Mất hơn 800 triệu vì tin “công an dỏm”
Nhiều nạn nhân cao tuổi đang trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo nhiều chiêu trò, giỏi thao túng tâm lý.
Giả danh công an để “bẫy” người già
Nạn lừa đảo tiền bạc đang trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, đặc biệt thường nhắm vào những người cao tuổi vốn có nhiều tài sản tích lũy và dễ thiếu cảnh giác. Mới đây, bà Bành (65 tuổi) ở thành phố Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã bị mất 230.000 NDT (gần 807 triệu đồng) khi bị kẻ gian đóng giả làm công an lừa gạt.
Cuối tháng 4 vừa qua, con gái bà Bành đã liên hệ với đồn cảnh sát địa phương, nói rằng cô nghi ngờ mẹ mình đã bị lừa tiền qua mạng. Cô cho biết, mẹ mình bỗng cư xử rất bất thường và bịa ra nhiều lý do khác nhau để vay tiền người thân, bạn bè.
Hóa ra trước đó, bà Bành nhận được một cuộc gọi từ người lạ tự xưng là “cảnh sát từ cục An ninh công cộng của một thành phố nào đó”. Người này nói rằng bà đang bị truy nã vì tài khoản ngân hàng của bà bị tình nghi dính líu đến một vụ lừa đảo trên mạng.
Sau đó, người này yêu cầu bà chuyển toàn bộ số dư trong tài khoản vào một “tài khoản an toàn” do cơ quan An ninh công cộng chỉ định, đồng thời phải trả thêm một khoản phí xử lý. Người này cũng dặn bà không được kể với ai vì lý do “công việc mang tính bảo mật”. Nếu không, bà sẽ bị bắt và bị lập án, điều tra.
Bọn lừa đảo còn nắm rõ cả số CCCD của bà Bành và đưa ra CCCD giả của công an để bà tin tưởng. Sau nhiều lời lẽ dối trá, bà Bành đã tin hoàn toàn vào những kẻ này. Chúng còn cẩn thận dặn bà cách trả lời nếu công an thật hỏi về cuộc gọi từ "đồn công an".
Kẻ lừa đảo còn hướng dẫn bà cách trả lời khi có công an thật hỏi về "cuộc gọi từ đồn công an"
May mắn thay, sau khi con gái bà Bành liên hệ với đồn công an, họ đã kịp thời ngăn chặn bà Bành chuyển tiếp 80.000 NDT (280 triệu đồng) vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Vụ việc của bà Bành là một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, đặc biệt nhắm vào người cao tuổi. Mỗi gia đình cần tăng cường sự quan tâm, trang bị kiến thức phòng tránh lừa đảo cho người thân lớn tuổi, đồng thời nâng cao cảnh giác trước mọi cuộc gọi, tin nhắn đáng ngờ để bảo vệ tài sản của chính mình và cộng đồng.
Số Căn cước công dân (CCCD) và số thẻ ngân hàng là hai loại thông tin cá nhân nhạy cảm, thường xuyên trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.
Nguồn: [Link nguồn]
-06/07/2025 15:52 PM (GMT+7)