TP.HCM đề xuất rút ngắn năm học

Sự kiện: Giáo dục

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

TP.HCM đề xuất rút ngắn năm học - 1

Ảnh minh họa.

Linh hoạt giờ học, thời gian học

TP.HCM hiện có 2.144 trường học với 42.671 phòng học, 76.277 giáo viên, 1,6 triệu học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Những năm học gần đây, bình quân mỗi năm thành phố tăng khoảng 60.000 học sinh, có năm tăng hơn 80.000. Ngoài áp lực về phòng học, giáo viên, thành phố còn đối mặt với áp lực ùn tắc giao thông, kẹt xe nên từng đặt ra vấn đề học “lệch giờ” nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở để thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay có hàng trăm ngàn công nhân làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu gửi con rất lớn để trở lại làm việc sau khi sinh. Nếu vẫn giữ quy định như hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh khó khăn trong việc tìm chỗ gửi con.

Do đó, thành phố kiến nghị cần có sự linh hoạt trong một số quy định, cụ thể: định hướng mở trong biên chế năm học, thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay thì có thể rút ngắn lại; cơ cấu giờ, tiết học linh hoạt để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương; cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm tại TP.HCM như mô hình “trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế”, “trường tự chủ”... chưa được quy định trong luật Giáo dục nên gặp khó khăn (các trường theo mô hình tiên tiến phải đóng thuế). Do đó, cần sớm có cơ chế để phát huy thế mạnh của những mô hình trường học mới.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo mục tiêu học tập suốt đời, tăng tính phân luồng, bên cạnh hệ thống trường năng khiếu về thể dục thể thao, TPHCM cũng đề xuất cần xây dựng hệ thống các trường chuyên về thẩm mỹ, nhạc, họa,… giúp đào tạo chuyên sâu từ nhỏ cho những học sinh sớm bộc lộ năng khiếu. Đồng thời, nghiên cứu thêm các quy định để học sinh nước ngoài có thể học tập chương trình phổ thông của Việt Nam tại các trường công lập.

Nhà giáo phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt như quân đội, công an

UBND TP.HCM cho rằng, Luật Giáo dục định nghĩa “nhà giáo” không bao gồm các cán bộ quản lý giáo dục. Điều này, gây khó khăn khi điều chuyển, bổ nhiệm các nhà giáo giỏi về công tác tại các đơn vị quản lý giáo dục.

Trên cơ sở này, thành phố đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 70: “Nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác” thêm vào: ”hoặc đã có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”.

Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cũng nhấn mạnh, phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt (như quân đội, công an,…) để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành Sư phạm.

Cho phép các địa phương có quy mô lớn bổ sung hệ thống trường bồi dưỡng giáo dục làm công tác bồi dưỡng định kỳ 5 năm, phục vụ việc sàng lọc, nâng cao trình độ giáo viên và thích ứng với sự thay đổi. Cần nâng chuẩn theo quy định của giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học tối thiểu có bằng tốt nghiệp Cao đẳng.

TP.HCM cũng đưa ra đề xuất, cần bổ sung loại hình Trường Bồi dưỡng giáo dục hoặc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng trực thuộc Sở GDĐT trong hệ thống để làm công tác bồi dưỡng, đánh giá giáo viên định kỳ (5 năm), làm cơ sở cho công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên.

TPHCM hỗ trợ 18 triệu/năm cho giáo viên mầm non có bằng thạc sĩ

Trong năm học mới này, TPHCM chính thức thực hiện Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên mầm non công lập. Theo đó,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN