Tây Du Ký khổ sở vì máy quay "phải gió"
Trong thời gian thực hiện bộ phim Tây Du Ký, do điều kiện kỹ thuật máy móc còn hạn chế dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười đối với đạo diễn Dương Khiết cũng như tất cả thành viên đoàn phim.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Mùa hè năm 1986, đoàn phim tiến hành quay cảnh trong động của yêu quái Hoàng My lão quái trong tập “Vào nhầm Tiểu Lôi Âm” ở động Thanh Phong thuộc thành phố Kiến Đức, tỉnh Chiết Giang. Động này Dương Khiết cũng chưa hề đặt chân đến mà mới chỉ nghe người giới thiệu liền đồng ý bởi thời gian tìm bối cảnh quay quá gấp rút. Theo giới thiệu thì đây là động đá, có dốc lên dốc xuống, uốn khúc tầng tầng lớp lớp. Mùa hè thì rất mát còn mùa đông lại khá ấm áp, không gian trong động tương đối rộng rãi.
Nghe đến vậy Dương Khiết thấy động này sẽ có phần khác biệt so với những động nhũ đá trước và tránh nhàm chán. Động rộng có thể bố trí bày chiếc chũm chọe đồng nhốt Ngộ Không và đủ chỗ cho đội thất tú tinh xuống giải cứu cho Ngộ Không. Vì vậy, động Thanh Phong được quyết định làm bối cảnh quay cho tập này, ấn định mùa hè 1986 sẽ bắt đầu khởi quay.
Một cảnh quay trong động Thanh Phong trong tập 19 "Vào nhầm Tiểu Lôi Âm".
Tháng 8/1986, thời tiết ở Kiến Đức oi bức đến 40 độ, Dương Khiết cùng vài cộng sự đã đến tìm hiểu động, nằm ngay lưng chừng núi và phải băng qua một đoạn đường núi mới tới nơi. Dù đường không thật dài, núi cũng không hẳn cao, nhưng không khí oi bức và nóng nực nên càng khiến đoạn đường trở nên khó khăn. Khi lên tới cửa động, gió từ trong động lùa ra mát lạnh cả người, một người trong đoàn liền giục mọi người không nên đứng lâu trước cửa động dễ bị cảm lạnh. Mọi người trước khi vào động còn phải mặc thêm áo ấm, Dương Khiết được chuẩn bị một chiếc áo quân nhu bởi không khí trong động khá lạnh.
Trong động có vẻ rộng rãi nhưng hơi khó đi do có nhiều những viên đá lớn lởm chởm trên bề mặt. Cảnh sắc tương đối hoang sơ và khá phù hợp, hơn nữa trong động này còn có gió thổi vào nên không khí cũng không còn là vấn đề đang lo, chỉ có điều việc di chuyển của mọi người hay việc bố trí dây dợ ánh sáng của các nhân viên kỹ thuật có hơi phức tạp một chút. Ngoài ra còn vấn đề về chênh lệch nhiệt độ mà đến ngày thứ 3 khi khai máy mọi người mới phát hiện ra. Do nhiệt độ bên trong và ngoài động chênh lệch nhau từ 20 – 30 độ, vì vậy đây cũng là một vấn đề không phải nhỏ.
Khi máy móc, diễn viên… đều đã ổn định và chuẩn bị quay thì máy ghi hình quay sang dở chứng không hoạt động. Nhân viên kỹ thuật cho rằng máy quay có vấn đề và lập tức cho sửa. Thế nhưng đến gần trưa mà vẫn không tìm ra nguyên nhân hỏng hóc. Một nhân viên yêu cầu mang ra ngoài cửa hang vì bên trong quá lạnh chịu không thấu. Vì máy khá cồng kềnh nên hai người khiêng phải hết sức cẩn thận, cũng còn bởi lối đi gồ ghề nhiều đá sỏi, lỡ chẳng may rơi bụp một cái, máy quay hỏng thì công cốc. Kỳ lạ là khi ở ngoài cửa hang ấm áp, máy lại hoạt động bình thường mà chưa hề phải đụng chân đụng tay gì. Mọi người lại vội vàng tha máy vào trong động tiến hành quay. Thế nhưng mới quay được hai đến ba cảnh là máy quay lại quay ra dở chứng, nhân viên kỹ thuật mới hoài nghi cho rằng do vấn đề nhiệt độ gây ra.
Lúc mang máy ra ngoài kiểm tra, bên trong thấy có nước đọng, nguyên nhân giờ đã rõ là do chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Đội kỹ thuật phải dùng quạt máy để quạt cho ráo nước rồi lại lễ mễ khiêng vào trong động, nhân lúc máy đang còn khô tranh thủ quay tiếp, lúc dừng quay lại lấy đèn chiếu sấy cho khô, nhưng cũng chỉ quay được vài cảnh lại tắc tị không hoạt động nữa.
Phó quay phim Đường Kế Toàn bên chiếc máy quay gắn bó với đoàn phim Tây Du Ký.
Ngày hôm đó đúng là một ngày cực chẳng đã đối với đội ngũ nhân viên kỹ thuật cũng như các thành viên khác trong đoàn, cứ phải lôi máy quay ra ra vào vào động mệt đến phờ râu trê. Dương Khiết bực bội cho rằng có thể do máy đã quá cũ nên dở chứng dở nết như vậy. Khi gọi về xưởng phim yêu cầu máy mới thì được biết không có máy nào khác. Vì vậy, tối hôm trở về nhà khách, nhân viên kỹ thuật hết quạt rồi lại che đậy và sưởi cho cái máy quay phải gió không khác một đứa trẻ.
Ngày hôm sau, đoàn phải mang theo cả một cái chăn để ủ cho máy quay. Đoàn phim đã bố trí chuẩn bị đâu vào đấy rồi mới dám mang máy vào quay. Khi thấy máy chuẩn bị có triệu chứng lại tức tốc lôi ra bên ngoài nơi nhiệt độ giao nhau gần cửa hang cho máy nghỉ. Cứ như vậy, ngày làm việc của cả đoàn cứ xoay vần với cái máy quay khốn khổ, quay dừng quay dừng như điệp khúc, nhân viên kỹ thuật chạy tới chạy lui, ra ra vào vào trong động với cái máy quay, trong khi lối đi trong hang thì không hề dễ dàng chút nào. Việc này cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến tiến độ quay phim, nhưng có gấp gáp cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ khổ anh em quay phim và đội ngũ kỹ thuật cứ phải long sòng sọc với máy móc một cách khổ sở.
Nhân vật Hoàng My đại vương do Tào Phong thể hiện trong động Thanh Phong.
Trong khi người thì chỉ cần mặc áo ấm lên là xong, máy thì chơi nguyên cả một chiếc chăn cũng chẳng ăn thua, ấy vậy cũng không còn cách nào khác để cải thiện tình hình. Ngày hôm sau lại là một cảnh lớn và quan trọng: Mười tám vì tinh tú xuống giải cứu Ngộ Không. Người thì sẽ thêm đông, việc hóa trang cũng càng thêm phức tạp, nhưng nếu việc quay cứ phải vừa quay vừa dừng như mọi khi thì có vẻ không ổn chút nào.
Phân cảnh “cứu Ngộ Không” với chiếc chũm chọe đồng là một đạo cụ đặc biệt quan trọng, nhân viên mỹ thuật và đạo cụ đã phải chuẩn bị làm đến 4 cái chũm chọe liền, một cái nhỏ, một cái mềm để Ngộ Không ở bên trong có thể dùng gậy thiết bảng chọc khiến cho lồi lõm cả lên, một cái là hình ảnh phía trong chũm chọe và một cái được làm với hình dạng cực lớn cho cảnh quay mười tám vì tinh tú áp quanh để giải cứu Ngộ Không.
Hình ảnh đạo cụ một trong 4 chiếc chũm chọe đang được chuyên gia mỹ thuật của đoàn phim chế tác.
Ảnh 6. Chiếc chũm chọe đồng dùng để úp Tôn Ngộ Không trên màn ảnh.
Những chũm chọe khác thì có thể dùng quay khi khác, còn cái lớn thì bắt buộc phải quay trong động. Do đã được đội ngũ thiết kế mỹ thuật tính toán kỹ để sao cho vừa khít với mặt đá trong động và có thể gắn chặt vào nền đá ở đây.
Về việc quay sao cho tránh phải vác máy quay ra ra vào vào nhiều lần, nhân viên quay đề xuất ý kiến, chuẩn bị các cảnh quay đâu ra đấy hoàn chỉnh, hệ thống chiếu sáng lắp đặt đúng vị trí, các bộ phận cũng rõ nhiệm vụ, sau đó sẽ tiến hành đưa máy quay vào và chỉ việc quay liền một mạch. Thế nhưng điều Dương Khiết lo là làm sao phối hợp được một cách nhịp nhàng như vậy mà không có sự chuẩn bị từng khâu từng giai đoạn một, việc này rất dễ xảy ra sai sót và sơ suất. Nhất là đối với diễn viên rất khó để quay liên tiếp khi cần chuyển cảnh…
Vấn đề này, quay phim Vương Sùng Thu cho rằng ông nắm chắc kỹ thuật quay này khi từng có kinh nghiệm quay thời sự trực tiếp, chỉ cần các khâu chuẩn bị chu tất, phối hợp nhịp nhàng ăn ý thì việc quay liên tục không cần nghỉ sẽ diễn ra êm xuôi. Khi đó các bộ phận cũng như diễn viên trong đoàn đều thể hiện quyết tâm và đảm bảo thực hiện tròn vai không để xảy ra một sai sót nào.
Các diễn viên được huy động đầy đủ và phối hợp thật nhịp nhàng để quay liên tục phòng trường hợp máy quay "dở chứng"
Hai trong nhị thập bát tú xuống cứu Tôn Ngộ Không khỏi chiếc chũm chọe của Hoàng My đại vương.
Ngày hôm sau, đoàn phim quyết định tiến hành sắp xếp bố trí mọi khâu trong động cho cảnh 18 vì tinh tú giải cứu Ngộ Không trong tập “Vào nhầm Tiểu Lôi Âm”, các cảnh các vì tinh tú vây quanh chũm chọe, cảnh Ngộ Không trong chũm chọe, cảnh một vài tinh tú giao đấu với lũ tiểu yêu… diễn viên ở vị trí nào đều đã an vị, trình tự các cảnh quay cũng như những phân đoạn chuyển cảnh, vị trí thay đổi ánh sáng…
Chỉ cần Dương Khiết hô “Diễn!” thì chỉ có diễn mà không có dừng, diễn viên cũng chỉ biết diễn liên tục, nếu đạo diễn chưa thấy vừa ý sẽ hô: “Quay lại!” thì diễn viên ngay lập tức phải tự động diễn lại. Cứ như vậy, các thành viên trong đoàn làm việc tuần tự như đã định và cũng hoàn tất những cảnh quay giải cứu Ngộ Không, cảm xúc của diễn viên rất phù hợp với các phân cảnh, hiệu quả công việc khá tốt. Nếu quay như bình thường thì cảnh này phải mất 2 ngày mới có thể quay xong. Như vậy là cái máy quay đổ đốn đã bị đoàn phim “lừa ngọt” và nhờ vậy mới hoàn thành những cảnh quay trong động Thanh Phong.
Phần 8 loạt bài dài kỳ về hậu trường Tây Du Ký sẽ được gửi đến bạn đọc vào lúc 0h ngày 8/6.