Tâm lý tennis: Cong cong kiểu Federer

Thứ Ba, ngày 31/07/2012 11:19 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Điều có thể rút tỉa ra từ những vòng đầu của Wimbledon là tennis không phải là những cuốn phim chiếu lại.

Ba hay năm set, đẳng cấp vẫn lên tiếng

Julien Benneteau đã thắng Federer hai sét đầu khi hai tay vợt đồng niên này gặp nhau ở Wimbledon, nhưng anh không thể lặp lại điều đó tại Olympics dù hai trận đấu diễn ra trên cùng một địa điểm và thời gian trôi qua chưa đầy một tháng.

Kết quả này tiếp tục bổ sung cho một luận điểm mà các nhà tâm lý thể thao thường đề cập khi bàn tới khoa học thể thao (gồm công tác huấn luyện và chỉ đạo thi đấu) là trạng thái tâm lý có thể quyết định tới sự thành bại của các tay vợt trong những thời điểm khác nhau. Benneteau chơi ở Wimbledon với trạng thái sung sức về mặt thể chất và có một tâm trạng không có gì để mất, còn ở Olympic là tâm lý cần phải tái lập được điều anh vừa mới thực hiện (thắng hai set đầu).

Các tay vợt cũng hiểu điều này nhưng sự kiến giải của họ có khác hơn: là giữa 100 tay vợt đứng đầu thế giới, giữa họ chỉ có một khoảng cách rất nhỏ trong lúc tập luyện (từ kỹ thuật cho tới xử lý tình huống) nhưng khi vào giải với những trận đấu là cuộc chơi cân não thì đẳng cấp lúc ấy của anh và của tôi mới được phân chia với những hố sâu rõ rệt.

Benneteau thua ba set sau trước Federerer (đặc biệt là set thứ năm) ở Wimbledon vì thể lực, nhưng cũng có thể tin là huyền thoại Thụy Sĩ hiểu rằng anh có thể để mất hai set đầu nhưng vẫn còn cơ hội chiến thắng nếu chơi ổn định ở phần còn lại của trận đấu.

Tâm lý tennis: Cong cong kiểu Federer - 1

Federer đã không lặp lại sai lầm trước Benneteau

Còn ở Olympic đang diễn ra, Federer xác định rất rõ, rằng nếu anh không bắt nhịp trận đấu thật nhanh, anh sẽ bỏ lỡ cơ hội cuối cùng trong đời giành HCV đơn nam ở sự kiện thể thao trọng đại diễn ra bốn năm một lần như Nadal đã làm tại Bắc Kinh 2008.

Federer đã vùi dập Benneteau sau hai set chỉ mất có bốn game và 58 phút. Một lối chơi theo đúng kiểu của "Tàu tốc hành".

Tâm lý cũng là vấn đề mấu chốt dẫn tới việc Djokovic để thua Fabio Fognini một set đầu trước khi thắng lại hai set sau. Điểm khác biệt ở đây chỉ là Djokovic chủ quan và hơi thiên về diễn trên cả hai khía cạnh thái độ thi đấu lẫn cú quả, chứ không phải là chuyện sức ép tâm lý.

Nhưng không phải lúc nào cũng là vấn đề của tâm lý khi chúng ta đặt hai (hoặc nhiều hơn) các tay vợt bên cạnh nhau.

* Siêu nhái Dimitrov

Nếu cho Grigor Dimitrov mặc quần áo của Federer và làm cho mái tóc hơi xoăn rồi đeo trên trán chiếc chặn mồ hôi, thì người viết dám cá là sẽ có nhiều người nhầm đó là Federer nếu chỉ nhìn từ xa hoặc lướt qua một đoạn clip thi đấu của tay vợt trẻ người Bulgaria trên youtube.

Dimitrov, cựu số 1 trẻ thế giới và là nhà vô địch Grand Slam trẻ (tại Wimbledon và US Open cùng năm 2008) , từ lâu đã được gọi là phiên bản của Federer vì anh có phong cách thi đấu khá giống với huyền thoại người Thụy Sĩ. Từ cú giao bóng chân trước chân sau với cú tung bóng hơi cong kéo từ ngoài vào trong cho tới cách mở vợt bung cú trái tay lẫn cứ thuận tay đánh như ôm quả bóng vào mặt vợt trước khi bóng bật đi với tốc độ của một chiếc xe đua nhắm tới một cái đích đã định của Federer đều được Dimitrov mô phỏng khá giống.

Dimitrov thậm chí còn tìm nhiều cách để phanh lại chiều cao không ngừng tăng của anh để làm sao không vượt quá so với mức 1m85-1m86 chuẩn mực của các tay vợt vĩ đại, trong đó có Federer. Nhưng Dimitrov nay vẫn cao gần 1m9. Rồi Dimitrov còn thuê lại cả HLV đã dẫn dắt Federer giành Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, là ông thày người Thụy Điển Peter Lundgren để huấn luyện trong năm 2011.

Thành tựu mà Dimitrov đạt được cho tới lúc này là lọt vào top 50 TG, và trở thành người Bulgaria đầu tiên lọt vào bán kết ba giải ATP Tour, nhưng anh vừa bị loại bởi Gilles Simon ở vòng hai Wimbledon trong một trận đấu diễn ra khá chóng vánh (3-6, 3-6).

Tâm lý tennis: Cong cong kiểu Federer - 2

Dimitrov chỉ là phiên bản lỗi của Federer

Cho tới lúc này vẫn còn hơi sớm để phán xét về Dimitrov, tay vợt năm nay mới 21 tuổi, trong khi thần tượng của anh, Federer vô địch Grand Slam đầu tiên ở năm 22 tuổi (2003, Wimbledon). Nhưng e rằng Dimitrov chỉ là một phiên bản nháp vội, chứ khó đạt tới một phần cảnh giới của Federer.

Điều quan trọng nhất ở tennis trong công tác đào tạo và huấn luyện là phát triển các kỹ năng và xây dựng lối chơi dựa trên đặc điểm hình thể, tố chất mạnh nhất của các tài năng chứ không phải là đi rập khuôn các hình mẫu thần tượng.

Federer cả tuổi thơ thần tượng Stefan Edberg rồi sau đó thêm Pete Sampras nhưng từ cách giao bóng cho tới xử lý cú trái một tay chứ chưa nói tới cú thuận và cách xây dựng lối chơi đều không phải là những chiêu thức anh học mót.

Novak Djokovic cũng có thần tượng giống Federer và không bao giờ thay đổi là Pete Sampras, nhưng rõ ràng là tay vợt người Serbia chẳng mô phỏng bất cứ cú quả nào của huyền thoại người Mỹ.

Và nếu nói tới việc phát huy những điểm mạnh dựa trên thể chất, tiềm năng cá nhân cũng như điều kiện tập luyện thì không thể không bỏ qua Nadal, người đã phá cách tennis truyền thống với cú thuận tay vắt vợt qua đầu (thường chỉ để đánh cú running forehand - vừa di chuyển vừa đánh thuận tay phòng ngự).

Nói rộng ra, có một bộ phim khá nổi tiếng "Bend it like Beckham", nhưng Cristiano Ronaldo trở thành chân sút phạt cự phách không phải bằng cách cứa lòng theo kiểu "số 7 tóc vàng". Và cũng có nghĩa là một bộ phim "Cong cong kiểu Federer" nếu có ra đời cũng không phải bí quyết đối với các HLV và các tay vợt trẻ thông minh.

* Và tennis Việt Nam

Lâu nay chúng ta vẫn chỉ bàn tới tennis thế giới mà lãng quên tennis Việt Nam, và đó là một điều làm day dứt những người Việt yêu tennis. Nhưng nói tới tennis Việt Nam thường là những câu chuyện tạo nên nhiều băn khoăn hơn là hy vọng phấn khởi.

Một trong những mầm mống dẫn tới sự lạc lối này hình như cũng bắt nguồn từ quan điểm mô phỏng những hình bóng của các huyền thoại tennis thế giới, như việc theo đuổi cú trái một tay dù cho các co số thực tế đã chứng minh rất rõ ràng là hầu như không có cơ hội cho các tay vợt cao không qua 1m8 thành công trong tennis hiện đại.

Hay chuyện của một tay vợt nữ hàng đầu dường như đang cắp vợt đi học khắp thế giới theo kiểu thày nào có cái hay gì thì học của thày đó, đang ước mơ có một số tiền đủ trả cho người thày đã dạy Roddick cú giao bóng, sau khi đã tìm tới lò của Henin để tìm bí quyết thành công của một tay vợt cao chưa đầy 1m7.

Roddick có cú giao bóng nằm trong số những cú serve hay nhất và nhanh nhất trong lịch sử thật ra không phải do công thức chế tạo sẵn của HLV Rick Macci. Ông HLV này chỉ là người đã tìm ra những điểm mạnh nhất từ bản thân Roddick để "nhấn nhá" - và như thế đã là hay rồi.

Có lẽ chúng ta khó lòng mong chờ có một tay vợt từ thế hệ tennis đương đại của Việt Nam đủ khả năng giành vé đi Olympic, và cũng khó thể trông đợi ở một tay vợt giỏi bắt chước Federer hoặc Nadal nào đó trên thế giới mà đạt tới thành công tột bực ở London 2012 hay trong tương lai.

Chia sẻ
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
sự kiện Nóng cùng Phạm Tấn
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN