Dân Lục Ngạn thu hơn 4.800 tỷ đồng từ vải thiều giữa dịch bệnh

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo Huyện ủy Lục Ngạn, vụ vải thiều năm nay, toàn huyện ước đạt tổng thu hơn 4.800 tỷ đồng từ bán vải thiều và dịch vụ phụ trợ.

Người dân Lục Ngạn sơ chế vải thiều

Người dân Lục Ngạn sơ chế vải thiều

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những tưởng vải thiều Lục Ngạn sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, với nhiều cách làm sáng tạo của cả người dân lẫn chính quyền địa phương, vải thiều không những tiêu thụ tốt trong nước mà còn vươn xa tới nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.

Giá tăng gấp đôi nhờ mắc màn, trồng vải xuất Nhật

Những ngày này, gia đình anh Vũ Nguyên Bình, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn đang tất bật thu hoạch, tiêu thụ diện tích vải thiều chính vụ của gia đình.

Nói về vụ vải năm nay, anh Bình hồ hởi chia sẻ, đây là năm đầu tiên gia đình anh triển khai mô hình trồng, chăm sóc vải thiều trong nhà màn theo phương pháp sản xuất hữu cơ. Theo đó, ngoài diện tích được chăm sóc theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, anh đã chọn ra 40 cây vải thiều đẹp nhất trên diện tích 1.000m2 để triển khai trồng thử nghiệm và cho thành công lớn.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, không chỉ Lục Ngạn, việc tiêu thụ vải thiều tại các huyện khác như Lục Nam, Sơn Động, Lạng Giang, Yên Thế và Tân Yên cũng thuận lợi. Đến hết ngày 25/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 184.870 tấn vải thiều, đạt 100% kế hoạch đề ra và đạt gần 89,5% tổng sản lượng thực tế của tỉnh. Trong đó, tiêu thụ nội địa 115.475 tấn, chiếm trên 62,5%; xuất khẩu 69.395 tấn, chiếm gần 37,5%; giá bán 12.000 - 28.000 đồng/kg.

“Năm nay, diện tích này đã cho sản lượng khá, mẫu mã, màu sắc quả tốt, bảo đảm chất lượng nên đã được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 40.000 đồng/kg, đắt gấp hơn 2 lần so với thị trường. Tuy mới là năm đầu thử nghiệm nhưng sản phẩm của gia đình đã được thị trường đón nhận, tiêu thụ thuận lợi, doanh thu vải nhà màn đã đạt hơn 160 triệu đồng”, anh Bình nói.

Anh Bình chia sẻ thêm, sở dĩ anh có sáng kiến trên là do sau hàng chục năm đúc rút kinh nghiệm từ trồng vải, anh nhận thấy, kẻ thù lớn nhất của cây vải là sâu bệnh, nhất là nếu để sâu tấn công khi mới đậu quả, vải thiều sẽ bị sâu cuống làm ảnh hưởng đến chất lượng quả khiến giá trị giảm sút.

Trước đây, để chống lại sâu bệnh, người dân chỉ có phương pháp duy nhất là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, điều này gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Do vậy, anh Bình đã xây dựng nhà màn để ngăn chặn sâu bệnh có thể xâm nhập, gây hại cho cây trồng.

Dù chi phí đầu tư xây dựng nhà màn khoảng 70 triệu đồng/1.000m2 nhưng đầu tư một lần lại có thể sử dụng từ 5 - 7 năm, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công chăm sóc, không phải mua thuốc bảo vệ thực vật… góp phần cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Bên cạnh diện tích nhà màn này, với 10ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năm nay gia đình anh Bình thu được 60 tấn quả, giá bán bình quân 17.000/kg, tổng doanh thu gia đình anh đạt hơn 1 tỷ đồng từ bán vải thiều.

Tương tự, năm nay, gia đình ông Vi Văn Minh, thôn Hóa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn cũng có sản lượng gần 20 tấn vải thiều. Đến nay, gia đình đã tiêu thụ được hơn 1/2 sản lượng, trong đó có 4 tấn vải chất lượng cao được doanh nghiệp đến tận vườn đặt hàng, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá từ 25 - 30 nghìn đồng, cao hơn khoảng 10 nghìn đồng so với các sản phẩm khác.

“Năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến quả vải chín nhanh, đồng loạt chuyển màu. Trong khi do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc thuê nhân công thu hái gặp nhiều khó khăn, gia đình đã không kịp tiêu thụ hết sản lượng đúng dịp doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu đi Nhật Bản nên giá bán có giảm hơn. Tuy nhiên, năm nay gia đình tôi cũng kịp thu về hơn 400 triệu đồng nên cũng được coi là vụ mùa bội thu, được mùa, được giá".

Nâng tầm thương hiệu

Người dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều ngay từ mờ sáng

Người dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều ngay từ mờ sáng

Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm nay, toàn huyện có hơn 4.000 hộ dân trồng vải; trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện đều có 315 điểm cân vải thiều; 3.123 lò sấy hoạt động; sản lượng tiêu thụ đạt hơn 9.100 tấn quả/ngày.

Đến hết ngày 25/6, tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn đã tiêu thụ là 114.984 tấn, giá bán dao động từ 12.000 - 28.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ, đến nay, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với gần 20/30 xã của huyện bị cách ly, phong tỏa để phòng dịch Covid-19 nhưng đã có gần 80% sản lượng vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ.

Hiện, ước sản lượng quả chưa thu hoạch, tiêu thụ của huyện chỉ còn hơn 20 nghìn tấn, tập trung tại các xã trên đèo, tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn như Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn, Sa Lý, Cấm Sơn...

“Vụ vải thiều năm nay sẽ chỉ còn kéo dài trong 10 ngày tới là kết thúc. Với sản lượng và giá bán hiện tại, dự kiến, sẽ có hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện thu về hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng từ bán vải thiều trong vụ này”, ông Thi nói.

Thương nhân đến tận vườn thu mua vải thiều trồng trong nhà màn của gia đình anh Vũ Nguyên Bình

Thương nhân đến tận vườn thu mua vải thiều trồng trong nhà màn của gia đình anh Vũ Nguyên Bình

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, năm nay, tuy dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát, diễn biến phức tạp tại huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang tại thời điểm trước và trong vụ tiêu thụ vải thiều, nhưng đã đánh dấu nhiều bước đột phá lớn, nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

Theo đó, đây là năm đầu tiên thị trường tiêu thụ nội địa có sản lượng vải thiều lớn nhất với 79.286 tấn (tính đến hết ngày 25/6).

Ngoài các thị trường truyền thống như chợ đầu mối tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn quốc, năm nay vải thiều Lục Ngạn còn được giới thiệu, đưa lên quảng bá, bán hàng tại các sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo (FPT), voso (viettelpost), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost) và dacsanlucngan.vn.

Không chỉ trong nước, vải thiều còn được giao dịch sôi động tại các nước châu Âu thông qua sàn thương mại voso của viettelpost.

Ngoài ra, vải thiều Lục Ngạn còn được xuất khẩu thuận lợi theo đường chính ngạch, được người tiêu dùng Nhật Bản, Úc, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Đức... đón nhận. Đây đều là là những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á với số lượng hàng chục nghìn tấn cũng là một điểm nhấn quan trọng, tạo nên sự thành công của vụ vải thiều.

“Việc vải thiều được giao dịch, tiêu thụ sôi động trên các sàn giao dịch điện tử và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu đến các thị trường khó tính nhất thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Úc đã khẳng định chất lượng, vị thế của vải thiều Lục Ngạn đã đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe nhất của khách hàng và đối tác. Các sự kiện này đã góp phần nâng tầm thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trên trường quốc tế, giúp sản phẩm này được tiêu thụ thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang khẳng định.

Thu hơn 4.800 tỷ đồng nhờ chủ động nhiều kịch bản

Theo Huyện ủy Lục Ngạn, vụ vải thiều năm nay, toàn huyện ước đạt tổng thu hơn 4.800 tỷ đồng từ bán vải thiều và dịch vụ phụ trợ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ, để vải thiều tiêu thụ thuận lợi, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng sẵn các kịch bản tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh.

Theo đó, trong những ngày đầu vụ, khi Lục Ngạn chưa ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, UBND huyện đã yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch như: Lập chốt kiểm soát chặt chẽ người ra, vào huyện, tổ chức tiêm phòng cho lái xe, người trực tiếp thu hoạch, thu mua, đóng gói vải thiều; yêu cầu những người ra vào huyện cách 3 ngày phải xét nghiệm Covid-19/ lần để bảo đảm phòng dịch.

Trong thời điểm những ngày chính vụ, khi xuất hiện ổ dịch mới, huyện đã chuyển sang kịch bản mới, kịp thời phong tỏa, khoanh vùng, dập dịch tại những nơi có ca F0 để tạo điều kiện cho các nơi an toàn tiêu thụ sản phẩm.

Cùng đó, UBND huyện Lục Ngạn đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, UBND các tỉnh, TP trong cả nước vào cuộc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị đã đồng loạt có văn bản chỉ đạo giúp vải thiều được tiêu thụ thuận lợi. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng hơn 3 nghìn lò sấy vải thiều tại địa phương giúp các thôn xã bị phong tỏa, cách ly vẫn có đầu ra cho sản phẩm.

Nguồn: [Link nguồn]

Vị khách bí ẩn tip hơn 368 triệu đồng cho bữa ăn giá chưa đầy 1 triệu

Số tiền sau đó được chia đều cho các nhân viên làm việc tại quán còn chủ nhà hàng không giữ bất cứ khoản tiền tip...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Thương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN