Vừa vào ĐH, đã khao khát có bằng thạc sĩ
Không chỉ là mơ ước của những người đã ra trường đang trông chờ lương cao và thăng tiến, tấm bằng Thạc sĩ thậm chí đang ngày càng được thèm muốn bởi những sinh viên năm nhất.
Năm ngoái, theo một cuộc điều tra, ĐH California ở Los Angeles cho biết 42% sinh viên năm nhất đặt mục tiêu có bằng thạc sĩ – gần gấp đôi so với số người cho rằng bằng cử nhân là mục tiêu cao nhất của họ. 40 năm trước, cuộc điều tra này cho thấy sinh viên năm nhất thường có xu hướng chỉ học hết đại học.
Điều tra dân số và các dữ liệu khác cho thấy nhiều người có bằng thạc sĩ đang được trả lương cao hơn những người chỉ có bằng cử nhân.
“Nhìn chung, thu nhập của những người có bằng cao hơn bằng tú tài là rất khá” – Anthony P.Carnevale, giám đốc Trung tâm giáo dục và nhân lực ở Georgetown nhận định. Ông cho rằng điều này rất đúng với những người trong ngành kỹ thuật và các ngành liên quan đến công nghệ.
Dữ liệu của Virginia cho thấy những người lấy bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật điện và điện tử có mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp là khoảng 75.000 USD. Bằng cử nhân ở những ngành này là khoảng 56.000 USD.
“Khi thị trường việc làm được vực dậy trên cả nước, tỷ lệ thạc sĩ sẽ giảm dần” – hiệu trưởng ĐH George Washington, ông Steven Lerman nhận định. “Không có gì đảm bảo xu hướng này sẽ tồn tại mãi”.
Số liệu từ Hội đồng giáo dục đại học của Virginia cho thấy, cử nhân ngành điều dưỡng có mức lương khởi điểm trung bình là khoảng 48.000 USD, trong khi với bằng thạc sĩ là khoảng 66.000 USD – chênh lệch nhau tới 38%.
Shawna Brennfleck, 29 tuổi, y tá tại Bệnh viện Inova Fairfax hiện đang hoàn thành bằng thạc sĩ ngành điều dưỡng ở ĐH George Washington để có thể làm việc như một y sĩ sau khi tốt nghiệp. Với mức chi phí khoảng 34.000 USD, chương trình thạc sĩ yêu cầu cô tham gia các lớp học trực tuyến và phải có kinh nghiệm trên 3 năm.
Các chương trình thạc sĩ trực tuyến đang thu hút rất nhiều sinh viên vì họ vẫn phải tiếp tục làm công việc của mình sau khi đăng ký học.
“Mỗi tuần, bạn đều phải hoàn thành bài tập và bài kiểm tra. Bạn có thể làm vào thời gian rảnh và phải sắp xếp thời gian thật hợp lý” – Brennfleck chia sẻ.
ĐH George Washington đã cho ra trường 3.900 thạc sĩ vào năm 2012, xếp thứ 18 trên cả nước Mỹ. ĐH Hopkins với 4.800 thạc sĩ, xếp thứ 9. Top 20 trường có nhiều thạc sĩ nhất năm 2012 gồm có ĐH New York xếp thứ 2, Columbia xếp thứ 3 và Harvard xếp thứ 15. Chương trình thạc sĩ trực tuyến của ĐH Phoenix xếp đầu bảng với 18.600 người tốt nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng nhiều cử nhân trẻ quyết định quay lại giảng đường sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – một trong những yếu tố khiến ước mơ thạc sĩ ngày càng nở rộ. Khi thị trường việc làm được cải thiện, đã có những dấu hiệu cho thấy số lượng sinh viên đăng ký học thạc sĩ có giảm nhẹ.
“Khi thị trường việc làm được vực dậy trên cả nước, tỷ lệ thạc sĩ sẽ giảm dần” – hiệu trưởng ĐH George Washington, ông Steven Lerman nhận định. “Không có gì đảm bảo xu hướng này sẽ tồn tại mãi”. |
Tuy nhiên, xu hướng đổ xô học thạc sĩ đã bắt đầu từ trước cuộc khủng hoảng năm 2008 và trở thành một mục tiêu của giáo dục đại học.
Kinh tế và giáo dục – những ngành học “hot” nhất – chiếm khoảng một nửa trong số các ngành học của hơn 750.000 người học thạc sĩ mỗi năm. MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) hiện đang là ngành học có mặt gần như ở tất cả các chương trình thạc sĩ trực tuyến, bán thời gian.
Tuy nhiên, vẫn có những ngành học khác cũng đang được lựa chọn nhiều không kém, như Tin sinh học, Khoa học pháp lý, Hệ thống thông tin địa lý, Truyền thông doanh nghiệp, Quản lý bền vững…
Gần như năm nào George Mason – trường đại học công lớn nhất ở Virginia cũng mở các chương trình đào tạo thạc sĩ mới. Ngành mới nhất là Thiết kế trò chơi điện tử và Phân tích dữ liệu. “Lý do mở 2 ngành này là chúng sẽ ‘hot’ trên thị trường việc làm” – hiệu trưởng George Mason, ông Peter Stearns cho hay.
Một số nhà phân tích băn khoăn liệu sự phát triển này có đang đi quá xa hay không.
Jeffrey J. Selingo – biên tập viên tờ Chronicle of Higher Education – cho biết khi các trường đại học mở ngày càng nhiều khóa học thạc sĩ, thì các nhà tuyển dụng sẽ quan tâm. Khi nhà tuyển dụng quan tâm, sinh viên sẽ quan tâm. Khi sinh viên có nhu cầu học lên thạc sĩ, các trường lại mở thêm nhiều khóa học. “Tất cả như một vòng tròn lặp lại” – ông Selingo nói.
Những người khác thì nói rằng nhu cầu có một học vị cao hơn hoàn toàn là hợp pháp.
“Học thạc sĩ không chỉ vì các nhà tuyển dụng muốn có thêm vài chữ cái vào trước tên của những người mà họ sẽ thuê. Mà thực tế, đó là sự phức tạp của nền kinh tế tri thức đang cần người học có nhiều kỹ năng hơn”.