Xét tuyển đại học 2017: Cạnh tranh gắt gao ở những ngành “hot”

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, kỳ xét tuyển nguyện vọng 1 đợt 1 vào đại học năm nay sẽ hết sức căng thẳng bởi tính cạnh tranh cao trong từng nhóm điểm. Các chuyên gia cũng đưa ra lời cảnh báo thí sinh cần cân nhắc kỹ trong điều chỉnh nguyện vọng, bởi nếu không “lượng sức” vẫn có nguy cơ điểm cao song khó trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.

Xét tuyển đại học 2017: Cạnh tranh gắt gao ở những ngành “hot” - 1

Theo dự báo, điểm chuẩn của một số trường đại học “top trên” và ngành “hot” sẽ tăng so với năm 2017. Ảnh minh họa

Điểm chuẩn diễn biến khó lường

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 cho thấy, có tới hơn 4.000 thí sinh được điểm 10 tại các môn thi, cùng với đó là rất nhiều thí sinh đạt điểm cao từ 7-9 điểm. Hạn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đợt 1 chưa diễn ra, nhưng nhiều thí sinh cảm thấy căng thẳng chờ đợi bởi phổ điểm mà Bộ GD&ĐT mới công bố báo hiệu cuộc cạnh tranh gắt gao giữa các thí sinh. Thậm chí, rất nhiều thí sinh có mức điểm 20, 22 lo lắng điểm chuẩn sẽ tăng cao khi phổ điểm thi THPT Quốc gia 2017 có số thí sinh điểm cao tăng mạnh so với năm trước.

Liên quan tới công tác xét tuyển, nhiều trường ĐH cũng dự báo mức điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhẹ, nhưng vẫn chưa thể yên tâm bởi số lượng thí sinh thay đổi nguyện vọng biến hóa khó lường. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay trường quan tâm khi nhận hồ sơ từ 20, 21 điểm trở lên, thậm chí ngành “hot’’ lên tới 24 điểm. Trường đã phân tích dữ liệu điểm của thí sinh 26,5 - 27 điểm theo tổ hợp khối A00 và A01 có hơn 5.000 em, nhiều hơn năm trước. Điều này cho thấy, việc cạnh tranh điểm trong các thí sinh là rất cao.

“Nếu 30% trong số thí sinh đạt 26-27 điểm đăng ký vào những ngành “hot” của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rõ ràng điểm chuẩn sẽ rất cao, số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn đồng nghĩa cơ hội trúng tuyển giảm đi. Nhưng thời điểm này rất khó phán đoán bởi căn cứ vào số thí sinh đăng ký vào những ngành rất “hot” của trường. Để đảm bảo công bằng, nhà trường sẽ đưa ra hai tiêu chí phụ: Tổng điểm 3 môn không nhân hệ số và điểm ưu tiên và ưu tiên cho thí sinh đăng ký nguyện vọng cao hơn khi xét các em có cùng điểm thi”, PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dự báo điểm chuẩn năm nay cũng ở mức cao. GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Do mặt bằng điểm thi cao hơn và không hạn chế số nguyện vọng đăng ký... do đó, điểm trúng tuyển của các trường “top trên” có thể sẽ tăng cao hơn so với các trường còn lại, đặc biệt là các ngành “hot”. Dự kiến, điểm trúng tuyển vào các ngành của trường tăng khoảng 0,5 đến 1,5 điểm so với năm trước. Các ngành: Kế toán, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing,... nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ tăng mạnh”.

Cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng

Từ ngày 15/7, các thí sinh sẽ được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Qua phân bố điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống cho thấy, đường cong phổ điểm về phía bên phải - điểm cao thoải hơn. Năm nay có nhiều thí sinh đạt điểm cao hơn nên trong đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới này các em cân nhắc để đăng ký phù hợp với nguyện vọng và ngành mình yêu thích. Vì các em chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, điều chỉnh xong rồi thì không được thay đổi lại. Cho nên quyết định điều chỉnh là vô cùng quan trọng”.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, để có lựa chọn phù hợp, đầu tiên thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình so với điểm chuẩn ngành mình đăng ký năm 2016. Tiếp đến là tham khảo phổ điểm, sẽ xác định được số thí sinh có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của mình trong năm 2017 là bao nhiêu, sau đó quay sang phổ điểm năm 2016, sẽ xác định với số lượng thí sinh như vậy năm 2016 sẽ có điểm từ mức nào trở lên và xác định được trong vùng kết quả thi của mình, phổ điểm năm nay sẽ cao hay thấp hơn năm trước là bao nhiêu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, phổ điểm chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường. Do vậy, để đảm bảo khả năng trúng tuyển vào các ngành phù hợp, thí sinh vẫn phải cân nhắc để lựa chọn đủ các ngành có khả năng trúng tuyển ở các mức khác nhau, đồng thời phải cân nhắc kỹ trật tự đặt các nguyện vọng. Thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống và chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất. Chính vì vậy, thí sinh phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký và điều chỉnh.

Bộ GD&ĐT cho biết, để hỗ trợ cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tại các điểm đăng ký dự thi (nơi tiếp nhận Phiếu điều chỉnh nguyện vọng) các trường sẽ bố trí cán bộ máy tính để hướng dẫn thí sinh. Ngoài ra, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (tại địa chỉ: https://thituyensinh.vn) có đăng tải tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh tiến hành điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến từ ngày 15- 21/7.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh chỉ được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào đại học 1 lần. Khi thay đổi nguyện vọng, thí sinh có thể điều chỉnh trường, ngành, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng, tổ hợp dùng để xét tuyển, chế độ ưu tiên. Nếu thí sinh không thay đổi chế độ ưu tiên và không tăng số nguyện vọng, có thể thực hiện thay đổi nguyện vọng trực tuyến, ngược lại phải đăng ký thay đổi nguyện vọng bằng Phiếu tại các điểm đăng ký dự thi. Thời gian đăng ký trực tuyến là từ 15/7 đến hết ngày 21/7; thời gian đăng ký tại các điểm đăng ký dự thi là từ 15 đến hết ngày 23/7.

Điểm chuẩn trường top giữa: Miền Bắc ổn định, miền Nam biến động

Không “nóng” như các trường top trên, nhưng các trường top giữa lại thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh, bởi phổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN