Ứa lệ với clip "Tưởng nhớ bác Văn Hiệp"
Đó là một clip vô cùng cảm động tưởng nhớ người nghệ sĩ của nhân dân – Văn Hiệp.
Sự ra đi của nghệ sĩ hài Văn Hiệp là một tin rúng động với nền nghệ thuật Việt Nam. Nỗi đau và sự mất mát dường như chồng chất lên nhau khi trước đó không lâu NSƯT Hồ Kiểng cũng đột ngột qua đời. Có người từng nói rằng, miền Nam mất đi Hồ Kiểng, miền Bắc mất đi Văn Hiệp là những sự ra đi quá xót xa cho một kiếp người nghệ sĩ cả đời sống vì nhân dân nhưng ra đi trong bệnh tật nghèo khó.
Hình ảnh "bác trưởng thôn" Văn Hiệp đáng kính
Nếu ví làng nghệ thuật Việt Nam là một cánh rừng đại ngàn thì họ chính là những cây cổ thụ tán rợp bóng và một cây ngã xuống là cả một khoảng trống không thể lấp đầy.
“Ít ai tin Nghệ sĩ Văn Hiệp được đông đảo khán giả mến mộ qua hình tượng nhân vật "bác trưởng thôn” - người đã mang lại doanh thu cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng với chương trình "Gặp nhau cuối tuần" đã phải sống những ngày cuối đời trong sự cô đơn, nghèo khó, và bệnh tật như vậy... Quá xót xa cho một kiếp người..!!!!!!” – đạo diễn Dũng Nghệ viết trên trang cá nhân.
Thế nhưng, sự xót xa ấy bác giấu cho riêng mình và để rồi toàn bộ những nụ cười kia là dành cho khán giả, công chúng trong suốt mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật.
Cuộc đời ông sống trong nghèo khó đến tận những ngày cuối đời
Nếu người ca sĩ luôn từng bị người đời gọi là “xướng ca vô loài” là “đêm đêm phòng trà mang tiếng hát cho mọi người”, là “đêm đêm mang lời ca tiếng thơ, đàn ca hát cho đời mua vui” thì những người nghệ sĩ như Văn Hiệp đã dành trọn cả cuộc đời để góp vui cho khán giả.
Ngay sau sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Văn Hiệp, một nhóm các bạn trẻ trong đó có những gương mặt quen thuộc như: Dương Trần Nghĩa – thí sinh The Voice 2012, Giang popper đã cùng nhau thực hiện một clip ý nghĩa có tên “Tưởng nhớ bác Văn Hiệp”.
Theo Giang popper chia sẻ thì đoạn clip ngắn ngủi này chưa thể nói hết về cả sự nghiệp của nghệ sĩ Văn Hiệp. Tuy nhiên, anh cũng như các bạn trẻ chỉ “muốn mọi người hồi tưởng và luôn nhớ mãi những nụ cười bác đã từng ban tặng cho khán giả, mỗi người dân Việt Nam trong chúng ta. Bạn biết đấy, chúng ta đã có 1 nụ cười rất VĂN HIỆP”.
Có một nụ cười rất VĂN HIỆP
“Ông bố trẻ” Dương Trần Nghĩa cũng chia sẻ những cảm xúc quá đường đột: “Chúng cháu chưa tin vào cái tin vừa rồi vì mọi chuyện quá bất ngờ. Cháu và rất nhiều khán giả đã gắn liền tuổi thơ với những vai diễn qua màn ảnh nhỏ của bác. Thực sự cháu rất sốc và hy vọng bác được yên nghỉ”.
Trong đoạn clip cảm động này, ekip thực hiện không quên nhắc lại bài thơ Nghệ sĩ giun của “bác trưởng thôn” Văn Hiệp.
Bài thơ là kỉ niệm vô cùng đặc biệt mà nghệ sĩ Văn Hiệp viết tặng NSND Doãn Châu nhân dịp sinh nhật lần thứ 66.
“Nơi nào có đất cằn
Nơi ấy có họ nhà giun
Hiền lành chẳng làm đau ai
Mềm oặt như sợi bún
Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một
Và đất và giun tơi xốp
Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von
Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non
Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun”
Và trong những hình ảnh mà nụ cười chưa bao giờ tắt, nhiều người không khỏi xót xa khi những ngày cuối đời, người nghệ sĩ ấy vẫn sống trong nghèo khổ. Câu nói: “Nếu bố có làm sao thì chạy oxi 1, 2 ngày rồi rút ra vì nhà mình không có tiền..." khiến nhiều bạn trẻ cũng ứa nước mắt.
“Cả đời bác cống hiến về mặt tinh thần cho nhân dân, cho những tâm hồn trẻ thơ như chúng cháu, mà tại sao phải sống khổ sở đến vậy. Không màng danh lợi, không tính toán thiệt hơn, bác vẫn luôn đem tiếng cười đến từng ngôi nhà, ngõ xóm nhỏ...Xót xa quá !!!” – một bạn trẻ viết.
Hình ảnh ông sống mãi trong lòng người hâm mộ
Trong khi đó, một bạn khác bày tỏ: “Đối với cháu cũng như bao người khác, bác luôn là "Nghệ Sĩ Nhân Dân" Văn Hiệp, bởi chỉ có cụm từ "Nghệ Sĩ Nhân Dân" mới ghi nhận được hết những đóng góp gần nửa thế kỷ của bác cho nghệ thuật Hài nói riêng và nền Điện ảnh Nước nhà nói chung”.
Dù chỉ là một hoạt động rất nhỏ nhưng nhóm các bạn trẻ này đã tự tay gấp những con thuyền giấy, đốt những ngọn nến nhỏ và cùng nhau thả, cùng nhau cầu nguyện cho linh hồn người nghệ sĩ nghèo được bình an.
Có một nụ cười rất VĂN HIỆP và nụ cười đó còn sống mãi trong lòng những người hâm mộ.
Clip xúc động "Tưởng nhớ bác Văn Hiệp"
Nghệ sĩ Việt vẫn nghẹn ngào nhớ Văn Hiệp Ca sĩ Minh Hằng “Sáng nay nghe tin mà đau lòng quá. Việt Nam vừa mất đi 1 người nghệ sĩ chân chính, tốt bụng. Nghe câu bác nói: "Nếu bố có làm sao thì để thở oxi một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền". Nghệ sĩ ngày xưa rất khổ, nhưng với những người yêu nghề thực sự như "Bố" thì dù khổ đến mấy, miễn đưa được tiếng cười cho công chúng là vui rồi. Thành kính tiễn đưa "Bố" an nghĩ nơi chín suối". Ca sĩ Vy Oanh “Cuộc đời là những chuyến đi. Con chúc 2 bác Hồ Kiểng và bác Văn Hiệp mãi mãi bình an. Dù con chưa một lần được gặp nhưng trong thâm tâm con luôn dành sự kính trọng và ngưỡng mộ với những gì hai bác đã để lại cho nền nghệ thuật Việt Nam. À, ba con chắc sẽ vui lắm khi gặp 2 bác, lúc còn sống ba con cũng mến mộ hai bác lắm. Con kính chào "bác trưởng thôn " và "ông già ăn cá sống" lời chào vĩnh biệt”. Diễn viên Quốc Thuận Những ngày Hà Nội cuối năm 2012. “Có dịp đóng chung với bác trong một phim hài Tết. Bác đóng vai bố tôi trong phim nhưng khi xả vai tui lại hay gọi ông là "ba" vì tui là Nam Kỳ rặt. Có đêm, ngồi xe cùng ông từ chùa Thầy về Hà Nội đến hãng phim gần 1, 2 giờ sáng thấy ông già ốm nhom, nhỏ xíu vác cái ba lô lủi thủi đi về nhà bằng xe ôm mà tội nghiệp... Hôm qua nhận được tin ông mất và đọc những bài viết về ông, mới hiểu về cuộc đời của một nghệ sĩ già miền Bắc thích làm thơ. Cách đây mấy hôm là sự ra đi của bác Hồ Kiểng, nghệ sĩ già Miền Nam cũng là một người yêu thơ. Hai "Ông" nghệ sĩ Nam Bắc có dịp gặp nhau rồi, yên nghỉ và thỏa chí với nàng thơ. Ở đó không có danh hiệu, giải thưởng, bon chen.. và không có 2 miền Bắc Nam xa lạ mà chỉ có một miền, đó là miền cực lạc. Vĩnh biệt Ba Hiệp! Bố già vui tính, cô độc”. Đạo diễn Phạm Đông Hồng “Sáng nay khi đến đám tang để đưa tiễn người tôi kính trọng về nơi cực lạc NS Văn Hiệp tôi được NSND Khải Hưng mời ký vào một tờ giấy với mục đích góp tiếng nói để Nghệ sĩ Văn Hiệp được phong tặng NSUT. Tôi cũng bàng hoàng không kém gì khi nghe ông Văn Hiệp mất và tôi cũng ký vào tờ giấy đó với một suy nghĩ: đây là việc làm cho những người còn sống chứ không phải là cho người đã mất. Có lẽ như NS Văn Hiệp cái danh hiệu: Nghệ sĩ của nhân dân đã có từ lâu rồi, không cân thêm nữa và tôi thấy rõ một điều là: Vấn đề là để lại trong lòng công chúng cái gì? chứ không phải là danh hiệu”. |