phụ trách chỉ có thể phục vụ phở gà. Còn lẩu gà, hay các thành phẩm từ gà chủ yếu phục vụ ngày cuối tuần.
Để tăng thêm thu nhập, chị Thủy đã dành quỹ thời gian ít ỏi 2 ngày cuối tuần để hỗ trợ chồng, tập trung "trả đơn".
Chị Thủy cho biết: "Dịch phức tạp, trả lại mặt bằng cửa hàng thì thu nhập giảm, tôi cũng tranh thủ "lên đơn" lẩu gà ngày cuối tuần để kiếm thêm thu nhập. Sáng sớm, hai vợ chồng đi chợ, về nhà thì tôi làm nguyên liệu, chồng làm nước hàng, chế biến lẩu. Đến giờ thì đi giao cho khách theo đơn đã lên sẵn. Công việc khá vất vả, tất bật nhưng vui vì có thể kiếm thêm thu nhập".
Theo chị Thủy, có 2 "size" lẩu là lẩu gà nồi bé (dành cho 2 người) thì có giá là 200.000 đồng/nồi, nồi lẩu lớn (3-4 người) là 300.000 đồng/nồi. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, giá rau xanh tăng nên chị Thủy đã tăng giá lẩu là 50.000 đồng/nồi.
Những ngày Hà Nội se lạnh, chị Huệ không ngần ngại tặng thêm thực phẩm cho mỗi đơn hàng đặt từ trong tuần, với mong muốn, tăng thêm thu nhập ngày cuối tuần. Ảnh: NVCC
"Nồi lẩu nhỏ có một nửa con gà, nồi lẩu to có 1 con gà từ 1,8 – 2,2kg, cộng thêm khoảng 200gram thịt ba chỉ bò, các loại rau xanh, ngô, nấm, bánh đa hoặc bún… Khách hàng cần thêm thực phẩm gì chúng tôi sẽ thêm theo yêu cầu. Nói chung, khách hàng không phải làm bất cứ công đoạn nào, chỉ nhận lẩu và bày biện ra dùng mà ở mức giá như trên, tôi thấy rất hợp lý", chị Thủy cho hay.
Tương tự chị Thủy, bà Trần Thị Huệ (41 tuổi, ở Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) cũng tranh thủ khoảng thời gian buổi chiều các ngày để làm thực phẩm chín, giao đến tận nhà cho khách.
Chị Huệ cho biết: "Cửa hàng bún vịt đóng cửa, giờ phải về làm ở nhà. Làm ở nhà có cái lợi là có thể theo sát việc học hành online của con nhưng hễ có khách đặt hàng thì lại phải đi giao hàng đến tận nhà cho khách".
Theo đó, mặt hàng chị Huệ tất bật chế biến và giao đến tận cửa nhà khách hàng trong khu vực là vịt nướng, vịt luộc, canh măng tiết, bún miến, vịt om sấu, lẩu vịt… Để tăng thêm thu nhập, chị Huệ cũng tranh thủ "lên đơn" mỗi dịp cuối tuần.
Những ngày Hà Nội se lạnh, chị Huệ không ngần ngại tặng thêm thực phẩm cho mỗi đơn hàng đặt từ trong tuần, với mong muốn, tăng thêm thu nhập ngày cuối tuần.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại cá này trước ở quê thường làm thức ăn cho lợn, giá siêu rẻ, nhưng giờ nó đã thành món được người dân thành...