Khe cửa hẹp nào cho kinh doanh nhà hàng, khách sạn mùa Covid-19?

Covid-19 gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên không vì thế mà những doanh nghiệp này "khoanh tay đứng nhìn".

Du lịch "tê liệt", khách sạn đìu hiu

Tưởng chừng kinh tế Việt Nam có thể hồi phục, du lịch mở cửa lại vào mùa cao điểm hè 2021, thì làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Đến cuối tháng 5/2021, Việt Nam ghi nhận khoảng 6.000 ca nhiễm và con số này không ngừng gia tăng.

Sau những nỗ lực khống chế dịch bệnh thành công của Chính phủ và các bộ ngành, hàng loạt gói kích cầu du lịch được mở ra thì lần lượt nhiều tỉnh trên cả nước xuất hiện ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là những địa điểm du lịch.

Điều này làm nhiều doanh nghiệp nội đã khó khăn lại chồng chất khó khăn, trong đó có các cơ sở nhà hàng, khách sạn.

Theo số liệu của tổng cục Thống kê về hoạt động thương mại, vận tải và dịch vụ 3 tháng đầu năm 2021, lượng khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 67,6 nghìn lượt người, giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là một con số đáng báo động đối với nền kinh tế nước ta. 

Giữa tháng 5, bắt đầu mùa cao điểm du lịch và nghỉ mát nhưng An Phú - một khách sạn nằm tại vị trí đắc địa của Hà Nội lại đóng cửa im lìm. Cả tháng nay, khách sạn chỉ có nhân viên buồng phòng thỉnh thoảng qua dọn dẹp, còn lại hầu hết đã bị giảm giờ làm và nghỉ việc vì doanh nghiệp không còn khả năng chi trả lương. 

Chị Thủy - chủ khách sạn cho biết: “Chúng tôi có 5 khách sạn trên khắp thành phố và một vài cơ sở khác, có cả những khách sạn view biển nhưng đến nay chỉ còn hoạt động 2 địa điểm tại Hà Nội. Để có thể vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa chi trả được khoản thuê nhà lẫn lương nhân viên, chúng tôi đành chọn cách cắt giảm nhân lực. Nguyên nhân chính bởi khách sạn càng lớn thì chi phí duy trì hoạt động càng nhiều, nếu không đủ lượng khách thì lỗ nặng là chuyện đương nhiên phải gánh chịu.”

Chị cũng cho biết thêm, doanh thu của khách sạn đã giảm đến 80% so với thời điểm trước dịch. 15 năm trên thương trường, chưa khi nào chị Thủy phải đối mặt với khó khăn như hiện nay.

Nhà hàng, khách sạn luôn trong tình trạng vắng khách do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Nhà hàng, khách sạn luôn trong tình trạng vắng khách do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Tương tự, nhà hàng Hương Mai, vốn là địa điểm khá đông khách ở Hà Nội với 12 cơ sở lớn nhỏ, hoạt động trong suốt 20 năm qua; tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hương Mai cũng không tránh khỏi khó khăn.

Anh Thắng - quản lý nhà hàng hết sức thất vọng: “Doanh thu của chúng tôi sụt giảm đến 50%, chỉ có thể trông chờ vào khách mua mang về hoặc giao hàng tận nơi. Những cơ sở gần nhau sẽ bị đóng bớt và hầu như nhân viên đứng bếp cũng sẽ kiêm cả vai trò order để có thể giảm nhân viên trong một ca làm đến mức thấp nhất.”

Dù trải qua rất nhiều tổn thất nhưng 2 đơn vị trên vẫn có khả năng hoạt động cầm chừng và may mắn hơn hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường khi cơn bão dịch Covid-19 càn quét.

Nhận diện "khe cửa hẹp"

Tuy nhiên, không thể "khoanh tay đứng nhìn", rất nhiều chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc liên kết với các kênh bán hàng, đặt phòng trên web và ứng dụng di động. Ngoài ra, họ cũng áp dụng mã QR để khách có thể quét và đặt hàng từ xa mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên. Sau khi nhận đơn và thanh toán qua ví điện tử, đồ ăn sẽ được đặt tại bàn riêng cho khách mang về.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cho rằng: Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, đặc biệt ảnh hưởng đến tầng lớp trẻ và tầng lớp trung lưu khi họ có khả năng bắt kịp xu thế tốt, họ dần dành thời gian làm việc và nghỉ ngơi tại nhà cho mua sắm trực tuyến.

Trong trường hợp của nhà hàng Hương Mai, họ đã bắt đầu kết hợp hàng loạt các ứng dụng bán hàng và giao hàng trực tuyến, cho phép khách hàng đóng góp ý kiến trên các kênh mạng xã hội. Mọi thắc mắc, phản ánh của khách hàng đều được nhân viên của Hương Mai phản hồi và giải đáp nhanh chóng thông qua ứng dụng trực tuyến.

Trong thời kỳ dịch bệnh, kinh tế trở nên khó khăn khiến cho người tiêu dùng dần thắt chặt và giảm thiểu chi tiêu, chính vì vậy mà nhiều nhà hàng đã phải cố gắng vượt khó bằng cách đưa ra các gói giảm giá, miễn phí giao hàng, ưu đãi,... cho khách hàng.

Giao hàng tận nơi là một trong những giải pháp được các nhà hàng áp dụng rộng rãi trong mùa dịch. Đây là cách thức vô cùng hiệu quả, được giới trẻ - khách hàng tiềm năng của các nhà hàng, lựa chọn sử dụng với tần suất cao. Cùng với đó, nhiều gia đình cũng dần quen với việc đặt đồ ăn qua ứng dụng di động, vừa tiện lợi, vừa nhanh gọn, ngay cả những nhà hàng chuyên nấu cỗ, sự kiện cũng có thể gói gọn mang về nhà.

Giao hàng tận nơi là lựa chọn ưu tiên trong thời kỳ dịch bệnh

Giao hàng tận nơi là lựa chọn ưu tiên trong thời kỳ dịch bệnh

Bên cạnh điểm sáng của các kênh bán hàng trên mạng và ứng dụng di động, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế khẳng định: Không thể phủ nhận điểm tích cực của cách bán hàng này vừa tránh lây nhiễm vừa là xu hướng chung của nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy vậy, mặc dù giao hàng qua ứng dụng và các kênh bán hàng dần chiếm tỷ trọng nhưng chưa lớn, chỉ khoảng 20-30%. 

Trong khi đó, khách du lịch vẫn đem lại nguồn lợi lớn nhất đối với ngành nhà hàng khách sạn, họ ưu tiên thưởng thức phong cảnh kết hợp với ẩm thực và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo chia sẻ của chủ khách sạn An Phú, những phản hồi của khách hàng khi đặt phòng trên các trang dịch vụ trực tuyến khá tốt nhưng đặc thù của ngành khách sạn vẫn là trải nghiệm thực tế, khách hàng phải trực tiếp cảm nhận dịch vụ và nghỉ ngơi dài ngày. Dịch bệnh khiến mọi thứ đóng băng, tác động lớn đến các khách sạn khi khách hàng không thể sử dụng dịch vụ trực tiếp, cũng không thể “đặt hàng mang về” như nhà hàng, quán ăn.

Về vấn đề này, TS.Hiếu cũng cho rằng, các công ty phân phối lữ lành cần đa dạng hơn hình thức quảng cáo và có sự kết hợp giữa các công ty. Theo ông, khó có thể trông đợi vào ngân hàng vì chủ yếu các doanh nghiệp lớn mới có khả năng vay và chi trả lãi suất. Cuối cùng, ông nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực công nghệ thông tin, từ khâu tiếp đón đến thanh toán cũng cần phải giao dịch trên mạng, đi vào trực tuyến. Sức mua của người Việt là không lớn, họ không mạnh tay chi tiêu du lịch, vậy nên cần điều chỉnh các gói ăn uống, mua sắm phù hợp.

Theo dự đoán của các chuyên gia, khoảng năm 2022 trở đi, nền kinh tế thế giới mới có thể dần hồi phục. Trước mắt, để tận dụng "khe cửa hẹp", nên đẩy mạnh bán lẻ cho các đối tượng có lượng mua sắm lớn như dân văn phòng, nội trợ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa du lịch gần như các tour cắm trại, leo núi,...Từ đó vừa dễ khoanh vùng dịch, vừa đảm bảo kinh doanh của ngành nhà hàng, khách sạn.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch Covid-19 bùng phát, người dân đang mang tiền tiết kiệm đổ vào đâu?

Thêm 1 phiên giao dịch nữa VN-Index vững vàng ở mốc lịch sử 1.300 điểm nhờ lòng tin của nhà đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Dung ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN