Liều mình trong "bát quái" Hỏa Diệm Sơn
Cùng đạo diễn Dương Khiết hồi tưởng lại chặng đường gian nan cùng thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh qua mảnh đất lửa Hỏa Diệm Sơn đầy khắc nghiệt.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Chặng đường mà Đường Tăng đi lấy kinh phải vượt qua hàng ngàn cây số, phương tiện hữu hiệu nhất lúc đó là nhờ sức ngựa chở. Còn thầy trò Đường Tăng của Dương Khiết đi lấy kinh cũng không hề dễ dàng chút nào. Tuy rằng đã có các phương tiện giao thông hiện đại trợ giúp như xe hơi, máy bay… thế nhưng cũng có không ít chặng đường mà 4 thầy trò phải tự đi trên đôi chân của chính họ.
Thầy trò Đường Tăng dấn thân trên những đồi cát sa mạc nóng bỏng ở Hỏa Diệm Sơn
Trong số bốn thầy trò thì Đường Tăng là người thoải mái nhất bởi nhân vật này còn có ngựa để cưỡi, lại không phải mang vác gì trên người trừ có việc cầm cây trượng bạc trên tay. Nhân vật Tôn Ngộ Không là người chịu không ít gian nan vất vả, trên mặt vừa phải đeo mặt nạ lại dính đầy lông, tay đeo găng tay cũng phủ toàn lông và lúc nào cũng giữ khư khư cây gậy thiết bang. "Vua khỉ" lúc nào cũng xăm xăm là người dẫn đường mở lối cho cả đoàn.
Đường Tăng là nhân vật dễ chịu nhất khi không phải mang vác đạo cụ (trừ cây trượng trong những cảnh trang trọng) hay hóa trang quá phức tạp
Trư Bát Giới cũng chịu nhiều cực khổ khi ngoài việc phải đeo cái mũi lợn chình ình trước mặt còn phải vác cái bụng lớn cồng kềnh, dù không phải mang vác gì nặng nhọc nhưng vai diễn này cũng không hề nhẹ chút nào. Sa hòa thượng có lẽ cũng là người vất vả nhất khi cả ngày phải gánh vác đống hành lý, còn kèm theo cây bảo trượng. Ban đầu Diêm Hoài Lễ còn cảm thấy chưa đủ “đô” nên còn bỏ thêm mấy cục đá vào đống hành lý cho có cảm giác.
Ngoài ra trên cổ còn đeo thêm một vòng tràng hạt nhà phật khá nặng, Dương Khiết lo nặng quá sẽ ảnh hưởng đến diễn xuất của diễn viên nên đã làm giả chiếc vòng bằng một loại thực vật rất nhẹ, nhưng vẫn tạo cảm giác không giống thật vì nó quá nhẹ. Cuối cùng đành phải dùng chiếc vòng làm từ gỗ mới có cảm giác nặng nề, thế nhưng đeo suốt như vậy thì rất mỏi cổ.
Sa Ngộ Tĩnh của Diêm Hoài Lễ còn phải đeo thêm một chiếc vòng gỗ nặng nề trên cổ
Vì vậy chỉ những cảnh quay gần và cần thiết thì Diêm Hoài Lễ mới đeo. Xem trên màn ảnh thì thấy cảnh bốn đồ đệ hoan hỉ bước đi, thế nhưng khi nghe lời bài hát chủ đề mới thấy hết nỗi nhọc nhằn truân chuyên: “Bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp, nỗi nhọc nhằn cay đắng ngọt bùi cũng không đếm xiết”. Một điều quan trọng đối với cả bốn thầy trò là sau khi quay xong cũng không được phép tẩy trang luôn, vì trong nhiều trường hợp vẫn phải cần đến để quay những phân cảnh không có trong kịch bản. Có lúc đang trên đường đi, nếu phát hiện thấy dọc đường có cảnh phù hợp và có thể thay thế cho cảnh trong kịch bản thì có thể dừng xe và xuống tác nghiệp luôn dọc đường
Lục Tiểu Linh Đồng cứ để bộ dạng hóa trang như vậy để ăn và uống cho đến hết ngày mới dám tẩy trang
Cảnh bốn thầy trò Đường Tăng cheo leo trên sườn núi để có cảnh quay thật ưng ý
Dương Khiết sợ đi không nhanh mà mặt trời lặn mất thì cũng không bắt được bóng người của bốn thầy trò in trên vách núi, vì vậy phải giục các nghệ sĩ dảo bước nhanh chân bởi đến được chân núi lại còn phải leo lên mới quay được. Khi lên được đến nơi thì bốn thầy trò phải đi dọc theo sườn núi, nhưng để tìm được vị trí phù hợp trên núi lại là điều không hề đơn giản chút nào.
Máy quay phải bắt được rõ toàn bộ hình ảnh của bốn người, vì vậy họ phải đi men ra rìa ngoài sườn núi, quay phim liên tục ra hiệu lệnh “đi hướng ra ngoài, lùi ra ngoài nữa đi…”. Cứ như vậy, đoàn phim đã bắt được những thước phim như một bức tranh vô cùng đẹp mắt, hình ảnh bóng của bốn thầy trò như đang đi trên lưng chừng núi vậy.
Ở danh thắng Cửu Trại Câu, dưới chân thác cạnh bờ Chân Châu nhìn lên thật là một cảnh tượng hùng vĩ và tráng lệ, nếu không quay lại cảnh này thì thật đáng tiếc. Dương Khiết đã yêu cầu bốn thầy trò lên phía trên thác để thực hiện cho cảnh quay này. Cả bốn nghệ sĩ, dắt theo bạch mã, trong khi đạo diễn, quay phim đứng phía dưới quan sát và cảm thấy vô cùng thích thú. Nhưng khi đó Đường Tăng chỉ lộ mỗi phần đầu trong khi ba đồ đệ thì bị khuất phia sau.
Quay phim phải yêu cầu: “Không nhìn rõ, tiến lùi ra rìa chút, ra ngoài chút nữa!”, lúc này cũng đã nhìn được nhấp nhố đầu của Ngộ Không và ba người còn lại. Quay phim tiếp tục yêu cầu diễn viên tiến thêm ra phía bên ngoài thác nước và dần dần cũng đã ghi được nửa người.
Cảnh quay tuyệt vời và hết sức nguy hiểm của bốn thầy trò Đường Tăng tại thác lớn, Cửu Trại Câu
Vẫn chưa hài lòng và tiếp tục huy động bốn thầy trò tiến thêm ra phía ngoài. Thế nhưng từ phía trên, Lục Tiểu Linh Đồng nói vọng xuống: “Không được đâu, ra thêm chút nữa là chúng tôi ngã xuống dưới mất”. Dương Khiết bắt đầu cảm thấy lo lắng vì quá nguy hiểm, trên đó là thác nước, bề mặt cũng không hề dễ đi, lại trơn trượt, sức nước đẩy cũng mạnh, không cẩn thận sẽ dễ bị cuốn trôi xuống như chơi, chuyện quay phim cũng không phải đùa: “Được rồi, đi thế được rồi, mọi người cẩn thận chút!”, Dương Khiết nói vọng lên.
Bốn thầy trò cùng chụp hình lưu niệm dưới chân thác tại Cửu Trại Câu sau khi hoàn thành cảnh quay thót tim
Cuối cùng cảnh quay tuy không được như ý quay phim nhưng cũng quá đủ và đẹp lắm rồi, quan trọng là không xảy ra chuyện gì sơ suất. Khi cả bốn thầy trò xuống được phía dưới và đều công nhận từ trên quá nguy hiểm, ai cũng cố bám chân vào vách đá và đều run bần bật mỗi khi bước. Thời gian đoàn phim quay ở Hỏa Diệm Sơn, thuộc địa phận Thổ Lỗ Phồn của tỉnh Tân Cương.
Khí hậu ở đây thì nóng nổi tiếng, chẳng cây cỏ nào mọc nổi, ai ai cũng cảm thấy bức bối khó chịu. Bốn thầy trò Đường Tăng trong quá trình hóa trang thì mồ hôi tuôn như tắm. Dương Khiết nhìn cũng thấy xót xa nhưng không thể không quay, bởi cả đoàn đã cất công đến được tận Hỏa Diệm Sơn thực sự ngoài đời, đồng thời lại là một cảnh quay cực kỳ quan trọng cho tập Ba lần mượn quạt Ba Tiêu.
Khó khăn nhất vẫn là việc di chuyển của bốn thầy trò trên cát nóng sa mạc ở Hỏa Diệm Sơn
Việc hóa trang cũng đã hoàn tất, mồ hôi thì cứ túa ra trôi hết cả lớp trang điểm, nghệ sĩ hóa trang lại phải cất công làm lại, nhưng Dương Khiết bèn ngăn lại bởi cho rằng những cảnh quay xa thì không cần thiết, bà cho rằng có chảy mồ hôi cũng không sao, bởi như vậy mới đích thực là đang ở Hỏa Diệm Sơn.
Khó khăn nhất vẫn là chuyện di chuyển của diễn viên, bởi việc di chuyển trên cát là điều không hề dễ dàng. Cảnh quay bốn thầy trò đi trên sườn núi cát buộc các diễn viên phải leo lên gò cát gần đó. Tuy cồn cát không phải là cao, nhưng lên được trên đó quả thực là một thách thức, cát thường hay sụt lún, trơn trượt, bước một bước thì như tụt lùi hai bước.
Trư Bát Giới Mã Đức Hoa ở Cao Xương cổ thành, Tân Cương thích chí nhìn thấy một chú lừa của một diễn viên quần chúng liền tiến tới định cỡi thì chú lừa sợ quá bỏ chạy. May nhờ chủ nhân chú lừa họ lại nên Mã Đức Hoa có được bức hình ăn ý
Thầy trò Đường Tăng hốt hoảng khi Ngộ Không mang phải quạt ba tiêu "rởm" về
Thầy trò Đường Tăng hỏi đường tại Cao Xương cổ thành
Đáng nói nhất là chú ngựa của đoàn, ngựa cũng bị lún trong cát như người, mỗi bước đi thật lắm gian nan. Các diễn viên dùng tay kéo theo chân để cố lê bước lên cồn cát, mặc dù vẫn bị lún và trượt. Dương Khiết và quay phim cũng hết sức lo lắng trong quá trình chờ đợi, trong lòng ai cũng bồn chon.
Trời thì nắng nóng, ánh mặt trời như thiêu đốt lớp cát bên dưới, các diễn viên phải dùng hết sức để leo lên cồn cát để thực hiện cảnh quay, trong khi lại không có gì để giải khát. Vừa lên đến nơi cả bốn thầy trò đều hô: "Đạo diễn! Được rồi, cho quay đi!”
Mời các bạn đón đọc kỳ 8 vào 0h ngày 10/6.