Vì sao HS thích nghe đại sứ nói về lịch sử hơn giáo viên?

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch, những nhà ngoại giao biết vận dụng sự kiện lịch sử vào cuộc nói chuyện nên học sinh rất thích.

Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch với Infonet bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.

Có một thực tế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, có những trường có 1 thí sinh thi, có trường khoảng 600 học sinh mà không có thí sinh nào chọn thi môn sử như Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Tại sao môn Sử lại có ít học sinh chọn thi, theo tôi có thể là do cách dạy của chúng ta và cách biên soạn sách giáo khoa chưa ổn nên học sinh ngại học. Bây giờ mà bắt học sinh nhớ các sự kiện thì rất khó và bình luận các sự kiện còn khó hơn. 

Bởi vì lịch sử không phải là một cái gì ta thích nói gì thì nói, không thể nói một cách tùy tiện được. Nói ra là cả một hệ quan điểm đường lối, lịch sử nó gần với quy chuẩn của một thời kỳ, nên các em ngại là vì cái chuyện đó.

Càng thế hệ trẻ, người ta càng ngại nói chuyện lịch sử, bây giờ thế hệ trẻ thích nói về công nghệ, thích nói về khoa học. Nếu chúng ta không đổi mới chương trình dạy sử, cách dạy sử thì sẽ rất khó thu hút được sự ham học, quan tâm của các em học sinh.

Vì sao HS thích nghe đại sứ nói về lịch sử hơn giáo viên? - 1

 Hội đồng thi có duy nhất 1 học sinh thi Sử đã không còn khiến dư luận sốc

Nguyên nhân học sinh chán học Sử là do cách biên soạn và cách dạy Sử, như vậy thì chúng ta nên có hướng như thế nào để học sinh thích học môn Sử thưa ông?

Bây giờ chúng ta đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo về phương pháp dạy môn Sử. Có ý kiến cho rằng nên thực hiện cách dạy Sử bằng việc đưa các em vào một công việc cụ thể, như là tham gia trình diễn đóng vai về các sự kiện, hay nghe các nhà ngoại giao họ nói về cách dạy sử rất hay. 

Ví dụ một ông đại sứ Việt Nam tại nước ngoài và một giáo viên dạy sử nói về sử, nhưng mà giáo viên dạy Sử nói người ta không muốn nghe, nhưng những nhà ngoại giao người ta nói họ rất thích nghe, bởi vì người ta biết vận dụng những sự kiện lịch sử vào cuộc nói chuyện và đặt ra vấn đề nếu các em là nhà ngoại giao, nhà chính trị thì các em sẽ rất thích.

Vậy điều căn bản là phải thay đổi chương trình biên soạn môn lịch sử cũng như phương pháp dạy cho phù hợp thưa ông?

Đúng vậy. Rõ ràng là giáo viên dạy sử của chúng ta không sáng tạo trong phương pháp dạy sử mà vẫn dạy theo kiểu truyền thống cho nên các em không muốn học.

Còn sách giáo khoa cũng có đổi mới, nhưng kiến thức phải nhẹ đi, nhưng khả năng đổi mới, khả năng tư duy, vận dụng phải tăng lên. Chứ còn cứ kể ra một loạt sự kiện bao nhiêu máy bay, bao nhiêu tàu chiến…thì cần gì sách giáo khoa, mà người ta chỉ cần mở vi tính ra xem cũng nắm được đầy đủ.

Theo tôi, sách giáo khoa nên trình bày các luận điểm và đưa ra các luận điểm khoa học để cho các em bình luận theo, hoặc hướng bình luận vào một vấn đề cụ thể để các em tham gia, hiện tại bây giờ sách giáo khoa môn Sử vẫn là ghi chép các sự kiện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN