Hàng hoá tăng giá từng ngày, chị em thay đổi thói quen đi mua hàng "cận date"

Sự kiện: Dạo chợ

Nhờ chăm chỉ đi siêu thị mua hàng "cận date", nhiều chị em nội trợ có thể tiết kiệm được hàng triệu đồng mỗi tháng. Đây cũng là “bí quyết” tiêu dùng mới được nhiều gia đình áp dụng trong khi các loại hàng hoá tăng giá không ngừng.

Khoảng 3 tháng trở lại đây, sau khi tan tầm, chị Hương, trú tại Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) lại ghé qua siêu thị mua thực phẩm cho cả gia đình trước khi về nhà như thường lệ. Theo chị Hương, sau 4 giờ chiều là thời điểm hàng loạt hàng thực phẩm được giảm giá từ 30-50%.

“Ví dụ như thịt lợn, cá hồi tươi sống, mực tươi, thịt bò tươi ở siêu thị gần nhà tôi thường có hạn sử dụng trong khoảng 3 ngày kể từ ngày đóng gói, đến ngày thứ 3 là siêu thị bắt đầu dán nhãn giảm giá từ 30-50%.

Một số sản phẩm tươi sống như cá hồi, thịt bò, thịt lợn cận date được dán nhãn giảm giá từ 30-50% ở siêu thị.

Một số sản phẩm tươi sống như cá hồi, thịt bò, thịt lợn cận date được dán nhãn giảm giá từ 30-50% ở siêu thị.

Bánh mì tươi cũng có hạn sử dụng là 3 ngày, đến ngày thứ 2 cũng giảm giá đến 50%, từ 18 nghìn đồng xuống 9 nghìn đồng/bịch. Vừa ngon, vừa tươi và đảm bảo lại tiết kiệm nên ngày nào tôi cũng đi mua. Thịt cá chưa ăn đến tôi rửa qua nước muối loãng rồi cấp đông, bánh mì thì sáng hôm sau nướng bơ, mật ong hoặc làm bánh mì trứng, pate cho cả nhà ăn”, chị Hương nói.

Không chỉ mua được thịt lợn tươi, sản xuất và chế biến theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà chưa cấp đông, chị Hương còn có thể mua được bạch tuộc, rau hoặc hoa quả cận date với giá rẻ chỉ bằng 50% hàng vừa đóng gói.

Bánh mì tươi giảm giá 30% sau khi sản xuất được 1 ngày với sản phẩm có hạn sử dụng 3 ngày.

Bánh mì tươi giảm giá 30% sau khi sản xuất được 1 ngày với sản phẩm có hạn sử dụng 3 ngày.

Theo chị Hương, trước đây, khi giá cả các loại hàng hoá còn ở mức trung bình, mỗi tuần chị chỉ đi siêu thị vào một ngày cuối tuần rồi ăn cả tuần. Tuy nhiên, hiện tại, từ dầu ăn, rau xanh, thịt lợn, thịt gà, thịt bò cho đến các loại sữa đều tăng từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng khiến chị phải “cân đo, đong đếm” khi chi tiền.

Đồng thời, để không bị “nhẵn ví” vào cuối tháng, chị chăm chỉ tìm các phương án tiết kiệm chi tiêu hơn. Nhờ bỏ ra từ 15-30 phút để đi siêu thị vào cuối buổi chiều hàng ngày để mua hàng cận date, chị Hương có thể tiết kiệm được hàng triệu đồng mỗi tháng.

Với thu nhập của bản thân chỉ 6 triệu đồng/tháng, chị Phượng, nhân viên văn phòng ở Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lựa chọn mua hàng cận date để tiết kiệm chi tiêu.

Các loại cá biển tươi (hàng chưa cấp đông) cũng giảm giá sâu sau 2-3 ngày đóng gói vào bảo quản ở ngăn mát.

Các loại cá biển tươi (hàng chưa cấp đông) cũng giảm giá sâu sau 2-3 ngày đóng gói vào bảo quản ở ngăn mát.

“Chồng tôi làm shipper giao hàng, thu nhập cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng. Số tiền hai vợ chồng kiếm được nếu không chi tiêu khéo léo thì cuối tháng không tránh khỏi đi “ăn đong” bởi tiền học của 2 đứa con, tiền nhà, tiền sinh hoạt, đủ thứ tiền đổ vào đầu. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, thu nhập thì vẫn vậy mà hàng hoá thi nhau tăng giá nên “khéo co thì mới ấm được””, chị Phượng nói.

Ngoài mua rau, quả, thịt, cá cận date của siêu thị, chị Phượng còn tìm các trang web chuyên săn sữa, mỹ phẩm xách tay cận date với giá ưu đãi từ 40-50%.

“Ví dụ như sữa bột cho trẻ dưới 10 tuổi của Úc, giá niêm yết hơn 800 nghìn nhưng nếu hạn sử dụng còn từ 3-4 tháng sẽ chỉ còn 450 nghìn đồng; thùng sữa tươi 48 hộp, mỗi hộp 180ml có giá 330 nghìn đồng nhưng nếu mua hàng cận date, có hạn sử dụng còn 2 tháng sẽ chỉ còn từ 200-220 nghìn đồng. Cả váng sữa hay sữa chua cũng vậy. Giá rẻ mà chất lượng vẫn đảm bảo”, chị Phượng khẳng định.

Khi các loại hàng hoá tăng giá từng ngày, nhiều người lựa chọn tìm mua hàng cận date để tiết kiệm chi tiêu. (Ảnh minh hoạ).

Khi các loại hàng hoá tăng giá từng ngày, nhiều người lựa chọn tìm mua hàng cận date để tiết kiệm chi tiêu. (Ảnh minh hoạ).

Theo tìm hiểu của PV, “hàng cận date” là khái niệm để chỉ các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, được các cửa hàng, nhãn hàng, siêu thị triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm đẩy hàng tồn kho. Điều này giúp doanh nghiệp tái tạo vốn, người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm chất lượng tốt có giá rẻ.

Trên thực tế, nhà sản xuất ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm là để người tiêu dùng lưu ý trong quá trình mua, sử dụng trong khoảng thời gian an toàn. Điều này liên quan đến thói quen tiêu dùng của nhiều người. Người quản lý tốt chi tiêu sẽ không ngần ngại mua hàng “cận date”, miễn sao giá giảm sâu và thời hạn sử dụng họ sẽ chủ động cân chỉnh trong khoảng thời gian trên bao bì.

 Ông Liu Jiayong - bác sĩ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng, thực phẩm sắp hết hạn sử dụng vẫn tốt cho sức khỏe vì chúng chưa hết hạn sử dụng, đồng thời rẻ hơn và giúp ích cho môi trường. Các doanh nghiệp tiến hành các chương trình giảm giá thực phẩm cận date là vì họ muốn thúc đẩy doanh số bán hàng, đồng thời góp sức giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm toàn cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất ngờ ổi ngập chợ với giá chỉ 3.000 đồng/kg, chị em rủ nhau mua cả yến

Trên khắp các chợ online hay chợ truyền thống, quả ổi đang được bán với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 3 nghìn đồng/kg khiến nhiều người “ngỡ ngàng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Dạo chợ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN