Bí mật hóa trang Ngộ Không, Bát Giới và...
Phải tốn bao công sức lẫn thời gian, cùng mồ hôi nước mắt của diễn viên và nghệ sĩ hóa trang để cho ra những nhân vật Ngộ Không, Bát Giới sinh động như trên phim "Tây Du Ký", khiến khán giả ấn tượng sâu sắc và thêm cảm phục.
Trong khuôn viên Lan Đình tự, tỉnh Chiết Giang thường xuất hiện rất nhiều học sinh tiểu học đến đây thăm quan, vãn cảnh. Khi biết đoàn Tây Du Ký đang có mặt quay phim tại đây, từng tốp học sinh bất ngờ vui sướng chạy đến vây quanh các diễn viên. Các em gần như quên hẳn mục đích đến công viên để học tập và thăm thú, đứng vây quanh theo dõi đoàn làm phim từ sáng sớm cho đến khi trời tối mịt.
Những cặp mắt hau háu theo dõi từng động tác các diễn viên khi biểu diễn, thi thoảng lại khe khẽ gọi thầm một cách vô thức những cái tên quen thuộc: Lục Tiểu Linh Đồng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới.
Các em học sinh tiểu học ở Thiệu Hưng vui sướng vây quanh thăm hỏi và được tận tay "cầm, nắm" nhân vật Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng.
Mã Đức Hoa bị các em học sinh tiểu học bủa vây, chúng vui sướng được tận mắt tận tay chạm vào thần tượng
Một buổi sáng, các diễn viên vừa hóa trang xong thì mất điện. Ngộ Không và Bát Giới tranh thủ đi dạo quanh công viên, đây đúng là cơ hội ngàn năm có một cho bọn trẻ, các em vây quanh thần tượng và hô vang: "Tôn Ngộ Không! Trư Bát Giới...". Chưa dừng ở đó, bọn trẻ còn cố rướn tay ra để sờ cho bằng được vào người hai diễn viên, chúng vuốt lông khỉ, chạm vào chiếc bụng phệ giả của Trư Bát Giới và ra chiều thích thú. Chỉ trong chốc lát đã khiến cho không khí trong công viên trở nên náo nhiệt hẳn lên.
Để hóa trang cho "anh khỉ", chuyên gia hóa trang đã phải tốn không ít thời gian và công sức. Với nhân vật Tôn Ngộ Không, trước tiên, chuyên viên hóa trang phải sử dụng loại vải mắt lưới chuyên dụng, sau đó cắm từng sợi lông được nhuộm màu lên vải để tạo thành những mảng lông khác nhau trên cơ thể nhân vật. Trên người Lục Tiểu Linh Đồng phải mặc khá nhiều bộ phận lông khỉ khác nhau, từ quần lông, vòng lông cổ, bộ phận lông đầu, lông tay, áo lông...
Ngoài ra, có những bộ phận phải sử dụng chất liệu keo dán đặc biệt để tạo ra gương mặt. Trước khi quay, nghệ sĩ hóa trang riêng cho Tôn Ngộ Không sẽ lo phụ trách công đoạn trên. Công việc này đòi hỏi hết sức công phu, vô cùng phức tạp và tốn thời gian. Chính sự phiền toái này, mỗi khi có cảnh quay buổi sáng, Lục Tiểu Linh Đồng phải dậy từ rất sớm để hóa trang. Thường ông không kịp ăn sáng, bởi khi đã thực hiện đến phần dán lớp da mặt, chỉ còn chừa lại duy nhất hai lỗ mũi.
Lục Tiểu Linh Đồng đang được hóa trang tại hiện trường.
Hạn chế về kỹ thuật hóa trang, vì vậy Lục Tiểu Linh Đồng chỉ biết dùng đồ lỏng thay cho thực ăn thông thường
Toàn bộ thân hình của Lục Tiểu Linh Đồng đều được bao phủ bởi nhiều phần trang phục lông khỉ khác nhau.
Cận cảnh nhân vật Tôn Ngộ Không với trang phục lông khỉ và phần hóa trang hết sức tỉ mỉ, công phu.
Lục Tiểu Linh Đồng được nghệ sĩ hóa trang Dương Vân Phi (con gái đạo diễn Dương Khiết) hóa trang trong Tây Du Ký phần 2. Ảnh: Đường Kế Toàn
Vùng miệng gần như đã bị lớp mặt nạ và keo dán dính chặt nên không thể nhai, chỉ còn cách ăn một chút đồ ăn lỏng. Đặc biệt, toàn bộ vùng mặt bị dán đầy keo, mỗi khi nhiệt độ thấp sẽ khiến có cảm giác vô cùng khó chịu, hơn nữa còn phải chịu đựng trong một thời gian khá dài. Vào những ngày oi bức, nóng nực sẽ càng thêm thấm thía thế nào là sự bí bách đến cùng cực. Chỉ qua một thời gian ngắn, phần da bị dính keo tiết mồ hôi trở nên phồng rộp, khiến Lục Tiểu Linh Đồng vừa ngứa vừa đau rát, hết sức khó chịu.
Đó là chưa nói đến phần tẩy trang, nghệ sĩ hóa trang sẽ lột lớp da dán keo trên mặt diễn viên, lớp mặt bị mồ hôi, keo dính "tra tấn" sau một ngày dài trở nên đỏ rộp sẽ được rửa lại bằng rượu tinh chất, cảm giác không khác nào bị lột một lớp da trên mặt. "Anh khỉ" (biệt danh thành viên đoàn Tây Du Ký trìu mến gọi Lục Tiểu Linh Đồng) từng nói: "Đóng Tây Du Ký vài năm, da mặt của tôi không biết đã bị lột bao nhiêu lần".
Với nhân vật Trư Bát Giới của Mã Đức Hoa cũng chịu không ít khổ cực, đặc biệt là phần da bụng. Công đoạn hóa trang cho "anh lợn" tương tự với "anh khỉ", mất khá nhiều công sức và thời gian của cả nghệ sĩ hóa trang lẫn diễn viên. Để cho ra dáng nhân vật Trư Bát Giới với phần bụng phệ vượt mặt, nghệ sĩ hóa trang trước tiên sử dụng thạch cao để lấy khuôn cơ thể diễn viên, sau đó đổ lớp bọt cao su chuyên dụng lên khuôn thạch cao, đợi đến khi thành hình là hoàn thành phần tạo khuôn da bụng.
Nghệ sĩ Mã Đức Hoa đang được hóa trang phần mặt.
Miếng da bụng được chèn thêm bông hoặc bọt biển bên trong. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Nghệ sĩ Thôi Cảnh Phú trong quá trình hóa trang nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Kỳ phần 2.
Thôi Cảnh Phú được gắn tai giả trong quá trình hóa trang nhân vật Trư Bát Giới.
Để tạo dáng cho phần bụng trở nên to lớn và phệ hẳn ra, những lớp bọt biển và sợi bông được nhét đầy bên trong, vừa nhẹ vừa tạo chiếc bụng "đại tướng" của nhân vật Trư Bát Giới. Ngoài ra, chiếc mũi và tai lợn đặc trưng của Bát Giới, hay hàng loạt các nhân vật yêu ma quỷ quái, thần tiên đạo phật trong phim Tây Du Ký đều được làm dựa theo phương pháp trên.
Phần tạo hình các nhân vật này đều do nghệ sĩ hóa trang lão làng của đoàn là Vương Hy Chung tự mày mò nghiên cứu và thiết kế nên. Mỗi khi có nhân vật nào cần tạo hình hóa trang khuôn mặt (hóa trang bộ phận) hoặc hóa trang toàn thân, đoàn Tây Du Ký chỉ cần gửi các thông số đo cùng bản thạch cao lấy mẫu các bộ phận của diễn viên về Bắc Kinh. Vương Hy Chung sẽ theo đó thiết kế tạo hình và dựa theo khuôn thạch cao để tạo hình mặt nạ, đầu hay tai... sau đó gửi tới đoàn phim.
Như vậy, diễn viên không mất thời gian đến Bắc Kinh để lấy mẫu. Tuy nhiên, không phải sau khi Vương Hy Chung gửi mặt nạ hoàn chỉnh tới là coi như đã xong, còn phải xem có thực sự phù hợp với diễn viên cũng như yêu cầu của tổ đạo diễn hay không.
Đôi khi do ảnh hưởng đến cảnh quay, đặc biệt quay kỹ xảo với nền phông xanh, mặt nạ hoặc bộ phận hóa trang trùng với màu phông xanh sẽ lập tức phải sửa lại (công đoạn này tương tự với màu trang phục cũng được sửa lại để không trùng với màu của phông nền). Thường phải sau 2 - 3 lần sửa, diễn viên mới có được lớp mặt nạ hay bộ phận hóa trang vừa ý.
Nghệ sĩ hóa trang Vương Hy Chung (ngoài cùng bên phải) trong vai Kim Đỉnh đại tiên. Ảnh: Điền Kế Toàn.
Nghệ sĩ Vương Hy Chung ngoài đời hiện tại vẫn gắn bó với công việc tạo hình hóa trang nhân vật.
Trong đoàn phim Tây Du Ký, vì thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu diễn viên, vì vậy toàn bộ lực lượng nhân viên trong đoàn từ ánh sáng, đạo cụ, thư ký trường quay, hóa trang, phục trang, mỹ thuật... đều được huy động làm diễn viên quần chúng hoặc diễn viên phụ. Những gương mặt từng được đạo diễn Dương Khiết tiết lộ như chuyên gia khỏi lửa Lưu Lễ, thư ký Vu Hồng, hậu cần Cận Căn Tuất, Lý Kiến Thành, phục trang Lý Bảo Tường... đều từng không ít lần xuất hiện trong Tây Du Ký trong những vai nhỏ.
Ngay đến nghệ sĩ hóa trang lão làng Vương Hy Chung, dù ít khi phải đi theo đoàn, ông thường xuyên ở lại Bắc Kinh "trực chiến" lo việc tạo hình hóa trang cho nhân vật, cũng được huy động làm diễn viên phụ. Cụ thể là vai Kim Đỉnh đại tiên trong tập cuối 25 - Đến miền cực lạc, vị phật tiếp dẫn có vai trò dẫn dắt, hướng dẫn thầy trò Đường Tăng trước khi vào Linh Sơn bảo điện bái kiến Phật Tổ cùng chư vị Bồ Tát, La Hán. Ông là người khuyên Đường Tăng nên chay tịnh bằng cách xuống hồ sen cạnh đó tắm, trước khi thành chính quả.
Tạo hình hóa trang các nhân vật từ yêu ma quỷ quái, thần tiên phật đạo trong Tây Du Ký đều qua bàn tay của nghệ sĩ Vương Hy Chung tìm tòi và thiết kế