Nghỉ Tết dài, chương trình ngắn lại?

Sự kiện: Giáo dục

Theo Quyết định 2071 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017- 2018 có quy định: "Các ngày nghỉ lễ, Tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm".

Thực hiện quyết định trên, thời gian nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 ở các địa phương mỗi nơi một khác: ở TP HCM, học sinh được nghỉ 16 ngày, từ 12 đến 23-2-2018 (tính cả thứ bảy và chủ nhật); ở TP Hà Nội là 9 ngày, từ 13 đến 21-2-2018…

Việc ấn định thời gian nghỉ Tết không trùng với thời gian nghỉ Tết của người lao động, từ ngày 14 đến 20-2-2018, có khi lại gây khó khăn cho phụ huynh trong việc chăm sóc con, khi mà bản thân phụ huynh chưa được nghỉ Tết; còn học sinh thời gian nghỉ quá dài để bắt nhịp lại sau Tết, không phải không có những khó khăn nhất định.

Quan trọng hơn là thời gian nghỉ Tết quá dài, liệu nhà trường có dạy đủ kiến thức các môn học hay không?

Bởi lâu nay, ngành giáo dục ở một số địa phương hướng dẫn các cơ sở trường học tổ chức kiểm tra học kỳ II, trước khi hoàn thành chương trình học từ 2-3 tuần (kiểm tra ở tuần 33 đến 34), riêng các môn không thi tốt nghiệp THPT hoặc không thi tuyển lớp 10, tổ chức kiểm tra trước đó từ 3 đến 4 tuần, trong khi phân phối chương trình các môn học quy định tiết kiểm tra học kỳ II các môn học thường ở tuần 36 hoặc 37.

Sau kiểm tra học kỳ II, do tâm lý không còn kiểm tra, thầy cô không còn cho điểm nên nhiều học sinh không còn động lực để học; khi đó giáo viên cũng không còn tâm trí để dạy, nhất là dạy bù những tiết chưa kịp chương trình, họ dạy qua loa các tiết chính khóa, đôi khi bỏ hẳn các tiết ôn tập, tổng kết chương, trả bài kiểm tra, thực hành, ngoại khóa… những tiết học này thường bố trí vào những tiết cuối trong phân phối chương trình; do họ còn phải lo đánh giá xếp loại học sinh, hoàn thành hồ sơ sổ sách cuối năm, đánh giá - xếp loại viên chức, xếp loại thi đua giáo viên…

Vì vậy, có thể ở nhiều trường phổ thông, học sinh không được học đầy đủ tất cả kiến thức các môn học, trong khi đến năm 2019, theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia bao gồm kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12.

Thiết nghĩ, Sở GD-ĐT các địa phương cần hướng dẫn các cơ sở trường học: Thời gian nghỉ Tết trùng với lịch nghỉ của người lao động; tổ chức kiểm tra học kỳ II hợp lý hơn. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần tăng cường hoạt động thanh - kiểm tra việc thực hiện chương trình các môn học ở các cơ sở trường học vào cuối học kỳ II bởi lâu nay rất hiếm có đoàn kiểm tra nào của phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên trước khi kết thúc năm học. 

Học sinh TP HCM nghỉ Tết Nguyên đán 15-16 ngày

Tin từ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết học sinh các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn TP sẽ nghỉ Tết Nguyên đán 15-16...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN