Đấu giá đất Thủ Thiêm ''nhiễu loạn thị trường'': Giá lên trời, cổ phiếu BĐS đua tăng trần

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau vụ đấu giá đất khủng (2,4 tỷ đồng/m2) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá đất tại TPHCM lẫn cổ phiếu hàng loạt công ty kinh doanh bất động sản (BĐS) bỗng nhiên tăng vọt, kéo theo nhiều hệ lụy cho thị trường và cả nhà đầu tư.

Những ngày qua, giá đất khắp nơi ở TPHCM liên tục tăng do ăn theo vụ đấu giá đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TPHCM). Trước đây, đất dọc tuyến đường Trương Văn Bang (kế bên Thủ Thiêm) ở mức 300 triệu đồng/m2 thì một tuần trở lại đây đã vọt lên 500-550 triệu đồng/m2, tăng 40% chỉ trong vòng 3 tháng qua.

Theo báo cáo quý 4/2021, của Chợ Tốt Nhà, khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM được kiểm soát, nhu cầu mua bán BĐS đã tăng nhanh trở lại. Trong đó, 3 khu vực có sức hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư là quận 12, quận 9 cũ và quận Thủ Đức cũ với nguồn cầu tăng so với quý 3/2021 lần lượt là 250%, 210% và 190%. Quận 9 và Thủ Đức cũ cũng là những khu vực có biên độ giá tăng cao nhất trong 3 tháng cuối năm với mức tăng là 6,8 và 8,4%.

Một góc khu đất bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: D.Q

Một góc khu đất bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: D.Q

Thị trường huyện Bình Chánh cũng đã có làn sóng đầu tư BĐS mạnh mẽ trở lại trong khoảng hơn 2 tháng qua. Người bán đã chủ động nâng mức giá 10-15%. Tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, các lô đất 80-90m2 đang có giá trung bình khoảng 3,2 - 4 tỷ đồng, tùy vị trí. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá tại đây đã gấp đôi, gấp 3 lần.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) nói rằng, kết quả cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực, không có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường. “Giá đất quá cao mới được xác lập sẽ có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp hoặc mới tạm nộp tiền sử dụng đất. Giá đất quá cao được xác lập sẽ tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1, có lợi cho các dự án siêu sang, tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ quận 1 trên dưới 500 triệu đồng/m2 hiện nay trở thành bình thường”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng nêu thực tế, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, đã có một số chủ đầu tư dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để “găm” hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá. “Chúng tôi rất quan ngại về việc một số doanh nghiệp lợi dụng việc trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, rút ruột ngân hàng hoặc để làm sạch bảng cân đối tài chính. Kết quả đấu giá cũng có thể tác động tiêu cực đến tất cả phân khúc thị trường BĐS, gây trở ngại rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà, trước hết là mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp tại TPHCM”, ông Châu nói.

Cổ phiếu BĐS đua nhau tím rịm

Cùng với giá nhà đất tăng vọt, giá cổ phiếu của các công ty BĐS đã niêm yết cũng tăng chóng mặt sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Các nhà đầu tư cho rằng, với kết quả đấu giá đất tại Thủ Thiêm tới 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ hình thành mặt bằng giá mới cho thị trường BĐS.

Nếu như ngày 1/9, cổ phiếu CEO của C.E.O Group đang giao dịch ở mức 9.300 đồng thì đến chiều 5/2 đã lên tới 85.600 đồng/cổ phiếu, tăng gấp gần 10 lần. CEO Group làm ăn trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ đồng.

Tương tự, hồi đầu tháng 10/2021 cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai giao dịch quanh mức 6.600 đồng/cổ phiếu thì nay đã tăng gần 3 lần, lên mức 17.850 đồng vào chiều 5/1. QCG đặt mục tiêu năm 2021 sẽ có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng nhưng sau 9 tháng đầu năm, QCG chỉ đem về 774 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. QCG là doanh nghiệp từng có dự án tại khu Phước Kiểng (TPHCM) nhưng đến nay chưa triển khai được.

Ở phiên giao dịch ngày 5/1, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng giao dịch quanh mức 110.300 đồng. Trong 1 tháng qua, cổ phiếu DIG đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2021, DIG đạt 35% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 6% mục tiêu lợi nhuận.

Nhà đầu tư bỏ cọc, thu hồi nhiều dự án “đầu cơ”

Tại Thanh Hoá, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá nhiều lô đất với giá đấu cao phi lý buộc phải bỏ cọc, chấp nhận mất tiền bởi đến thời điểm phải nộp tiền mà không thể bán được hàng. Trong khi đó, nhiều dự án “đầu cơ”, chậm đưa vào sử dụng đã bị tỉnh này xử lý thu hồi.

Cụ thể, vào tháng 4/2021, cơ quan chức năng đã đưa ra đấu giá 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch 983, khu dân cư Đồng Vũng Cao, tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân. Giá khởi điểm để đưa ra đấu là 250 triệu đồng/lô (125 m2). Khi tổ chức chức đấu giá, một số người ở nơi khác đến tham gia đấu với giá từ 1,1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng/lô. Người dân ở đây cũng gọi cuộc đấu giá này là làm nhiễu loạn thị trường. Sau đó, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền và kết qủa đấu thầu đã bị hủy theo quy định.

Trong giai đoạn 2014-2020, Thanh Hoá đã thu hồi 24 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa vào sử dụng. Tổng diện tích thu hồi từ 24 dự án trên là 81,6 ha.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau đấu giá đất Thủ Thiêm, ”hàng xóm” 4 lô đất vàng đồng loạt tăng giá bán

Sau đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, các bất động sản tại TP Thủ Đức, Bình Chánh được các chủ đất đẩy giá bán ngay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Quang ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN