Ấn tượng với 10 bộ phim hay về đề tài bóng đá
Điểm lại những bộ phim hay nhất liên quan đến bộ môn thể thao vua khi mùa World Cup 2014 đang cận kề.
Escape to Victory (1981)
Bộ phim nổi tiếng về đề tài bóng đá lấy cảm hứng từ trận đấu “Tử thần” giữa CLB Dynamo Kyiv và lính Đức Quốc Xã khi Ukraine đang bị quân phát xít chiếm đóng và tác phẩm Two half-times in Hell (1962) của điện ảnh Hungary. Trong phim, các sĩ quan Quốc Xã muốn tổ chức sự kiện mang tính chất tuyên truyền là một trận bóng đá giữa các ngôi sao người Đức với đội tuyển tập hợp các tù binh của quân đội Đồng minh.
Các tù nhân đồng ý thi đấu khi họ muốn lợi dụng sự kiện này làm cơ hội chạy trốn khỏi trại tập trung. Bên cạnh các ngôi sao điện ảnh như Michael Caine, Sylvester Stallone, Max von Sydow, Escape to Victory có sự tham gia của rất nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng trong quá khứ như Pelé, Ardiles, Bobby Moore, Summerbee…
Trong quá trình quay phim, vua bóng đá Pelé suýt chút nữa đã khiến ngôi sao hành động Sylvester Stallone bị gãy ngón tay sau một quả sút 11 mét. Đến giờ, Escape to Victory vẫn luôn được coi là một trong những bộ phim mang đề tài bóng đá hay nhất mọi thời đại.
Đội bóng Thiếu Lâm (2001)
Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của danh hài huyền thoại Châu Tinh Trì khi anh kết hợp một cách hài hòa cả hai yếu tố bóng đá và võ thuật, cùng với kịch bản sáng tạo và hài hước. Không những thế, Đội bóng Thiếu Lâm - Shaolin Soccer còn là một trong số ít các bộ phim hài đến từ châu Á được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Bộ phim lập kỉ lục tại phòng vé khi trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hong Kong sau khi ra mắt. Mãi tới năm 2004, kỷ lục của Shaolin Soccer mới bị phá vỡ bởi một bộ phim khác cũng đến từ Châu Tinh Trì: Tuyệt đỉnh Kungfu - Kungfu Hustle.
Bend It Like Beckham (2002)
Tựa đề bộ phim hài hước chính là lấy cảm hứng từ tài đá phạt hàng rào của danh thủ David Beckham. Trong phim, khán giả theo chân cô gái Jess 18 tuổi vô cùng đam mê bóng đá nhưng lại bị bố mẹ ngăn cản. Dẫu vậy, tài năng thực sự giúp Jess có được chỗ đứng trong tuyển nữ bóng đá trong vùng và mau chóng kết thân với cô bạn Jules. Tuy nhiên, hai cô gái mê bóng đá lại cùng để mắt tới anh chàng huấn luyện viên bảnh trai và những cấm cản từ phía gia đình trong chuyện chơi bóng tiếp tục khiến nhiều mâu thuẫn nảy sinh.
Bend It Like Beckham từng giành được nhiều giải thưởng tại các LHP nhỏ và thậm chí còn nhận được đề cử Quả cầu vàng tại hạng mục Phim truyện hay nhất thể loại ca vũ hoặc hài hước. Bộ phim do nữ đạo diễn Gurinder Chadha thực hiện và có sự tham gia của kiều nữ Keira Knightley trong vai Jules.
The Football Factory (2004)
Khán giả là một phần không thể thiếu của bóng đá và The Football Factory tập trung miêu tả khoảng tối của bộ phận này: các hooligan. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của John King, bộ phim phản ánh trung thực bộ mặt thật của những hooligan điên cuồng của nước Anh: bạo lực, trộm cắp, ma túy và chống lại xã hội. Một bộ phim khá ám ảnh về những điều diễn ra ngoài sân cỏ mà không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến.
Goal! (2005), Goal II: Living the Dream (2007) và Goal III!: Taking on the World (2009)
Ba tập phim Goal! có thời lượng lên đến hơn 300 phút và có thể được coi là một The Lord of the Rings trong dòng phim về đề tài bóng đá. Loạt phim theo chân chàng trai Santiago Munez, sống tha phương ở Los Angeles nhưng luôn khát khao trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Giấc mơ bắt đầu khi anh có cơ hội được thử sức tại CLB Newscatle United của Anh.
Sự tỏa sáng của Munez đã giúp CLB bóng đá vùng Đông Bắc nước Anh được tham dự cúp C1 ở cuối tập phim đầu tiên. Hai phần tiếp theo là hành trình gian nan của chàng trai tại CLB mới Real Madrid và tại World Cup 2006 trong màu áo Mexico. Không có nhiều diễn viên tên tuổi tham gia và chỉ có sự tham gia cameo của nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng, hai tập Goal! đầu tiên từng thu về hơn 35 triệu USD doanh thu.
Offside (2006)
Ngày 8/6/2005, đội tuyển Iran tiếp Bahrain trên sân nhà trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2006 và họ chỉ cần không thua là có thể giành vé tới nước Đức. Cả đất nước Iran trở nên sục sôi và ai cũng muốn đến sân vận động Azadi ở Tehran để cổ vũ đội nhà. Theo luật pháp Hồi giáo của Iran, phái nữ không được phép vào sân theo dõi trực tiếp trận đấu. Nhưng vẫn có rất nhiều cô gái tìm đủ mọi cách để có thể vào trong sân vận động.
Dẫu vậy, Offside lại xoay quanh một nhóm 6 cô gái trẻ bị an ninh bắt lại và không thể vào bên trong khán đài. Mang phong cách giả tài liệu, bộ phim được đạo diễn Jafar Panahi thực hiện ngay khi trận đấu kể trên đang diễn ra và ông đã chuẩn bị sẵn hai kịch bản, phòng khi đội nhà thua trận.
Dù có nhiều chi tiết hài hước, Offside lại lột tả sự bất công cay đắng mà nữ giới phải chịu dưới chế độ nhà nước Hồi giáo một cách hết sức tinh tế. Phim sử dụng toàn các diễn viên nghiệp dư và bị cấm chiếu tại Iran. Sau bộ phim này, đạo diễn Jafar Panahi tiếp tục có nhiều vướng mắc với nhà cầm quyền và bị phán quyết 6 năm tù giam và chịu lệnh cấm 20 năm không được làm phim hồi năm 2010. Hiện ông vẫn đang chờ quyết định kháng cáo và làm phim trong bí mật.
Zidane: A 21st Century Portrait (2006)
Bộ phim tài liệu không chỉ đơn giản ca ngợi kỹ thuật chơi bóng của cựu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới một thời Zinedine Zidane mà còn khai thác những khoảng tối trên sân đấu của anh. Phần lớn thời lượng của tác phẩm được lấy từ trận đấu giữa Real Madrid và Villarreal CF vào ngày 23/4/2005 tại sân vận động Santiago Bernabéu và được quay đồng thời bởi 17 chiếc camera trong thời gian thực.
Trong những phút cuối của trận đấu, Zidane bị trọng tài đuổi ra ngoài sau một cuộc ẩu đả. Bạn nhạc post-rock nổi tiếng Mogwai đến từ Scotland đóng góp một phần nhạc phim vô cùng đáng nhớ dành cho Zidane: A 21st Century Portrait
The Damned United (2009)
Bộ phim xoay quanh HLV huyền thoại Brian Clough người Anh, đặc biệt là quãng thời gian 44 ngày ông quản lý đội bóng Leeds United trong năm 1974. Đây được coi là quãng thời gian đen tối và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử câu lạc bộ này.
Những xung đột dữ dội đến từ phương pháp huấn luyện của Clough đối với các cầu thủ sân Elland Road dẫn tới một kết cục tồi tệ, khiến ông bị sa thải chỉ sau hơn một tháng nắm quyền. Tuy nhiên, sau đó Brian Clough đã dẫn dắt CLB Nottingham Forest tới hai chức vô địch C1 năm 1979 và 1980.
The Damned United cũng gây chú ý bởi từng bị danh thủ Dave Mackay khởi kiện vì cho rằng bộ phim đã khắc họa hình ảnh của ông một cách không chính xác.
Looking for Eric (2009)
Tác phẩm đến từ đạo diễn nổi tiếng Ken Loach người Anh chắc chắn sẽ khiến các fan của cựu danh thủ Manchester United nói riêng và người hâm mộ bóng đá nói chung cảm thấy hết sức thú vị. Nhân vật chính Eric là một người đưa thư mê bóng đá điên cuồng nhưng gặp phải rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Khi có ý định tự tử, những ảo giác đã giúp Eric được gặp… cựu danh thủ Eric Cantona.
Từ đây, Eric Cantona trong trí tưởng tượng của Eric đã giúp cho chàng đưa thư dần dần có lại được tự tin trong cuộc sống. Cựu danh thủ Eric Cantona thủ vai chính mình trong phim và toàn bộ tác phẩm được quay tại thành phố Manchester.
Will (2011)
Tác phẩm cho thấy sức mạnh kỳ diệu của bóng đá xoay quanh chuyến hành trình gian nan nhưng đầy cảm động của cậu bé Will. Sau khi cha Will qua đời, bóng đá là động lực và niềm vui duy nhất của cậu bé 11 tuổi. Cậu luôn ước mơ được tới Istanbul để theo dõi trận đấu chung kết cúp C1 năm 2005 giữa Liverpool và AC Milan. Phim có sự góp mặt của một số danh thủ huyền thoại của Liverpool như Kenny Dalglish, Steven Gerrard và Jamie Carragher. Điều bất ngờ là Will được thực hiện bởi Ellen Perry, một đạo diễn nữ còn rất trẻ.