Xuân tóc đỏ: Lưu manh nhưng rất tình

Việt Bắc đã mang đến cho khán giả một hình ảnh Xuân tóc đỏ mới, vừa ngang tàng, đểu đểu, bất chấp mọi thủ đoạn, mánh lới để “làm được một cái gì đó” cho bản thân nhưng cũng không kém phần tình nghĩa và khán giả cảm thấy tạm hài lòng với hình tượng mới này.

Từ những tác phẩm nổi tiếng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây... của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng, Trò đời là một bức tranh đầy đủ về xã hội Âu hóa tại Việt Nam những năm 1930-1940. Lối kể chuyện chân thực, câu chuyện gần gũi với những tính cách, số phận nhân vật đầy điển hình trong xã hội của phim thực sự cuốn hút khán giả. Những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cụ Cố Hồng, ông TYPN... đã hiện lên qua mỗi thước phim một cách đầy đủ.

Loạt bài Trò đời: Tấn bi kịch thời Âu hóa sẽ là những góc nhìn toàn cảnh về cả bộ phim, cái nhìn cận cảnh từng nhân vật trong đó. Qua đó, giúp khán giả sẽ thấy được một bức tranh đa sắc, đa diện.

Năm 1990, Hãng phim truyện Việt Nam công chiếu bộ phim Số đỏ được chuyển thể từ tiểu thuyết trào phúng cùng tên rất nổi tiếng đặc trưng cho phong cách hiện thực phê phán của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trong Số đỏ, nhân vật chính là Xuân tóc đỏ do Quốc Trọng thủ vai. Đây là bộ phim rất thành công, một số câu nói của các nhân vật trong phim đã trở thành câu nói cửa miệng ngoài đời. Xuân tóc đỏ đã từ tác phẩm văn học, từ tác phẩm truyền hình bước ra ngoài cuộc đời, điển hình cho một bộ phận người trong xã hội. Và cho đến nay, nhân vật ấy vẫn tồn tại trong xã hội ở đâu đó với vẹn nguyên những giá trị.

Xuân tóc đỏ: Lưu manh nhưng rất tình - 1

Từ một kẻ vô học, Xuân tóc đỏ đã trèo cao nhờ tài lẻo mép, xu nịnh của mình

Chính vì vậy, ngay từ khi có thông tin về Trò đời – bộ phim đầu tiên mang hơi hướng của điện ảnh được dàn dựng, đầu tư một cách công phu cả về kịch bản văn học, bối cảnh phim và hình thức thể hiện, được xây dựng dựa trên 3 tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì nhân vật được quan tâm bậc nhất vẫn là Xuân tóc đỏ. Và không ít người ngạc nhiên, xen lẫn chút hồ nghi, vừa kỳ vọng vừa có chút thất vọng khi đạo diễn Nhuệ Giang giao vai này cho diễn viên Việt Bắc – một diễn viên còn rất trẻ về tuổi đời và tuổi nghề.  

Trò đời đã tái hiện bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ 1930 -1945, một xã hội Âu hóa nhiễu nhương với nhiều biến đổi. Qua đó, phim miêu tả thân phận những người dân bị bần cùng hóa, bị thu hút bởi thứ ánh sáng ma mị từ đô thị, dấn thân vào chốn thị thành, tiếp cận nền văn minh mang đậm dấu ấn bi hài. 

Và trong xã hội nhiễu nhương, nửa Tây, nửa Ta kệch cỡm ấy các nhân vật dần dần hiện ra với đầy đủ tính cách. Xã hội đã sản sinh ra họ. Họ là sản phẩm nhưng cũng là nạn nhân của xã hội. Và có lẽ, chỉ xã hội ấy, chỉ có Hà thành những năm “tranh tối tranh sáng” giữa cũ – mới, giữa Âu hóa của “phong trào văn minh” của tầng lớp tiểu tư sản ấy mới sản sinh ra một người như Xuân tóc đỏ. Trên nền bối cảnh của xã hội đã cho nhân vật “đất diễn”, đất để khuynh đảo và “diễn” đủ các tấn trò đời khác nhau.

Xuân tóc đỏ: Lưu manh nhưng rất tình - 2

Hắn sẵn sàng đánh đổi để bước vào gia đình cụ Cố Hồng quyền quý

Và nếu nhân vật Xuân tóc đỏ trong Số đỏ do diễn viên Quốc Trọng thủ vai năm 1990 khiến khán giả chỉ nhớ đến một nhân vật mà thôi thì Xuân tóc đỏ do Việt Bắc thủ vai trong Trò đời còn là nhân vật kết nối, xuyên suốt trong câu chuyện từ Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây, Cơm thầy cơm cô. Trong Trò đời số phận, vai trò của nhân vật dài hơn. Vì thế vai trò, trách nhiệm của diễn viên thủ vai cũng dường như “nặng hơn”.

Trò đời, trước tiên, Xuân tóc đỏ vẫn giữ nguyên tinh thần vai diễn như nguyên tác. Từ một thằng bé mồ côi lém lỉnh, ma lanh, nhờ tài “khua môi múa mép”, nhờ thời cuộc "Âu hóa", nhờ "số đỏ" mà Xuân tóc đỏ trở thành me xừ, thành đốc tờ, thành giáo sư quần vợt, thành anh hùng xả thân cứu nước...

Thế nhưng, Xuân tóc đỏ trong Trò đời không chỉ là một kẻ lưu manh, nhâng nhâng nháo nháo mà còn là người rất trượng nghĩa. Ắt hẳn người xem không quên chuyện Xuân tìm mọi cách để kiếm 3 đồng đưa cho một cô bé cơ nhỡ đáng tuổi em mình trả cho bà chủ vì cô bé này đã làm mất bộ áo cánh của chủ.

Hay cách Xuân trò chuyện, “chia lộc” cho những đứa trẻ lang thang như hắn khi kiếm được chút đỉnh từ ông chủ bán thuốc. Thậm chí, khi làm ăn gian lận bán được 200 gói thuốc trị bệnh hắn cũng không quên chia phần cho người cùng thân phận như mình. Xuân tóc đỏ còn là người sống có tình có nghĩa.

Khi gặp cô vì đói và kiệt sức mà nằm ngủ quên trên đường với manh chiếu hắn không nỡ làm hại, lấy cắp tiền mà đưa cô về nơi ở của mình và che chở cho cô. Chính Xuân đã đưa Đũi đến nhà trò, tìm mọi cách để chuộc cô ra và luôn hết mình ủng hộ cô. Và ở góc độ nào đó, khán giả còn cảm nhận được tình yêu của Xuân dành cho Đũi. Nó là tình yêu trong sáng, đầy thương cảm, mến trọng nhau của những con người khốn cùng.

Xuân tóc đỏ: Lưu manh nhưng rất tình - 3

Nhưng nhân vật này còn được xây dựng với rất nhiều cái tình

Việc tạo cho Xuân một tính cách đa chiều như thế khiến khán giả có phần bớt ghét, thậm chí là có cảm tình với anh không ít.  

Nét mới trong tính cách của Xuân tóc đỏ là một sự cải biên táo bạo của đoàn làm phim. Phải chăng, các nhà làm phim muốn khẳng định một tư tưởng xuyên suốt, đó là trong mỗi con người luôn luôn có những bản tính thiện, việc phát triển tính thiện hay dập vùi, làm cho nó mất đi phần lớn là do xã hội. Chính xã hội lúc đó đã làm biến mất những bản chất tốt của Xuân, khiến Xuân trở nên lưu manh, tha hóa.

Qua hơn1/2 số lượng tập phim đã trình chiếu, được khán giả háo hức đón nhận, có thể nói diễn viên Việt Bắc đã làm tròn vai của mình. Việt Bắc đã thể hiện tròn vai một Xuân Tóc đỏ láu cá, ma lanh, dẻo miệng, phớt đời, bằng những mánh lới đã từng bước vươn lên, chen chân vào gia đình quyền quý, đứng ở vị trí cao trong xã hội thượng lưu.

Một điểm đáng khen của Việt Bắc khi vào vai này đó là, khán giả sẽ thấy một Xuân tóc đỏ gần như mới. Xuân tóc đỏ của Việt Bắc, không có bóng dáng của Xuân tóc đỏ Quốc Trọng hay thậm chí của cả nguyên bản gốc. Đối với một diễn viên trẻ, lại “gánh” một vai nặng như Xuân tóc đỏ trên vai, với một cái “bóng” Quốc Trọng quá lớn, đây là một thành công không nhỏ. Việt Bắc đã mang đến cho khán giả một hình ảnh Xuân tóc đỏ mới, vừa ngang tàng, đểu đểu, bất chấp mọi thủ đoạn, mánh lới để “làm được một cái gì đó” cho bản thân nhưng cũng không kém phần tình nghĩa và khán giả cảm thấy tạm hài lòng với hình tượng mới này.

Xuân tóc đỏ: Lưu manh nhưng rất tình - 4

Việt Bắc góp phần quan trọng khiến khán giả thêm yêu Trò đời

Mặc dù vậy, dường như khán giả vẫn trông chờ một sự sắc nét hơn trong nhân vật này. Khán giả vẫn muốn diễn viên có một sự bật lên, đẩy nhân vật Xuân lên hơn nữa, diễn tả sâu và rõ rệt hơn nữa sự lọc lõi, gian manh, lưu manh, trơ trẽn của Xuân tóc đỏ. Xuân tóc đỏ của Việt Bắc từ bề ngoài thư sinh cho đến cách thể hiện, có phần “nhẹ”, hiền so với nguyên tác.

Với tiểu sử và những việc làm của Xuân, người xem muốn diễn viên thể hiện sao cho họ ghét, chỉ cần nhìn mặt, nghe tiếng thôi là đã ghét, “đã muốn đánh rồi”. Và nếu đứng ở góc độ này, thì Việt Bắc vẫn chưa làm được. Xuân tóc đỏ của anh vẫn khiến người ta thương cảm nhiều hơn là “ghét cay ghét đắng”.

Mời độc giả đón xem kỳ 3: Minh Hằng sinh ra làm "bà Phó Đoan" vào 0h ngày 15/10/2013 tại mục PHIM 24h!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Linh ([Tên nguồn])
Trò đời: Phim hot trên VTV1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN