Kỹ xảo "cổ lỗ sĩ" của Tây Du Ký

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 514Kỳ mới nhất

Trong bộ phim “Tây Du Ký” của đạo diễn Dương Khiết, vì điều kiện công nghệ và kỹ xảo còn khá lạc hậu, vì vậy những phương pháp thô sơ lại tỏ ra khả thi hẳn, đơn cử như cách dùng cần câu hay dây câu là một ví dụ.

Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này.

Tháng 2/1987, đúng ngay sau Tết âm lịch vài hôm, đoàn phim Tây Du Ký rời Bắc Kinh để thực hiện các cảnh quay cho tập 23 - Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu (hay còn gọi là Truyền nghệ ở Ngọc Hoa châu)  tại 6 địa điểm chính gồm hai tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và các điểm như Tuyền Châu, Triệu Khánh...

Thời gian đoàn đến thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến và tìm tới danh thắng lịch sử chùa Thanh Tịnh, một công trình kiến trúc Phật giáo được xây cất từ năm 1038 Công nguyên thuộc khu tự viện Mục Tư Lâm. Toàn bộ kiến trúc chính của tự viện được tạc từ các khối đá nguyên khối mà thành. Vì chùa đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, đến nay đại điện chính đã bị phá hủy, chỉ còn lại hạ điện cùng một vài hạng mục bằng đá khác còn xót lại. May mắn là những bức tường bao quanh bên ngoài tự viện cùng phong cách kiến trúc tháp điển hình của Ả Rập vẫn còn tồn tại.

Kỹ xảo "cổ lỗ sĩ" của Tây Du Ký - 1

Cảnh trong tập 23 - Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu.

Đội thiết kế mỹ thuật của đoàn Tây Du Ký tận dụng khoảng không ở trong khu tự viện để tạo ra bối cảnh quay cho tập 23.

Nhờ sự khéo léo của các nhân viên mỹ thuật, cảnh thật lẫn giả được kết hợp với nhau khéo léo, tạo nên cảnh lữ quán Triệu Gia, cảnh phố thị mang phong cách khác hẳn so với văn hóa kiến trúc của người Trung Quốc, đúng như yêu cầu kịch bản cho tập Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu. Khung cảnh này khiến khán giả biết được thầy trò Đường Tăng đã ra khỏi biên giới đất nước Trung Hoa, với những khung cảnh hoàn toàn của “nước ngoài”.

Trong lữ quán Triệu Gia có cảnh quay các thương gia, lữ khách qua đêm tại đây, trong lúc đang thay đồ chuẩn bị đi ngủ thì quần áo đều bị cuốn bay. Mọi người cuống cuồng đuổi bắt hòng lấy lại. Ngay đến vợ chồng chủ quán trọ cũng không thoát khỏi việc bị Ngộ Không "chôm" mất quần áo, khăn khố. Khung cảnh náo loạn khiến mọi người người cảm thấy hoang mang, lo lắng không hiểu có chuyện gì xảy ra.

Trên thực tế, người bày ra hành động trên chính là Tôn Ngộ Không. “Con khỉ đá” chỉ “mượn tạm” trang phục của những lữ khách trên để “nhập gia tùy tục”, cải trang thành thương nhân, tránh thân phận xuất gia tu hành - đối tượng đang bị quốc vương nước sở tại truy bắt và cấm đoán xuất hiện. Nguyên do được cho là vua nước Ngọc Hoa nằm mơ thấy một vị sư cướp ngai lẫn hoàng hậu, vì vậy mà tất cả sư sãi đều bị đuổi khỏi vương quốc.

Kỹ xảo "cổ lỗ sĩ" của Tây Du Ký - 2

Vì cấm các nhà tu hành trong vương quốc của mình, quốc vương và hoàng hậu đã bị Ngộ Không dùng phép thuật cạo trọc đầu.

Cảnh quay quần áo bay qua bay lại trong phim ban đầu được đạo diễn Dương Khiết chủ trương sử dụng kỹ xảo ghép hình. Tuy nhiên, để cảnh quay chân thực và sống động, tổ đạo diễn đã thay đổi kịch bản và phương pháp làm, bằng cách thực hiện cảnh này ngay tại trường quay mà không cần đợi đến khâu xử lý hậu kỳ bằng kỹ xảo ghép hình.

Để hoàn thành cảnh quay trên, đội đạo cụ đã chuẩn bị sẵn 7 – 8 chiếc cần câu có buộc sẵn dây câu. Đây được coi là một phát minh khá sáng tạo của nhân viên đoàn phim Tây Du Ký trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”. Với phương pháp này, những vật thể có thể cử động hay bay nhảy trên màn ảnh trông rất sống động, vừa tăng hiệu quả thị giác lại tránh được khâu ghép hình vừa phức tạp vừa giả tạo.

Kỹ xảo "cổ lỗ sĩ" của Tây Du Ký - 3

Thầy trò Đường Tăng cải trang thành những thương nhân từ số trang phục mà Ngộ Không "mượn" được ở quán trọ. Ảnh: Đường Kế Toàn.

Trước khi quay, những sợi dây câu được phủ thêm một lớp chống lóa, nhờ vậy khi lên hình, khán giả khó nhận ra sợi dây khi các “vật thể bay” mà các nhân viên bên ngoài đang "câu"

Trên phim, người xem sẽ thấy quần áo, mũ mão của các nhân vật bay lượn đẹp mắt và chân thật. Hiệu quả từ cách làm trên rất thành công. Khi xem lại, mọi người trong đoàn đều tấm tắc ngợi khen phương pháp tuy “cổ lỗ sĩ” nhưng lại thành công ngoài mong đợi. Ngay đến nghệ sĩ Lý Hồng Xương và Hạng Hán, người vừa vào vai những thương gia bị lột đồ và mũ áo, khi xem lại cũng ôm bụng cười khoái trá.

Cảnh quay trong tập 23 với "kỹ xảo" dùng cần câu cá.

Phần lớn những cảnh quay trong tập này đều vào lúc trời tối, vì vậy đoàn phim cũng phải thức trắng để hoàn thành.

"Kỹ xảo” dùng cần và dây câu cá được đoàn áp dụng ở những cảnh quay khác như dùng dây câu quấn quanh chú cá chép và nối vào tay của diễn viên nhí trong vai “tiểu Đường Tăng”. Đây là cảnh quay Đường Huyền Trang ngày bé phóng sinh cho một chú cá.

Kỹ xảo "cổ lỗ sĩ" của Tây Du Ký - 4

Chú cá chép được quấn sợi dây câu vào tay diễn viên nhí đế không nhảy xuống hồ khi chưa có "hiệu lệnh".

Vì chú cá “hiếu động” và nhảy vọt xuống hồ trong khi chưa đến cảnh phóng sinh, do đó phải nhờ đến sợi dây câu để khiến chú cá phải “thuần phục”.

Một cảnh quay khác là những chú nhện khổng lồ sau khi bảy yêu nữ nhện tinh hiện nguyên hình tập 21 – Rơi nhầm Động Bàn Tơ. Để làm cho nhện có thể di chuyển, thay vì sử dụng động cơ điện hay máy móc, đoàn phim đã dùng cần và dây câu cá để khiến những mô hình nhện có thể đi lại dễ dàng.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 514Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Tây Du Ký 1986: Chuyện giờ mới kể Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN