Điểm chuẩn trường top giữa: Miền Bắc ổn định, miền Nam biến động

Không “nóng” như các trường top trên, nhưng các trường top giữa lại thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh, bởi phổ điểm của các khối thi đều tập trung chủ yếu ở mức 16 - 20 điểm. Và đây cũng là mức điểm chuẩn của các trường top giữa.

Điểm chuẩn trường top giữa: Miền Bắc ổn định, miền Nam biến động - 1

Thí sinh xem số báo danh trước khi vào phòng thi kỳ thi THPT Quốc gia tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Miền Bắc ổn định

Thống kê cho thấy, số thí sinh đạt điểm các khối A, B, C, A1, D từ 24 điểm trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ chiếm một con số chưa đến 7% mỗi khối. GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết với phổ điểm năm nay các trường ĐH top giữa sẽ tương đối dễ tuyển sinh vì dải điểm rộng. Tuy nhiên, GS Vui cho rằng vấn đề nằm ở thí sinh có nhu cầu đi học ĐH hay không. Dải điểm tuy rộng nhưng theo GS Đặng Kim Vui, điểm chuẩn các trường top giữa thuộc ĐH Thái Nguyên dự kiến sẽ giữ như năm 2016. Nếu có đột biến thì chỉ có ĐH Y Dược. Năm trước, trừ ĐH Y dược, phần lớn các ngành thuộc các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên đều lấy từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Đại diện của ĐH Lâm nghiệp cũng cho hay, với phổ điểm năm nay khó có biến động về điểm chuẩn đối với trường.

TS Nguyễn Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ giao thông cho biết, năm 2016 phổ điểm của trường chia thành ba bậc. Nhóm ngành điểm cao nhất là từ 20 đến 21,5 điểm. Nhóm ngành thứ hai từ 17 đến 19,5 điểm. Nhóm ngành thứ ba là từ 15 đến 16.5 điểm. Trường có ba cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên nên điểm chuẩn vào trường tương đối rộng. Ông Long cũng dự đoán, điểm chuẩn vào trường năm nay cũng tương đương năm ngoái. “Nếu các thí sinh đăng ký vào trường đạt mức điểm tương đương điểm chuẩn năm 2016 thì có thể yên tâm, không cần phải điều chỉnh nguyện vọng” -  ông Long nhấn mạnh.

Còn tại trường ĐH Công Đoàn, ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mấy năm gần đây, điểm chuẩn vào trường tương đối ổn định. Năm nay phổ điểm có đẹp hơn nhưng tôi nghĩ không có gì biến động đối với ĐH Công đoàn. Năm 2016 điểm chuẩn thấp  nhất vào trường là 15,5 điểm, cao nhất là 21 điểm. Năm nay trường tuyển 2.000 chỉ tiêu. Tôi cũng mong năm nay tuyển sinh ổn định như những năm trước” – ông Tĩnh cho hay.

Miền Nam: biến động

Trên cơ sở so sánh và phân tích phổ điểm năm 2016 với năm 2017, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM dự báo điểm chuẩn vào các trường tốp giữa và top trên năm nay sẽ có nhiều biến động.

Theo ông Sĩ, nhìn vào phổ điểm của năm 2017, số thí sinh có điểm cao trên 21 điểm tăng đột biến so với năm 2016, do đó điểm chuẩn của các trường top giữa và top trên năm nay dự đoán sẽ tăng mạnh.

Cụ thể, ông Sĩ phân tích, ở khối A nếu năm 2016 tổng thí sinh đạt 21 điểm trở lên chỉ khoảng 50.000 em thì con số này năm nay là gần 110.000 em. Trong đó, có khoảng 50.000 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên. “Như vậy, có thể dự đoán năm nay, điểm chuẩn của các trường top trên xét tuyển theo khối A sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm”, ông Sĩ nói.

Tương tự, ở khối A1, ông Sĩ cho biết năm 2016 có khoảng 20.000 thí sinh có điểm từ 21 trở lên, trong khi đó năm 2017 con số này là hơn 90.000 và có tới hơn 20.000 em đạt từ 24 điểm trở lên. Như vậy, có thể dự đoán năm nay, điểm chuẩn của các trường top trên xét tuyển theo khối A1 cũng sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.

Ở khối B, năm 2016 có khoảng 16.000 thí sinh đạt điểm từ 21 trở lên. Năm 2017 con số này là 85.000 thí sinh và có hơn 12.000 em đạt từ 26 điểm trở lên. Với kết quả này, ông Sĩ cho rằng, điểm chuẩn khối B của một vài trường sẽ tăng rất mạnh.

Ở khối C và khối D, ông Sĩ dự đoán có ngành sẽ tăng từ 2- 4 điểm so với năm 2017. Cụ thể, với khối C năm 2016 có khoảng 9.000 thí sinh đạt 21 điểm trở lên. Năm 2017 có hơn 70.000 thí sinh có điểm từ 21 trở lên. Số thí sinh đạt 25 điểm có hơn 10.000 em. “Như vậy, điểm chuẩn khối C của các trường top trên cũng có thể tăng từ 2 đến 4 điểm”, ông Sĩ nói.

“Điều này cũng tương tự ở khối D, trong khi năm 2016 số thí sinh đạt trên 21 điểm chỉ có hơn 15.000 thì năm nay con số này nhảy vọt lên 110.000 em. Có 15.000 thí sinh đạt 25 điểm. Như vậy, năm nay điểm chuẩn khối D có thể tăng đến 4 điểm ở một vài trường”, ông Sĩ dự đoán.

Trước điểm chuẩn dự đoán sẽ có nhiều biến động này, ông Sĩ khuyên: “Các thí sinh phải thực sự tỉnh táo và thật khôn ngoan khi nhấp chuột điều chỉnh lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhé. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng với các em”.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng, nhìn vào phổ điểm khá cao như năm nay, chắc chắn các trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển và thông thường dùng môn toán để xét tiêu chí phụ.

Theo ông Dũng, với phổ điểm khá cao, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ tăng 1-3 điểm, riêng những ngành “hot” có thể tăng 3 điểm. Do vậy thí sinh cần phải cẩn trọng khi điều chỉnh nguyện vọng và phải nhìn vào thực lực của mình để quyết định cuối cùng, vì điểm năm nay không phản ánh trình độ tương đương năm ngoái. “Có thể hình dung năm nay đạt 21 điểm thì chỉ bằng 18 điểm so với năm ngoái, do độ khó của đề thi THPT không bằng năm ngoái” - ông Dũng nói.

Với khối A, năm 2016 tổng thí sinh đạt 21 điểm trở lên chỉ khoảng 50.000 thì con số này năm nay là gần 110.000. Trong đó, có khoảng 50.000 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên. Khối D, trong khi năm 2016 số thí sinh đạt trên 21 điểm chỉ có hơn 15.000 thì năm nay con số này nhảy vọt lên 110.000 em, có 15.000 thí sinh đạt 25 điểm.

Dự báo điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động

Trên cơ sở so sánh và phân tích phổ điểm năm 2016 với năm 2017, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên trường Đại học Ngân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN