Nóng tuần qua: Vừa thành lập, hãng bay Việt đã gần như "ngủ đông"

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cả tháng 7, Vietravel Airlines chỉ thực hiện 3 chuyến bay, trong khi 17 trong tổng số 18 máy bay của Pacific Airlines hiện nằm sân không vận hành.

Vietravel Airlines chỉ có 3 chuyến bay trong tháng 7

Tháng 7 vừa qua với các hãng hàng không Việt Nam khó khăn không kém tháng 4/2020, giai đoạn ảm đạm nhất của ngành trong năm 2020 khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát mạnh tại Việt Nam. Cả tháng 7, sáu hãng hàng không Việt thực hiện 3.772 chuyến bay, chỉ nhỉnh hơn 145 chuyến so với thời điểm tháng 4/2020.

Trong tháng 7, Vietravel Airlines chỉ thực hiện đúng 3 chuyến bay.

Trong tháng 7, Vietravel Airlines chỉ thực hiện đúng 3 chuyến bay.

Trong tháng 7, Vietravel Airlines chỉ thực hiện đúng 3 chuyến bay. Tân binh của ngành hàng không Việt ghi nhận lượng chuyến bay giảm 86,4% so với tháng trước đó và là tháng ảm đạm nhất của hãng kể từ khi vận hành.

Cũng rơi vào tình trạng "ngủ đông" như Vietravel Airlines là Pacific Airlines. Hãng bay thành viên của Vietnam Airlines Group hiện có tới 17 trong tổng số 18 máy bay trong đội bay đang nằm sân, không khai thác do vắng khách vì dịch bệnh. Cả tháng 7, Pacific Airlines chỉ khai thác 37 chuyến bay, giảm 76,4% so với tháng trước và giảm 97,6% so với cùng kỳ.

Kiến nghị giảm nhập khẩu xăng dầu để 'cứu' nhà máy trong nước

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.

 UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị giảm nhập khẩu xăng dầu.

 UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị giảm nhập khẩu xăng dầu.

Tỉnh này cho biết kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát bắt đầu từ các tỉnh miền Trung vào tháng 5-6 năm nay, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất (được quản lý bởi công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn - BSR) đã bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa bị giảm sút bởi đại dịch.

Tỉnh này đánh giá tình hình dịch bệnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp dẫn đến nhu cầu xăng dầu trong nước sụt giảm rất mạnh trong khi nguồn cung đã vượt khả năng tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong các tháng tới, nếu các đầu mối tiếp tục nhập khẩu thì sẽ gây áp lực thừa cung rất lớn và gây tồn ứ xăng dầu trên diện rộng.

Đã có mẫu giấy thông hành cho người đi sân bay quốc tế

Bộ GTVT vừa ban hành công văn về hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay kèm mẫu phiếu xác nhận người đến sân bay.

Theo đó, để tạo điều kiện cho người có vé máy bay ra nước ngoài được đến sân bay thuộc các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16, tại công văn này, Bộ GTVT đã ban hành mẫu phiếu xác nhận thông tin có xác nhận của UBND xã, phường của tài xế chở người ra sân bay.

Với hành khách ra sân bay để đi nước ngoài, khi tới chốt kiểm soát của cơ quan chức năng thì hành khách cần xuất trình phiếu thông tin yêu cầu đối với hành khách sử dụng ôtô đến cảng hàng không quốc tế để bay đi nước ngoài, hộ chiếu kèm theo visa còn hiệu lực, vé máy bay (bằng giấy hoặc điện tử) gồm mã đặt chỗ, thời gian bay, ngày bay, số hiệu chuyến bay cùng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR.

Xem xét nâng biên độ dao động sàn HoSE lên 10% nếu cần thiết

Mới đây, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã có báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán trong nước giai đoạn 2021-2023.

Tại báo cáo này, VFCA đã đề xuất nâng biên độ dao động giá chứng khoán tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ 7% lên thành 10% ngay trong năm nay để đáp ứng sự phát triển mới của thị trường chứng khoán.

Chia sẻ về đề xuất này, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay, từ khi vận hành thị trường đến nay, HoSE đã 9 lần thực hiện thay đổi biên độ dao động giá. Trong đó có 7 lần điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm, hiện biên độ dao động giá chứng khoán trên HoSE là 7%/phiên.

Cơ quan này nhấn mạnh việc tăng, giảm biên độ dao động giá phụ thuộc vào tình hình và biến động của thị trường. Khi thị trường diễn biến xấu thì điều chỉnh giảm biên độ dao động giá là biện pháp hạn chế đà giảm, ngăn không để thị trường giảm sốc.

Đã gia hạn hơn 67.000 tỷ đồng thuế và tiền thuê đất

Báo cáo cập nhật mới nhất tình hình gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất từ Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 6/8, cơ quan quản lý tài khóa đã nhận được tổng cộng 137.118 đơn đề nghị gia hạn từ các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.

Trong đó, số doanh nghiệp, tổ chức đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất giai đoạn này là 118.143 đơn vị, còn lại 18.975 lượt đề nghị gia hạn đến từ các cá nhân, người dân.

Với số lượng đề nghị trên, Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền thuế và thuê đất đã gia hạn cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 đến nay là 67.194 tỷ đồng.

Trong đó, số gia hạn thuế giá trị gia tăng các tháng 3-6, quý I và II của các doanh nghiệp, tổ chức là 35.742 tỷ đồng.

Giá hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý I của doanh nghiệp, tổ chức được tạm tính bằng 20% số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp theo quyết toán thuế năm 2020 là 29.347 tỷ.

Ngoài ra, số thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn giai đoạn này là 261 tỷ đồng và gia hạn tiền thuê đất là 1.844 tỷ.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại gia tuần qua: Giám đốc siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng hứa sẽ tặng quà to khi ”về đội”

Siêu doanh nghiệp của CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh hứa hẹn những lợi ích "khủng" khi làm đại diện kinh doanh của công ty.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN