Ly kỳ người Việt đổ tiền 'độ' siêu xe, máy bay
Chiếc Rolls-Royce phiên bản Việt đã gây được không ít sự chú ý của dư luận. Nhưng ít ai biết rẳng, đã có nhiều người Việt chế tạo các loại ô tô, xe máy và cả máy bay đều thuộc hàng "khủng”.
Hai lúa chế trực thăng xuất ngoại
Máy bay “tự chế” của anh Trần Quốc Hải (xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh) đã từng cất cánh ở độ cao 1,7m vào năm 2008, gây được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Trong các năm từ 2006 đến 2008, anh và êkíp đã 4 lần cải tiến chiếc trực thăng tự chế. Sau đó, anh cho “ra đời” chiếc máy bay thế hệ thứ 4 trên cơ sở “nâng cấp” chiếc máy bay thử nghiệm với hy vọng chiếc này sẽ thể hiện được những ưu điểm vượt trội như khả năng đảo chiều; đứng yên trên không trong một thời gian nhất định…
Anh Trần Quốc Hải xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) làm nghề cơ khí sửa chữa máy móc nông nghiệp. Năm 2008, "Hai lúa" Trần Quốc Hải kéo máy bay trực thăng ra ngoài đồng để bay thử nhưng đáng tiếc, cả 2 chiếc trực thăng do anh Hải và các cộng sự chế tạo đều được các cơ quan chuyên môn kết luận "không thể bay được".
Chính từ việc một nông dân Việt Nam tự chế tạo máy bay trực thăng "bằng tay" mà anh đã được một số tổ chức khoa học kỹ thuật trên thế giới mời đi tham quan đó đây để học tập kinh nghiệm. Máy bay trực thăng do anh chế tạo đã chu du qua nhiều nước như Australia, Nhật, Đức, Hàn Quốc và Mỹ để... triển lãm. Anh Hải được các tổ chức của các quốc gia này công nhận là "kỹ sư- nhà nông".
Anh Hải cho biết, 2 chiếc máy bay trực thăng "made in Việt Nam" do anh chế tạo đã được "xuất khẩu" ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Số tiền bán máy bay trực thăng được anh sử dụng vào việc chế tạo ra các thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp.
10 năm chế tạo trực thăng thể thao
Chiếc trực thăng mini thể thao “made in Vietnam” là công trình nghiên cứu chế tạo hơn 10 năm của anh Phạm Xuân Quốc ở TP HCM. Chiếc trực thăng nhỏ chỉ có một khung sườn, động cơ xăng đặt phía sau ghế lái. Trực thăng có 2 tầng cánh quạt, mỗi tầng 2 cánh quay trên một trục, phía trước có ghế ngồi, ở dưới là hệ thống chân đỡ, phía sau có bánh lái.
Theo anh Quốc, đây là loại trực thăng mini bay theo kiểu thể thao, một người ngồi điều khiển, thân máy bay làm bằng inox, một số bộ phận bằng hợp kim nhôm. Xăng có thể dùng được là A92.
Quan sát từ một máy trộn thức ăn gia súc, anh Quốc quyết định làm chiếc trực thăng thể thao. Bắt đầu từ năm 2001, sau khoảng 10 năm, đến tháng 9/2010, sản phẩm ra đời. Thời điểm đó, chàng kỹ sư trẻ đã nhờ báo chí chuyển một lá thư đến Chủ tịch nước, đề nghị được tạo điều kiện để bay thử.
Rolls-Royce phiên bản Việt
Những ngày gần đây, không chỉ báo chí trong nước xôn xao chuyện một nhóm bạn trẻ ở Thanh Hóa “biến” chiếc Nissan Skyline 1982 thành siêu sedan bậc nhất hiện nay là Rolls-Royce Phantom của hãng xe Anh quốc, mà ngay cả báo chí nước ngoài cũng có những bình luận thú vị về siêu xe tự chế “made in Vietnam” này.
Theo trang tin tổng hợp Zimbio viết “Tại Việt Nam, nếu bạn muốn sở hữu một chiếc Rolls-Royce Phantom, bạn sẽ phải trả hơn 1,2 triệu USD sau khi nộp các loại thuế phí. Đây là một chênh lệch lớn so với giá tại thị trường Mỹ, vốn chỉ dao động trong khoảng 400.000 USD. Và đây chính là lý do để bản sao của Rolls-Royce Phantom ra đời.”
Trong khi đó, nhóm bạn trẻ này chỉ tốn khoảng gần 160 triệu đồng để “lột xác” cho chiếc Nissan Skyline 1982 cũ kỹ thành siêu sedan Phantom bậc nhất hiện nay.
Được biết, chiếc xe Phantom "nhái" này thuộc quyền sở hữu của Mai Anh Tuấn, chàng trai sinh năm 1987 ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Anh đã cùng với một số người thợ gò, thợ sơn làm miệt mài trong gần 3 tháng để kịp ngày cưới.
Nếu quan sát từ xa, chúng ta rất dễ nhầm lẫn phiên bản “nhái” của chiếc xe này với chiếc Rolls-Royce Phantom “xịn” bởi kiểu dáng được thiết kế giống hệt với cửa trước mở xuôi, cửa sau mở ngược. Tuy nhiên, khi đến gần người xem rất dễ nhận thấy những chi tiết trên phiên bản tự chế này còn một số lỗi cơ bản, điển hình là logo của Mazda thay vì biểu tượng Spirit of Ecstasy nổi tiếng của hãng xe hàng đầu thế giới, những đường vân trên nắp ca-pô không tỉ mỉ như hàng xịn, lớp vỏ bọc dưới bàn tay gò hàn từ nhóm thợ cơ khí có phần rộng hơn so với khung xe.
Theo Tuấn thì “xác” Phantom nhái chính là chiếc Nissan Skyline 1982 đã được anh mua lại với giá chỉ 20 triệu đồng, những linh kiện phụ tùng dùng để tân trang chiếc xe được nhóm anh mua tại Hà Nội, với tổng chi phí khi hoàn thiện vào khoảng 160 triệu đồng mà không phải 240 triệu đồng như những thông tin xuất hiện trước đó.
Ô tô gỗ tự chế có một không hai
Chiếc ô tô gỗ độc đáo này là ý tưởng của anh Lê Nguyên Khang, người theo nghề gỗ từ năm 1990 ở quận 7, TP.HCM. Ngoài gầm xe và hệ thống truyền động được nhập về, tất cả các chi tiết còn lại trên chiếc ô tô của anh Khang đều được làm thủ công bằng gỗ.
Chiếc xe hơi gỗ bắt đầu lên khuôn vẽ do chính anh cùng đội ngũ nhân viên tự thiết kế, đến tháng 4/2011 anh bắt tay vào làm. Khung gầm, động cơ, hộp số, dàn nhíp, hệ thống truyền động, vô lăng của hãng BMW được nhập về, còn lại tất cả đều làm thủ công từ gỗ. Xe nặng 1.420 kg.
Chiếc xe hơi gỗ bắt đầu lên khuôn vẽ do chính anh cùng đội ngũ nhân viên tự thiết kế, đến tháng 4/2011 anh bắt tay vào làm. Khung gầm, động cơ, hộp số, dàn nhíp, hệ thống truyền động, vô lăng của hãng BMW được nhập về, còn lại tất cả đều làm thủ công từ gỗ. Xe nặng 1.420 kg.
Anh Khang cho biết, xe có thể chạy an toàn với tốc độ 60 km/h. Giá bán của chiếc xe này là 24.000-25.000 USD. Về việc kiểm định, nếu chạy ngoài đường thì cần phải đi kiểm định. Và anh Khang nói 'Tôi hoàn toàn tin tưởng việc kiểm định cho chiếc xe này".
Harley Việt chế từ Honda 67
Chiếc Honda 67 độ theo phong cách phân khối lớn là tác phẩm của Thạch Tánh Linh – chàng trai có tuổi thơ gắn liền với chiếc Honda 67 và đam mê kiểu dáng của những chiếc phân khối lớn hầm hố như Ducati, BMW.
Linh nảy ra ý tưởng kếp hợp phong cách moto phân khối lớn với chiếc xe kỉ niệm. Thế là chiếc xe độc đáo này được ra đời.
Từ kinh nghiệm sửa cơ khí và những điều học hỏi trên diễn đàn xe máy, Thạch Tánh Linh tự mày mò, thiết kế tỉ mỉ từng chi tiết cho đứa con tinh thần. Phiên bản đầu tiên hoàn thành nhưng chưa thực sự khiến anh hài lòng.
Trong khi thực hiện tác phẩm của mình cũng có những lúc Linh nản lòng, nhưng “tình yêu và lời nhận xét chân thành của anh em trong hội Honda 67 tiếp thêm cho tôi sức mạnh thực hiện phiên bản thứ 2" Linh chia sẻ.
Xe siêu tiết kiêm xăng: 0.3 lít xăng/100km
Chiếc xe siêu tiết kiệm nhiên liệu một cách đáng ngạc nhiên này là do chính các sinh viên Việt Nam sáng chế đã xuất hiện trong số thứ hai của chương trình “Nhà sáng chế”- một series chương trình mới của VTV “Nhà sáng chế là phiên bản tiếng tiếng Việt của “The News Inventors”, một trong những chương trình có tỉ lệ người xem nhiều nhất trên kênh truyền kình ABC của Úc trong nhiều năm qua.
Đánh giá về chiếc xe siêu tiết kiệm nhiên liệu, chuyên gia kinh tế Trương Lý Hoàng Phi - Giám khảo chương trình “Nhà sáng chế” khẳng định: “Trong bối cảnh giá cả nhiên liệu tăng cao, những giải pháp tiết kiệm nhiên liệu của sáng chế nếu được nhìn nhận và đầu tư đúng mức, chắc chắn sẽ có khả năng ứng dụng rộng rãi”.
Xe Vespa cứu hỏa: Người Ý cũng không nghĩ đến
Chiếc xe Vespa gắn máy bơm nước trở thành xe cứu hỏa lưu động. Xe phát huy hiệu quả tốt nhờ tính nhanh gọn, kịp thời len lỏi vào khu dân cư, dập tắt những đám cháy mới phát sinh là tác phẩm của anh Nguyễn Cao Thượng (46 tuổi), quê ở Mỹ Phước, huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Anh Thượng về Kiên Giang lập nghiệp năm 1999 với nghề sửa máy móc. Hơn 20 năm trong nghề cùng với niềm đam mê chiếc xe Vespa, anh đã bỏ ra nửa năm mày mò, gắn máy bơm nước và lồng tự chế vào chiếc Vespa, tạo thành xe cứu hỏa lưu động.
Xe phát huy hiệu quả trong những trường hợp cháy trong ngõ ngách nhỏ hẹp, xe cứu hỏa chuyên dụng không thể vào được. Sau khi hoàn thành sản phẩm vào năm 2010 cho đến nay, anh Thượng đã dùng xe dập tắt được 5 đám cháy, nhận nhiều giấy khen của địa phương trong công tác PCCC.