Vụ hủy gói thầu hơn 220 tỷ áp tiêu chí ''tào lao'': Chủ đầu tư nóng vội, nhà thầu trượt oan?
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc hủy thầu gói thầu cải thiện tiếp cận đường bộ và đường sông Nhật Lệ - Long Đại ở Quảng Bình hơn 220 tỷ đồng của chủ đầu tư vừa rồi là nóng vội. Nếu áp dụng Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhà thầu có giá thấp nhất vẫn còn cơ hội trúng thầu.
Như Tiền Phong đã thông tin, Ban Quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình mở Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) Cải thiện tiếp cận đường bộ và đường sông Nhật Lệ - Long Đại với sự tham gia của 3 nhà thầu.
Gói thầu nhằm cải thiện hạ tầng du lịch sông Nhật Lệ - Long Đại
Gói thầu có giá hơn 220 tỷ đồng, sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, giá dự thầu của Liên danh Tổng công ty 319 - Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo là hơn 199 tỷ đồng; Công ty CP 471 là hơn 200 tỷ đồng; Liên danh Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Miseco là 220 tỷ đồng.
Ngày 5/7, Chủ đầu tư là Sở Du lịch Quảng Bình ra Quyết định hủy thầu với lý do: Hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu (theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Điều 92 Quy chế đấu thầu ADB 2017).
Quyết định huỷ thầu của Chủ đầu tư
Lý do cụ thể được nêu tại Thư không phản đối ngày 30/6 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do “không có nhà thầu nào trong ba nhà thầu đáp ứng yêu cầu tại tiêu chí EQC 2.5.2: Kinh nghiệm xây dựng trong các hoạt động chính”: “Thi công tu bổ, phục hồi công trình đường bậc cấp đi bộ lên núi cao lớn hơn hoặc bằng 250m, mặt đường lát đá tự nhiên diện tích lớn hơn hoặc bằng 2.000m2”.
Giá trị gói thầu Số 15 (TIIGP2-VIE-W04) là 224 tỉ đồng. Trong lúc đó bậc cấp lên núi Thần Đinh (tiêu chí EQC 2.5.2) chưa đến 8 tỉ đồng, chỉ chiếm 3% giá trị gói thầu. Tuy nhiên, Chủ đầu tư lại đưa hạng mục này vào kinh nghiệm xây dựng các hoạt động chính để loại nhà thầu, là vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tiêu chí này theo khuyến nghị của ADB trong thư ngày 18/1/2023 là hạn chế nhà thầu, tuy nhiên bên mời thầu không tuân thủ và vẫn đưa vào E-HSMT để phát hành.
Theo chuyên gia này, tiêu chí EQC 2.5.2 trái với quy định tại Phụ lục 09 của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đây được xem là hành vi cài cắm, gây khó khăn, hạn chế sự tham gia của nhà thầu, theo đó, nội dung tiêu chí EQC 2.5.2 vi phạm Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, đương nhiên bị tuyên vô hiệu, nhà thầu không cần đáp ứng.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu áp dụng Thông tư 08, trong trường hợp gói thầu Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04), nhà thầu nào có giá thấp nhất và đáp ứng các tiêu chí khác ngoài tiêu chí EQC 2.5.2 vẫn còn cơ hội trung thầu.
Thư của ADB nhắc lại từng khuyến nghị về tiêu chí hạn chế nhà thầu EQC 2.5.2
Để được trúng thầu, nhà thầu nên gửi kiến nghị lên chủ đầu tư phản đối việc huỷ thầu, yêu cầu áp dụng Thông tư 08 để loại bỏ tiêu chí “tào lao” nói trên. Trong vòng 10 ngày, nếu Chủ đầu tư không phản hồi, nhà thầu có quyền phát văn bản lên cấp cao hơn là UBND tỉnh Quảng Bình để được giải quyết.
Nguồn: [Link nguồn]
Sở Du lịch Quảng Bình vừa huỷ gói thầu hơn 220 tỷ đồng vì cả 3 nhà thầu tham gia đều không đáp ứng 1 tiêu chí của bên mời thầu, khiến dư luận xôn xao. Không ít người có...