Vườn tượng danh nhân ở làng đại học

Dọc con đường gần một cây số từ ngã ba Quốc tế đến ngã tư Quốc phòng trong Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM có 10 bức tượng đặt hai bên đường. 10 bức tượng là những danh nhân, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, chí sĩ...

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 1

Các bức tượng bằng đá granite đang được thực hiện sau khi nhận được ý kiến đóng góp.

10 bức tượng có kích cỡ lớn hơn người thật một chút, với đủ tư thế đứng và ngồi giữa thảm cỏ xanh bên cạnh địa hình mỏm đồi, thung lũng, tạo nên một cảnh đẹp mộc mạc nên thơ. Dù chưa được đặt biển tên nhưng ai cũng dễ dàng nhận ra đó là bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, chí sĩ Phan Châu Trinh, cụ Đồ Chiểu...

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 2

Hằng ngày, sinh viên và người dân di chuyển qua đoạn đường này đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy những bức tượng. Sinh viên Mai Phương (ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Mỗi lần đi học ngang qua đây đều đưa mắt nhìn về hướng các bức tượng, mặc dù chưa có bảng chú thích tên từng tượng nhưng nếu bạn nào nắm chắc kiến thức thì dễ dàng nhận ra”.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 3

  Tượng đại thi hào Nguyễn Du bằng đá granite.

Được biết ý tưởng đặt tượng là của PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM và người thiết kế, điêu khắc các bức tượng là ThS điêu khắc Trần Thị Diệu Phượng.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 4

Sinh viên và người dân di chuyển qua đây đều chạy chậm để nhìn ngắm từng bức tượng.

Với mục đích xây dựng nên khu vườn tượng danh nhân cho làng đại học, góp phần tạo cảnh quan nghệ thuật giúp sinh viên thư giãn và nhắc nhớ về những người có công với đất nước. Đây mới là những bức tượng được làm từ vật liệu composite, chưa có đế cũng như bảng giới thiệu, đang trong thời gian nhận ý kiến phản hồi của sinh viên, các nhà mỹ thuật, thầy cô và người dân sau đó mới chính thức đặt các bức tượng bằng đá granite cùng với bảng thuyết trình về bức tượng.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 5

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu  Ức Trai. Ông là vị quan thời nhà Hồ và là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí, Chí Linh sơn phú. Các tác phẩm ấy đều là văn bằng chữ Hán. Về thơ có hai tập: Ức trai thi tập bằng chữ Hán, Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 6

Nguyễn Du (1765-1820), đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một nhà nhân đạo lỗi lạc có “con mắt trông khắp sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Nguyễn Du có ba tập thơ chữ Hán là: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, tổng cộng 250 bài. Thơ Nôm, Nguyễn Du có kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) và một số sáng tác đậm chất dân gian như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; vè Thác lời trai phường nón.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 7

Chu Văn An (1292- 370), nhà giáo và nhà thơ tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đời Trần Minh Tông, ông làm việc ở Quốc Tử Giám, phụ trách việc giảng kinh cho thái tử và biên soạn sách. Đời Trần Dụ Tông, Chu Văn An đang làm quan tại triều đình, thấy chính sự bại hoại, ông đã viết Thất trảm sớ xin chém đầu bảy gian thần. Vua không nghe, ông bèn từ quan, về ở ẩn tại huyện Chí Linh (Hải Dương). Từ đó ông chỉ làm thơ và dạy học. Ông sáng tác tập thơ chữ Hán Tiều ẩn thi tập, một số bài thơ còn chép ở trong Toàn Việt thi lục do Lê Quý Đôn sưu tập. Ngoài ra, Chu Văn An còn cùng với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố là những người đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tác văn học. Tại Hà Nội và TP.HCM đều có đường phố mang tên Chu Văn An.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 8

Lê Văn Hưu (1230-1322) người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, vào năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà, 207-136 trước Công nguyên) cho tới Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), tất cả gồm 30 quyển, được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 9

Hồ Xuân Hương (1772-1822) - một nữ sĩ tài năng và độc đáo trong văn học Việt Nam, từng được thi sĩ Xuân Diệu tôn vinh là “bà chúa thơ Nôm”. Xuân Hương còn được mệnh danh là “nhà thơ của phụ nữ”, bởi thơ bà là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ - những người phụ nữ rất đỗi bình thường trong xã hội cũ phải gánh chịu biết bao thiệt thòi, bất hạnh nhưng không ai dám lên tiếng đấu tranh. Có thể nói Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc đã mang đến cho thơ văn tiếng nói của người phụ nữ.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 10

Lê Quý Đôn (1726-1784). Ông là con TS Lê Phú Thứ, quê ở huyện Diên Hà (nay thuộc thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), nổi tiếng thần đồng. Lê Quý Đôn đã để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế chính trị, văn hóa, địa lý, nông học... Trong đó đặc biệt phải kể tới các công trình biên khảo về văn học và sử học. Về văn học:  Toàn Việt thi lục, lựa chọn và giới thiệu 2.391 bài thơ của 175 tác giả từ thời Lý. Ông là tác giả của tập thơ: Quế đường thi tập. Về sử học: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sử thông lục. Về triết học: Thư kinh diễn nghĩa, Dịch kinh phu thuyết, Xuân thu lược luận, Quần thư khảo biện. Về kinh tế và nông học: Vân đài loại ngữ rất đồ sộ khiến người đời sau muốn tra cứu nhiều lĩnh vực khoa học-đời sống từ mấy trăm năm về trước nhất thiết phải tìm đọc.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 11

Cao Bá Quát (1809?-1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam. 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Trong số này về chữ Nôm có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập: Cao Bá Quát thi tập; Cao Chu Thần di thảo; Cao Chu Thần thi tập; Mẫn Hiên thi tập.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 12

Đoàn Thị Điểm (1705-?), biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở làng Giai Phạm, sau đổi thành Hiến Phạm, huyện Văn Giang nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Đoàn Thị Điểm là một tác gia lớn của nền văn học thời trung đại, bút pháp đa dạng, vừa giỏi văn Hán, lại cũng vừa giỏi thơ Nôm. Ngoài bản dịch Chinh phụ ngâm, bà còn là tác giả tập truyện Ký, Truyền Kỳ Tân Phả và một ít thơ văn câu đối chữ Hán, chữ Nôm được lưu giữ trong Hồng Hà phu nhân di văn. Bà là ngôi sao sáng trong hàng ngũ những nữ sĩ Việt Nam, một nhà giáo, một lương y tài đức vẹn toàn.

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 13

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM). Ông là người mở đầu cho giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ 19. Tên tuổi ông là tượng trưng cho lòng yêu nước của nhân dân miền Nam. Thơ văn ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống Pháp ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta. Các tác phẩm nổi tiếng của ông lưu danh muôn đời như: Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...

 

Vườn tượng danh nhân ở làng đại học - 14

Phan Châu Trinh (1872-1926), hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán. Ông là nhà thơ, nhà văn và là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam. Trong số các sĩ phu đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm của xã hội và con người Việt Nam. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ dân trí và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Theo Hoàng Giang (Pháp Luật TPHCM) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN