Vấn nạn dạy thêm, học thêm: Cấm cứ cấm, dạy vẫn dạy

Sự kiện: Giáo dục

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đã có quy định cấm không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Ngoài ra, không để xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm chính học sinh của lớp mình. Nhưng cấm là một chuyện, trên thực tế học sinh vẫn phải bù đầu với các lớp học thêm.

Chương trình GDPT mới áp dụng từ lớp 1 từ năm 2020-2021; bậc THCS từ năm 2021-2022 và bậc THPT bắt đầu áp dụng với lớp 10 từ năm nay.

Làm sao để dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm, học thêm là trăn trở của nhiều người. ảnh: Quỳnh Anh

Làm sao để dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm, học thêm là trăn trở của nhiều người. ảnh: Quỳnh Anh

Chương trình được kỳ vọng sẽ giảm tải, giảm áp lực cho học sinh. Trên thực tế, nhiều giáo viên, hiệu trưởng cũng đánh giá chương trình, SGK mới hấp dẫn và có phần giảm tải, thế nhưng nhiều học sinh vẫn đang gồng mình đi học thêm. Học sinh tiểu học dù đã học ngày 2 buổi vẫn đi học thêm ở ngoài nhà trường do chính giáo viên chủ nhiệm đứng lớp. Đại đa số học sinh phải nộp tiền mua khoá học ở các trung tâm ngoại ngữ chỉ vì mỗi tuần có 2-3 tiết tiếng Anh ở trường với sĩ số 50-60 học sinh không mang lại hiệu quả.

Điều đáng nói, trên các trang mạng xã hội, giáo viên đăng thông tin mở lớp dạy kèm, dạy thêm rầm rộ ở các cấp, ngay cả ở bậc tiểu học nhưng cơ quan quản lý lại hình như không biết.

“Một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay là dạy thêm, học thêm không được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý. Bộ GD&ĐT đang mong muốn bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục này để quản lý chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên, việc đó cũng chỉ là một yếu tố, điều cốt lõi nhất hiện nay vẫn là các nhà trường, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, UBND các tỉnh, TP phải quản lý chặt đúng, đủ các quy định của bộ”.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học

Một số ý kiến nhận định có cung ắt có cầu, giáo viên không sống được bằng lương mới phải “lén lút” dạy thêm.

Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra sở (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, hằng năm trong các đợt thanh, kiểm tra các hoạt động, có gắn cả nội dung dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, các trường THCS - THPT dạy thêm trong nhà trường đều chấp hành theo đúng hướng dẫn, không có sai phạm. Riêng ở bậc tiểu học, đâu đó có thông tin về dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu Phòng GD&ĐT kiểm tra, xử lý.

Chi phí học thêm rất lớn

Theo báo cáo phân tích Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO cho thấy, trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học và có xu hướng tăng dần theo cấp học, trong đó chi phí học thêm là khoản lớn nhất.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) chỉ ra bất cập hiện nay là phí học thêm cao hơn rất nhiều lần so với học phí.

Ông cho rằng lâu nay người ta chỉ nhìn ở góc độ thầy lôi kéo trò đi học thêm là do đồng lương thấp, đời sống khó khăn. Nhưng thực tế từ SGK lại cho thấy chương trình quá nặng, nhiều bài khó một cách không đáng có. Trừ phụ huynh có trình độ thì đa số sẽ không thể chỉ bài cho con cái, vì thế phụ huynh lại phải cho con đi học thêm.

GS.TSKH Nguyễn Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban tuyên giáo T.Ư nói rằng, nên dẹp bỏ nạn dạy thêm học thêm để trẻ có thời gian vui chơi. Trẻ cần rất nhiều yếu tố khác ngoài việc học như kỹ năng ăn nói, giao tiếp; giải quyết các tình huống, được trải nghiệm các hoạt động. Còn nếu học sinh đã học xong trên lớp vẫn phải đi học thêm là do lỗi quản lý của nhà trường.

Có trách nhiệm của địa phương

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, PSG.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học ( Bộ GD&ĐT) cho biết Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 17 quy định rất rõ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

“Điều quan trọng nhất, Bộ GD&ĐT đã có quy định đó là không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khoá, tránh chuyện giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh lớp mình. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên dạy sâu hơn một phần nội dung, kiến thức theo kế hoạch giáo dục của nhà trường trong lớp học thêm. Khi đó, những em không học thêm lo lắng việc không được đảm bảo quyền lợi”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, hiện nay, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh muốn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng là nhu cầu chính đáng nên việc dạy thêm, học thêm là yêu cầu khách quan của cuộc sống. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng có quy định các trường hợp không được dạy thêm. Cụ thể, các trường hợp đó gồm: không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống).

Về dạy thêm học thêm trong nhà trường, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải tuân thủ các quy định. Cụ thể, học sinh có nguyện vọng phải viết đơn, cha mẹ ký. Nhà trường sau đó tổ chức phân nhóm học sinh theo năng lực, không dạy cào bằng và phân công giáo viên phụ trách môn học dạy thêm theo đúng nhóm năng lực học sinh.

Để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm không đúng quy định ở chỗ này, chỗ khác tại các địa phương có trách nhiệm của đơn vị quản lý tại địa bàn…

Nguồn: [Link nguồn]

Vấn nạn dạy thêm, học thêm: Kiệt sức học thêm

Học cả ngày ở trường chưa đủ, học sinh đang phải chạy “sô” học thêm ở các trung tâm buổi tối cũng như các ngày nghỉ. Cả xã hội chạy đua, phụ huynh cũng bước vào đường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN