Nhiều nghìn tỷ tổn thất do bão, ông lớn bảo hiểm Việt có bao nhiêu tiền dự phòng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Sau gần 6 ngày, siêu bão Yagi tiếp tục gây ra thiệt hại nặng nề. Ước tính, tổng mức khiếu nại tổn thất lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, trong đó có Bảo hiểm PVI. Tuy nhiên, dự phòng của doanh nghiệp khá lớn.

Theo cập nhật tới chiều 11/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.

Như vậy, mức tổn thất ước tính tăng lên rất nhanh. Trước đó, sáng 9/9, Bảo hiểm PVI mới ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tính số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng, chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.

Đây là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm, trong đó có PVI.

Bên cạnh đó, một số công ty bảo hiểm khác cũng công bố số liệu sơ bộ về thiệt hại do cơn bão số 3 - Yagi gây ra. Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ước tính tới chiều tối 9/9, tiền bồi thường không dưới 150 tỷ đồng. Trong khi Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng tiếp nhận khoảng hơn 500 vụ tổn thất, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng...

Các doanh nghệp bảo hiểm ước tính tổng mức khiếu nại tổn thất lên tới nhiều nghìn tỷ đồng sau cơn bão số 3 (Yagi). Ảnh minh họa: Phạm Công

Các doanh nghệp bảo hiểm ước tính tổng mức khiếu nại tổn thất lên tới nhiều nghìn tỷ đồng sau cơn bão số 3 (Yagi). Ảnh minh họa: Phạm Công

Nhiều công ty bảo hiểm khác như: BIDV, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội, Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm hàng không (VNI) cũng ghi nhận hàng trăm vụ tổn thất đối với mỗi doanh nghiệp tính tới 9-10/9.

Tốc độ ghi nhận các vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản có thể tăng nhanh theo diễn biến phức tạp sau bão, trong đó có lũ lụt tại rất nhiều tỉnh thành phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn. Vì thế, thiệt hại ước tính còn lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Riêng bảo hiểm nhân thọ, đã có 6 doanh nghiệp ghi nhận các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị thiệt hại do bão Yagi và lũ lụt tại các tỉnh, thành miền Bắc. 

Trong vài phiên gần đây, cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm chịu áp lực giảm mạnh.

Mặc dù con số thiệt hại lên tới nhiều nghìn tỷ, nhưng dự phòng của các doanh nghiệp này cũng khá lớn. Các đơn vị bảo hiểm khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.

Tính tới cuối quý II/2024, PVI có tiền và tương đương tiền hơn 613 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là hơn 10.600 tỷ đồng (trong đó có gần 1.528 tỷ đồng kinh doanh chứng khoán, hơn 9.157 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn). Đầu tư tài chính dài hạn đạt hơn 3.631 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính, tới cuối quý II/2024, PVI có dự phòng gần 15.900 tỷ đồng, trong đó dự phòng bồi thường hơn 6.903 tỷ đồng và dự phòng chi phí chưa được hưởng 8.519 tỷ đồng.

PVI có dự phòng khá lớn.

PVI có dự phòng khá lớn.

Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), theo báo cáo tài chính, cuối tháng 6/2024, PTI ghi nhận tiền mặt gần 745 tỷ đồng. Đầu tư tới ngày nắm giữ ngắn hạn hơn 3.330 tỷ đồng. Đầu tư tới ngày nắm giữ dài hạn hơn 582 tỷ đồng.

Đến cuối quý II/2024, PTI có dự phòng hơn 4.082 tỷ đồng, trong đó dự phòng bồi thường là gần 1.424 tỷ đồng.

Tương tự, các ông lớn khác như Bảo hiểm Bảo Việt hay Bảo Minh cũng là những doanh nghiệp bảo hiểm có nguồn dự phòng lớn, gồm hai mảng dự phòng bảo hiểm thuần và dự phòng nhượng tái bảo hiểm.

Về quy mô, Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam, vượt qua những ông lớn như Bảo hiểm Bảo Việt hay Bảo Minh. Tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng, qua đó trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành phi nhân thọ. 

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PVI giảm 8 trong 10 phiên gần đây, chỉ có 1 phiên tăng nhẹ. Giá PVI giảm từ khoảng 49.100 đồng xuống 44.400 đồng/cp tính tới chiều 11/9. Vốn hóa giảm mạnh xuống còn 10.400 tỷ đồng.

Bảo hiểm PVI ghi nhận tăng trưởng bứt phá khi năm 2021, lần đầu tiên hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của PVI đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có cổ đông lớn là HDI Global SE (nắm giữ hơn 41%) - một thành viên của Tập đoàn Talanx - top 5 tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất châu Âu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ sở hữu 35%; quỹ Funderburk Lighthouse Limited sở hữu hơn 12,6%.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam sôi động từ năm 2021 với hàng loạt doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh như Bảo hiểm Pjico (PGI), MIG, BIC, Bảo Việt (BVH)...

Dịch bệnh Covid-19 càn quét đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm bảo hiểm vẫn duy trì tăng trưởng tốt.

Các công ty bảo hiểm lưu ý khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho công ty bảo hiểm qua điện thoại, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức phù hợp các thông tin ban đầu như: Địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).

Giám định viên của bảo hiểm hoặc đơn vị giám định được chỉ định sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra hiện trường đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ chi tiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Gần 12.000 khách hàng vay vốn ngân hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng - hai địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, đang cần được hỗ trợ gấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN