Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017: Nhiều cơ hội… không thi cũng đỗ

Không chỉ xét tuyển thẳng học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, năm nay nhiều trường ĐH, CĐ mở rộng đối tượng tuyển thẳng, tăng cơ hội vào ĐH mà không cần thi cho những thí sinh xuất sắc.

Lần đầu tuyển thẳng thí sinh cuộc thi Olympia

Trong phương án tuyển sinh ĐH, CĐ của Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2017, trường này dành chỉ tiêu từ 5 – 10% mỗi ngành để tuyển thẳng.

Ngoài các đối tượng tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, năm nay trường này bổ sung xét tuyển thẳng những đối tượng “có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22.6.2017) đạt IELTS 6.5, TOEFL iBT 90 hoặc TOEFL ITP 575 trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2017, trừ bài thi ngoại ngữ tiếng Anh, đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có bài thi Toán.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017: Nhiều cơ hội… không thi cũng đỗ - 1

Thí sinh làm thủ tục xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2016. Ảnh: Tùng Anh

Đặc biệt, lần đầu tiên, trường còn tuyển thẳng thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài Truyền hình Việt Nam, tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2017 theo tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 18 trở lên.

Nói về quy định mới, PGS-TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trước khi đưa tiêu chí tuyển thẳng này vào áp dụng, trường đã rà soát một cách kỹ lưỡng. “Cuộc thi này đã trải qua 16 năm, mỗi trường chỉ chọn được 1 thí sinh đại diện cho trường tham dự cuộc thi tuần. Vì vậy, đây có thể coi là học sinh xuất sắc nhất của trường đó. Hơn nữa, mỗi năm có 36 cuộc thi tuần với 4 thí sinh/tuần thì tổng số chỉ có 144 thí sinh cả nước tham gia thi tuần. Số lượng này không nhiều so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.800 em” – ông Triệu nói.

"Tuyển đầu vào có thể dễ, nhưng quá trình đào tạo phải thật nghiêm khắc, đào tạo phải có chất lượng. Điều này để tránh tình trạng tuyển dễ quá, các trường top trên “vét” hết thí sinh khiến cho các trường top dưới không còn gì”.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ

Ông Triệu cũng nhấn mạnh thêm, ngoài việc lọt vào cuộc thi tuần, các em còn phải đạt 18 điểm với tổ hợp 3 môn của kỳ thi THPT quốc gia mới đủ điều kiện.

Nhiều trường ĐH khác cũng có các cách chiêu mộ người tài rất đặc biệt. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sử dụng tối đa 5% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2017 top 10 ở các trường có ký hợp tác về hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học với trường. Điều kiện xét tuyển, điểm từng môn đăng ký xét tuyển thẳng theo học bạ từ 8.0 trở lên với hệ đại trà (7.0 trở lên đối với hệ chất lượng cao)

Trong khi đó, Trường ĐH Tài chính – Marketing lại ưu tiên xét tuyển thẳng cho học sinh có ít nhất 1 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi và các năm còn lại đạt học sinh tiên tiến ở cấp THPT hoặc là thành viên đội tuyển của trường, tỉnh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Điều kiện kèm theo là thí sinh đó phải có điểm trung bình các môn trong một tổ hợp xét tuyển đạt từ 6.0 trở lên.

Đừng liều xét tuyển thẳng

Ủng hộ việc các trường mở rộng tuyển thẳng, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc tuyển thẳng thí sinh là học sinh giỏi và có thành tích cốt làm giảm nhẹ sức ép cho học sinh phổ thông. Đây là quy định rất nhân văn: “Các em học rất giỏi thì sao bắt các em phải thi nữa. Các trường có thể đưa ra các tiêu chí xét tuyển thẳng mới theo cơ chế tự chủ nhưng phải dựa trên quy định của Bộ GDĐT” – ông Nhĩ nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho rằng, mùa tuyển sinh năm nay đúng là cơ hội xét tuyển thẳng của các trường rộng mở hơn rất nhiều so với các năm trước. Ngoài việc xét tuyển theo quy chế của Bộ, các trường còn xét tuyển thẳng học sinh của các trường chuyên tại địa phương, các tiêu chí xét tuyển cũng có phần nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, các trường có thể xét tuyển đầu vào dễ nhưng quá trình đào tạo cần “siết” mạnh hơn. Bởi lẽ, không phải học sinh nào học giỏi ở cấp THPT lên ĐH vẫn học giỏi. Hơn nữa, theo ông Cường, thí sinh thuộc diện tuyển thẳng cũng cần cân nhắc kỹ khi làm hồ sơ. “Rất nhiều trường hợp, học sinh đủ điều kiện tuyển thẳng nhưng ngành mà các em yêu thích lại không tuyển thẳng. Để đỗ ĐH mà không phải thi, các em “đánh liều” tuyển thẳng vào một khoa, ngành mà mình không thích. Như thế là sai lầm” – ông Cường nói.

Theo ông Cường, đã là học sinh giỏi, các em nên tự tin để tìm cơ hội xét tuyển đúng vào ngành nghề mình yêu thích, bởi vì nếu xét tuyển bừa, sau này các em sẽ chán nản và học tập không tốt, ra trường phải làm trái nghề hoặc phải đào tạo lại. “Tỷ lệ tuyển thẳng của các trường rất ít, vì vậy, nếu không phải ngành mình yêu thích, dù đủ điều kiện xét tuyển thẳng các em vẫn nên… nhường cơ hội đó cho bạn khác” – ông Cường khuyên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN