Những ngân hàng "bơm tiền" giải cứu Vietnam Airlines đang kinh doanh ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Một loạt nhà băng đã đồng ý “bơm tiền” để giải cứu hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trước nguy cơ phá sản do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo đó, mới đây hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của 3 tổ chức tín dụng này nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng.  

Vietnam Airlines thoát khỏi nguy cơ phá sản khi được các ngân hàng “bơm tiền” giải cứu

Vietnam Airlines thoát khỏi nguy cơ phá sản khi được các ngân hàng “bơm tiền” giải cứu

Cùng với đó, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3.

Thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. Theo dự thảo tình hình phát triển doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến số lỗ của Vietnam Airlines trong quý 1/2021 sẽ ở mức 4.800 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỉ đồng.

Trong tháng 6, Vietnam Airlines đã rao bán 11 chiếc Airbus A321ceo được sản xuất các năm 2004, 2007 và 2008. Ngoài máy bay, Vietnam Airlines cũng đang có kế hoạch bán và thuê lại một động cơ dự phòng mới PW1133G-JM kèm QEC mới (Quick Engine Change - bộ thay động cơ nhanh) dự kiến giao tháng 7/2021.

Việc thanh lý các tàu bay cũ cũng như bán và cho thuê lại tài sản cố định là một phần trong kế hoạch cải thiện nguồn thu, bổ sung thanh khoản của Vietnam Airlines nhằm giải quyết những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Trái ngược với cảnh thua lỗ lớn của Vietnam Airlines trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thì kết quả kinh doanh của cả 3 nhà băng gồm SeABank, MSB và SHB đều rất ấn tượng trong những tháng đầu năm 2021.

Kết thúc quý 1/2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB) đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3, Tổng tài sản của SeABank đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24%; Tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%; Cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng cũng đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48% và Tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 40,8% so với mức 52,9% cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, SeaBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 2.414 tỷ đồng và 1.931 tỷ đồng, tăng 39,6% và 42%. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được 30% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.

Trong khi đó, sau 3 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của SHB đạt 2.225,8 tỉ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng lần lượt 13,2% và 19,2% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 126,5 tỉ đồng và 53,5 tỉ đồng.

Là một trong những ngân hàng cho Vietnam Airlines vay tiền, SHB được dự báo có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021

Là một trong những ngân hàng cho Vietnam Airlines vay tiền, SHB được dự báo có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021

Tổng thu nhập hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2021 của SHB đạt hơn 2.554 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, chi phí hoạt động trong quý 1/2021 của SHB là 890,6 tỉ đồng, giảm 16,8% so với quý 1/2020.

Kết quả, trong 3 tháng đầu năm 2021, SHB đã ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 1.330 tỉ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/3/2021, quy mô tổng tài sản của SHB đạt 418.407,6 tỉ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 310.690,6 tỉ đồng, tăng 1,65% so với đầu năm.

Theo phân tích của SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của SHB sẽ đạt 6,06 nghìn tỷ đồng (tăng 85,5% so với cùng kỳ). Năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế SHB là 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6%, dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động là 20% và 18% so với cùng kỳ. 

Với ngân hàng MSB, theo số liệu mới được SSI Research công bố, trong quý 2/2021, MSB được dự báo dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận khối ngân hàng. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 đạt 1,65 nghìn tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận trước thuế đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm. Thu nhập quý 2/2021 bao gồm khoảng 500 tỷ đồng phí trả trước bancassurance từ Prudential.

Trước đó, báo cáo tài chính quý 1 của MSB cho biết ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Nguồn: [Link nguồn]

”Bầu” Thụy không hoàn thành mục tiêu gia tăng sở hữu tại LienVietPostBank

Đại gia Ninh Bình, ông Nguyễn Đức Thụy đã không hoành thành mục tiêu gia tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân tại Ngân hàng TMCP...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN