Khi doanh nghiệp trăm tỷ, nghìn tỷ chủ yếu vay nợ…

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều doanh nghiệp có quy mô trăm tỷ, nghìn tỷ nhưng đa phần là vốn vay, huy động từ nhiều nguồn, gây rủi ro lớn cho chính họ và nền kinh tế.

Báo động vay nợ gấp 47 lần vốn chủ sở hữu

Công ty CP Tập đoàn Meey Land là doanh nghiệp mới thành lập, được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu tại Hà Nội tháng 8/2019.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán giai đoạn từ ngày 1/1/2021 - 31/3/2022 vừa được Meey Land công bố, tổng nguồn vốn của công ty này tăng rất nhanh, từ 109 tỷ đồng đầu năm 2021 lên 379 tỷ đồng cuối tháng 3/2022 nhưng lại chủ yếu đến từ tăng nợ phải trả.

Công ty kiểm toán đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Meey Land trong tương lai

Công ty kiểm toán đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Meey Land trong tương lai

Riêng giai đoạn từ ngày 1/1/2021 - 31/3/2022, nợ phải trả của Meey Land tăng 4 lần, từ 82 tỷ đồng lên hơn 350 tỷ đồng và gấp 13 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, khoản vay nợ tài chính lên tới 321,5 tỷ đồng, cao 4,46 lần so với ngày 1/1/2021, chiếm 91% tổng nợ phải trả và chiếm 85% tổng nguồn vốn.

Đến ngày 31/3, nợ ngắn hạn của công ty này là 134 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 110 tỷ đồng lại chủ yếu là các khoản phải thu khách hàng (81 tỷ đồng), còn tiền mặt chỉ có 19 tỷ đồng. Hiện dòng tiền hoạt động kinh doanh của Meey Land âm 55 tỷ đồng; dòng tiền hoạt động đầu tư âm 176 tỷ đồng...

Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá Asco đã lưu ý nhà đầu tư khả năng hoạt động liên tục của Meey Land bởi tài sản ngắn hạn hơn 110 tỷ đồng không đủ để trang trải các khoản nợ ngắn hạn (hơn 134 tỷ đồng).

Một doanh nghiệp lớn trong làng xây dựng là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, XMC) cũng có tỷ lệ vay nợ cao. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, đến ngày 30/6/2022, công ty có tổng nguồn vốn lên tới gần 4.420 tỷ đồng nhưng nợ phải trả là 3.594 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm; tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 4,35 lần…

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cũng có tỷ lệ vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu chỉ riêng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử Công ty Mediterranena Revival Villas có vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, gấp hơn 47 lần vốn chủ sở hữu.

Trong Báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao nhất thị trường. Trong đó có Công ty Osaka Garden, năm qua phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng (vốn vay qua trái phiếu gấp 28,5 lần vốn chủ sở hữu).

Theo Bộ Tài chính, tình trạng trên là đáng báo động, tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

Doanh nghiệp Nhà nước cũng vốn mỏng

Không chỉ doanh nghiệp tư nhân vốn trăm tỷ mà tình trạng trên cũng diễn ra cả với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Điển hình, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO, TIS), nửa đầu năm 2022 TISCO phải trả 57,5 tỷ đồng cho chi phí lãi vay; 3.218 tỷ đồng trả nợ gốc vay.

Đến ngày 30/6, TISCO có tổng nguồn vốn là 10.855 tỷ đồng nhưng được hình thành chủ yếu là từ vốn vay, bởi vốn chủ sở hữu của TISCO chỉ có 2.025 tỷ đồng trong khi số nợ phải trả là 8.830 tỷ đồng (gấp 4,4 lần), trong đó chủ yếu nợ ngắn hạn 6.542 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp Nhà nước khác kinh doanh trong ngành nghề có điều kiện đặc thù là Tập đoàn Bảo Việt (vốn Nhà nước chiếm 65%), có vốn điều lệ 7.423 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 18.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 14.000 tỷ đồng dùng để đầu tư cho các công ty con và công ty liên kết, 2.200 tỷ đồng sắp tới dùng để chi trả cổ tức và 2.000 tỷ đồng còn lại từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2019.

Lãnh đạo Tập đoàn đánh giá Bảo Việt đang yếu về vốn, đặc biệt là Bảo Việt Nhân Thọ đang đối mặt với tình trạng vốn mỏng. Đến hết năm 2021, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn của Bảo Việt Nhân Thọ chiếm 5,34%, không thay đổi nhiều trong mấy năm gần đây.

Theo xếp hạng, Bảo Việt Nhân Thọ đang xếp thứ 8 về vốn trong 18 công ty trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong khi năm 2015 công ty là đơn vị có vốn lớn nhất thị trường này. Theo lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt, nhu cầu vốn cho giai đoạn sắp tới của Tập đoàn là rất cấp thiết. Trong khoảng 10 năm tới, Bảo Việt cần đến 45.000 tỷ đồng bổ sung vốn.

Vay nợ nhiều không sai luật nhưng rủi ro

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tại Việt Nam doanh nghiệp thiếu vốn nên đi vay nhiều và quản lý Nhà nước chưa thật chặt chẽ. “Vừa rồi có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 47 vốn chủ sở hữu là điều không thể chấp nhận được nhưng chúng ta không có quy định cấm”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, hiện nay ngoài quy định về khống chế quan hệ liên kết, quy định tỷ lệ vay không quá 25% vốn chủ sở hữu và 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn thì không có quy định và chế tài về việc doanh nghiệp huy động từ các nguồn vốn khác. Do đó, ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp vay nợ nhiều không sai luật song gây rủi ro lớn cho bản thân doanh nghiệp và hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, hệ số đòn bẩy, tỷ lệ nợ trên số vốn chủ sở hữu bình thường dao động từ 1 đến tối đa 3 lần. Các doanh nghiệp có vốn vay nợ trên vốn chủ sở hữu quá 3 lần sẽ rơi vào trạng thái cảnh báo đỏ.

Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản còn được phép huy động vốn từ nhà đầu tư, người mua nên nếu thống kê một cách chính xác, vốn nợ của các doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy nợ lớn có thể còn cao hơn nữa.

“Điều này có thể rủi ro rất lớn cho bản thân các doanh nghiệp và tác động không tốt cho thị trường bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp cần có phương án để cân đối lại, lành mạnh hóa tài chính của mình. Cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp này cân đối nguồn lực”, ông Ánh nói.

Theo ông Phạm Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam, chuyên gia tư vấn thuế và tài chính, các ngành có tỷ lệ vay nợ cao trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 là sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại và vận tải.

Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các dự án đáp ứng các điều kiện khắt khe mới được huy động vốn. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, minh bạch thị trường tài chính và cải thiện sức khỏe nền kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, khi huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm tổng số nợ phải trả (bao gồm các khoản bảo lãnh đối với công ty con) không quá 3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn.

Doanh nghiệp huy động vốn trên mức quy định này thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phải tổ chức rà soát, giám sát đảm bảo việc huy động vốn để đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Sắp nhận thưởng gần 80 triệu cổ phiếu, nhà đại gia Lê Văn Quang sở hữu tài sản thế nào?

Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) do đại gia Lê Văn Quang làm Tổng giám đốc đã công bố Nghị quyết mang gần 2.000 tỷ đồng chia thưởng cho các cổ đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN