Tuyển sinh 2012: Trường nghề “chết đứng”

Đang mùa cao điểm tuyển sinh nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trường trung cấp, trường nghề lại điêu đứng vì không có thí sinh. Nhiều ngành đóng cửa, không ít trường phải rao bán.

Trường trung cấp Phương Đông dù đăng ký chỉ tiêu 800 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ tuyển được hơn 100 chỉ tiêu. Trường có năm ngành nhưng mới chỉ mở được hai ngành kế toán và quản trị kinh doanh. Một thành viên ban giám hiệu nhà trường cho biết các ngành còn lại mới chỉ có khoảng 10 học sinh. Nếu hết tháng 12 vẫn không đủ chỉ tiêu để mở lớp sẽ chuyển số học sinh này sang trường khác!

Tuyển sinh èo uột

Theo nhiều trường trung cấp, chưa năm nào tình hình tuyển sinh lại bi đát như năm nay. Mặc dù là mùa cao điểm tuyển sinh nhưng hồ sơ nộp vào trường quá ít, tiến độ tuyển sinh chậm hơn hẳn so với mọi năm. Ông Bùi Hồng Điệp - hiệu trưởng Trường trung cấp Tân Thanh - cho biết đang mùa cao điểm nhưng trường tuyển chưa được 300 học sinh, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.900. “Tiến độ tuyển sinh quá chậm so với năm 2011. Giờ vào ĐH dễ quá, thời gian xét tuyển ĐH lại kéo dài đến hết tháng 11, thí sinh không trúng tuyển trường này được rút lại hồ sơ nộp vào trường khác. Cơ hội vào ĐH quá nhiều thì còn ai muốn vào trung cấp nữa” - ông Điệp buồn bã nói.

Thống kê từ nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai cho thấy đến thời điểm này, rất hiếm trường tuyển được 50% chỉ tiêu. Nhiều trường số học sinh tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí là chưa tuyển được học sinh. Đã qua giữa tháng 10 nhưng Trường trung cấp Tây Sài Gòn vẫn chưa tuyển được học sinh nào. Trường trung cấp Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng chỉ mới tuyển được hơn 100 học sinh. Ngành công nghệ thực phẩm Trường trung cấp Vạn Tường chỉ tuyển được hơn 10 học sinh và buộc phải tạm dừng tuyển sinh. Số học sinh này được “chuyển” cho một trường ĐH có bậc trung cấp ngành này đào tạo.

Tuyển sinh 2012: Trường nghề “chết đứng” - 1

Học sinh Trường trung cấp nghề Khôi Việt thực hành pha chế rượu. Năm nay trường mới chỉ tuyển được 32 học sinh

Theo ông Trần Văn Giáp - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải, đến thời điểm này trường mới tuyển được 350 học sinh, sinh viên cho cả bậc CĐ và trung cấp nghề. Rất nhiều nghề như quản trị mạng máy tính, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, sửa chữa máy tàu thủy có quá ít thí sinh và không thể mở ngành. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ nghề tại TP.HCM cho biết bậc CĐ mới chỉ tuyển được gần 200 sinh viên, trong khi bậc trung cấp mới có... bốn thí sinh nộp hồ sơ. Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Khôi Việt, ông Hà Kim Vọng, não nề nói: đến giờ trường mới tuyển được 32 học sinh bậc trung cấp, số lượng như thế trường sẽ không thể tồn tại được.

Bán trường


Sau mùa tuyển sinh thất bát năm trước cũng như tình hình tuyển sinh khó khăn của năm nay, nhiều trường đã “sang tay đổi chủ”. Trường trung cấp Gia Định “bán đứt” cho một trường ĐH. Trường trung cấp Tân Thanh, Tây Sài Gòn, Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng vừa chuyển cho chủ mới. Ở hệ nghề, các trường trung cấp nghề Ngọc Phước, Hoàn Cầu sau thời gian tuyển sinh èo uột của năm trước, năm hay hầu như không tuyển được học sinh. Ông Nguyễn Hữu Ngọc - hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị Trường trung cấp Phương Đông - cho biết cũng đang tìm người mua để bán sau những khó khăn trong tuyển sinh.

Theo lý giải của các trường trung cấp, các trường tư thục được “đẻ ra” quá nhiều trong khi “miếng bánh” thí sinh không nở ra nên ngay cả các trường tốp trên trong những năm trước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, các chính sách của Bộ GD-ĐT đưa ra cũng góp phần đẩy các trường trung cấp, trường nghề vào tình trạng sống dở chết dở như hiện nay. Chủ tịch hội đồng quản trị một trường trung cấp tại TP.HCM cho hay: “Bộ có công sinh các trường trung cấp nhưng không có công dưỡng, bị đối xử không công bằng nếu so với các trường ĐH, CĐ. Thậm chí còn đưa ra nhiều chính sách khiến các trường trung cấp gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn năm nay bộ cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đến cuối tháng 11. Các trường trung cấp có cố gắng cỡ nào cũng chỉ còn cách ngồi chờ. Bộ không cho các trường ĐH tuyển trung cấp, trường trung cấp hớn hở đầu tư để tuyển sinh thì đùng một cái bộ lại cho trường ĐH tuyển trung cấp trở lại. Trường trung cấp lại bị đặt vào thế khó dù đã nỗ lực nâng cao chất lượng nhưng làm sao cạnh tranh lại các trường ĐH” - bà này nói.

Ông Bùi Hồng Điệp nói thêm: các trường trung cấp đang nỗ lực tìm đầu ra để thu hút đầu vào. Trường đã ký nguyên tắc với một trường ĐH để liên thông sau khi học sinh tốt nghiệp. Giờ bộ đưa ra dự thảo buộc thí sinh liên thông phải thi văn hóa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Quy định này quá khắt khe khiến đầu ra của học sinh trung cấp khá mịt mờ. Thẳng thắn hơn, hiệu trưởng một trường trung cấp nói: “Chúng ta bàn nhiều đến chiến lược phát triển trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt phải tạo điều kiện cho các trường tồn tại trước khi nói đến việc phát triển. Trường chết đi thì lấy gì mà phát triển”.

Nhiều nơi dừng đào tạo ôsin vì không có người học

Ông Nguyễn Thành Hiệp - trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - cho biết năm trước hệ thống dạy nghề trên địa bàn TP có sáu cơ sở đào tạo nghề giúp việc nhà. Tuy nhiên, do không tuyển được người học, những trung tâm này đã ngưng đào tạo và hiện chỉ còn một nơi đào tạo. Chương trình đào tạo nghề này thông thường từ 3-6 tháng, do cơ sở đào tạo tự xây dựng và Sở Lao động - thương binh và xã hội phê duyệt, cấp chứng nhận đăng ký.

Hà Bình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Giảng (Tuổi Trẻ)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN