Nguy cơ phá sản, VSSA gửi thư khẩn cầu cứu Bộ trưởng Công Thương

Sự kiện: Kinh Doanh

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề nghị tiếp tục hoãn thời hạn thực thi Hiệp định ATIGA nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho ngành mía đường hiện tại, tránh nguy cơ phá sản quy mô lớn của ngành mía đường.

Cụ thể, Công văn số 108/CV-HHMĐ do ông Lê Hồng Thái - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường đã đề cập: Niên vụ 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp giá đường mía trong nước giảm mạnh, tình trạng sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà máy đường giảm sút, thua lỗ trầm trọng. Từ niên vụ 2015-2016, có 17/30 nhà máy đường trên cả nước thua lỗ nghiêm trọng, nhiều nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu.

Hộ trồng mía chịu thiệt hại, một số vùng thua lỗ phải bỏ ruộng hoặc chuyển sang cây trồng khác với rủi ro lớn. Hiện tại, diện tích mía nguyên liệu tại nhiều địa phương đã giảm từ 30% - 60% tổng diện tích. Thiếu nguyên liệu, các nhà máy duy trì sản xuất công suất mức thấp, một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.

Theo thông tin từ VSSA, nguyên nhân của tình trạng trên bao gồm nhiều lý do, trong đó vấn đề gian lận thương mại, buôn lậu đường, các chiêu trò “tạm nhập” không “tái xuất”… gây nhức nhối những năm qua nhưng chưa được giải quyết.

Đường lậu là một trong những nguyên nhân khiến ngành mía đường Việt Nam khốn đốn.

Đường lậu là một trong những nguyên nhân khiến ngành mía đường Việt Nam khốn đốn.

Thêm vào đó "tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn kéo dài và có hệ thống của buôn lậu đường xuyên biên giới, các hành vi gian lận thương mại dưới các hình thức “tạm nhập, tái xuất đường thành phẩm” hay phục vụ “chế biến xuất khẩu” và vấn đề trợ cấp tràn lan của các nước xuất khẩu đường, trong đó điển hình là Thái Lan, đối tác chính trong ngành đường ASEAN khiến giá đường nhập lậu càng rẻ một cách bất hợp lý” - một số lý do được VSSA đưa ra trong văn bản gửi bộ trưởng Công thương.

Trước đó, ngày 20.02.2019, Bộ Công thương đã có Văn bản số 1034/BCTXNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020. 

Thông tin từ bộ Công Thương cho biết, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn được nữa. Điều này có nghĩa, sau ngày 1/1/2020 đường trợ giá của Thái Lan với mức giá dự kiến 8.000 – 9.000 đ/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. 

Trước thông tin trên, VSSA cho biết, hiện nay, mùa vụ mới đã gần kề, các nhà máy và nông dân trồng mía đang vô cùng hoang mang, lo lắng khi những đòi hỏi khách quan, chính đáng chưa được các cơ quan nhà nước cứu xét. Việc cam kết ATIGA có hiệu lực khi các khúc mắc trong hệ thống sản xuất, tiêu thụ đường Việt Nam chưa được giải quyết dẫn đến việc các doanh nghiệp đường, các hộ gia trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phải phá sản quy mô lớn.

Theo văn bản “cầu cứu” của VSSA gửi Bộ trưởng Công Thương, trong bối cảnh đã có những phát sinh thay đổi hoàn toàn điều kiện so với thời điểm ký kết theo hướng không công bằng và hoàn toàn bất lợi cho ngành đường và nông dân trồng mía Việt Nam.

Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đề xuất Bộ trưởng bộ Công Thương cho phép tạm thời sửa đổi hoặc ngừng các cam kết theo điều khoản số 23 của Hiệp định ATIGA.

“Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay của ngành đường và nông dân trồng mía, việc vận dụng điều khoản số 23 để trì hoãn nêu trên là hợp lẽ và hết sức cần thiết để tránh việc phá sản quy mô lớn của các doanh nghiệp mía đường và đẩy hàng vạn hộ nông dân vào nguy cơ thất nghiệp, nợ nần”, văn bản của VSSA khẳng định.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực mía đường. Đồng thời xem xét hỗ trợ về giá thu mua mía cho người trồng mía trong trường hợp giá đường xuống quá thấp, vượt quá khả năng tự cân đối của các doanh nghiệp mía đường.

Điều khoản số 23, Hiệp định ATIGA: “Trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài quy định trong Điều 86 (Tự vệ), Điều 10 (BOP), và Điều 24 (Xử lý Nghị định thư về Gạo và Đường) khi một Quốc gia Thành viên gặp phải những khó khăn không lường trước khi thực hiện các cam kết thuế, Quốc gia Thành viên đó có thể yêu cầu tạm thời sửa đổi hoặc ngừng cam kết trong lộ trình cam kết trong Điều 19 (Cắt giảm hoặc Loại bỏ Thuế quan)”.

Giá đường tụt dốc, ”đế chế” mía đường gia đình Đặng Văn Thành cũng lao đao

Ngành mía đường đang đối diện với những “sóng gió” khi giá đường trên thị trường hiện giảm khoảng 20% so với cùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Phong ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN