Tiền trường đầu năm học: Xé nhỏ mà vẫn to

Hai tuần sau ngày khai giảng, các trường phổ thông đã rục rịch họp phụ huynh đầu năm và bắt đầu thu những khoản tiền trường. Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, nhiều trường công lập ở Hà Nội khá “rụt rè” với các khoản thu, hoặc tìm các cách để lách.

Mỗi nơi thu một kiểu

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Hà Nội, năm nay các khoản tiền đóng đầu năm học đã được các trường thu khá “rụt rè”, hoặc linh hoạt triển khai dần dần cho đến buổi họp phụ huynh đầu năm. Thậm chí, có trường vẫn đang trong giai đoạn “nghe ngóng”, chưa tổ chức thu tiền đầu năm học.

Đọc bảng thông báo đóng tiền đầu năm và tiền học tháng 9 của Trường mầm non Ánh Sao (quận Thanh Xuân), nhiều phụ huynh cẩn thận dò từng khoản. Cụ thể, mỗi học sinh sẽ đóng 900.000 đồng, bao gồm: Tiền ăn (tháng 9) 400.000 đồng; tiền nước uống 10.000 đồng; tiền học phí 40.000 đồng; chăm sóc bán trú 150.000 đồng; học phẩm (đợt I) 100.000 đồng; đồ dùng cá nhân (đợt I) 100.000 đồng; quỹ phụ huynh trường (đợt I) 100.000 đồng. Theo ghi nhận, đây là các khoản thu đúng, trường cũng đã công khai cụ thể quy định cho từng khoản. Tương tự, một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) cho biết, tiền học đầu năm nhà trường thu hơn 900.000 đồng/học sinh, trong đó các khoản đều theo quy định.

Tiền trường đầu năm học: Xé nhỏ mà vẫn to - 1

Phụ huynh Trường mầm non Ánh Sao đang dò từng khoản thu,
đối chiếu với những quy định. Ảnh: Q.Anh

Trong khi đó, có phụ huynh lại khá “rầu lòng” vì tiền học đầu năm cho con trong buổi họp phụ huynh cuối tuần qua. Chị T.Hòa có con học trường B.V.Đ (quận Đống Đa) cho biết: “Năm nay, nhìn chung không có khoản thu nào lạ cả. Tiền bảo hiểm, học phí… nhà trường thu theo đúng quy định. Nhưng khoản quỹ lớp, quỹ trường vẫn còn nhiều, phải đóng tới hơn 500.000 đồng/học sinh cũng là khoản lớn. Tuy nhiên, cao nhất vẫn là các khoản tiền học thêm, nhà trường thu 25.000 đồng/tiết/học sinh. Thành ra, nếu học sinh đi đủ 5 môn học thêm, mỗi tháng cũng mất 1,4 triệu đồng. Trong buổi họp, dù thấy tiền học thêm cao, nhưng tôi vẫn phải ký vào bản đăng ký tự nguyện vì chẳng nhẽ các bạn đi học thêm còn con mình lại ở nhà?”.

Tại một số trường, phụ huynh cũng phản ánh vẫn còn các khoản thu không rõ ràng, chưa được quy định cụ thể. Ví dụ như: Trường tiểu học T.S (quận Hai Bà Trưng) thu tiền trái tuyến 1 triệu đồng/học sinh; Trường tiểu học N.T (quận Thanh Xuân) thu tiền sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng/tháng; Trường mầm non H.S (quận Thanh Xuân) thu thêm 100.000 đồng/tháng tiền hỗ trợ lương giáo viên…

Từ “rụt rè” đến xé lẻ tiền trường

“Học phí các trường công lập hiện quá thấp, tồn tại khá lâu rồi. Trong khi mọi thứ tăng cao thì học phí vẫn cứ thấp, thậm chí giảm. Định mức ngân sách cho mỗi học sinh được nâng lên hàng năm, nhưng vẫn chưa đủ cho các trường. Trường thiếu kinh phí nên phải huy động đóng góp xây nhà vệ sinh, tiền nước uống, các hoạt động nhà trường khác… lại bị xã hội lên án là lạm thu. Dĩ nhiên, cần lên án những nơi thu sai, nhằm mục đích tư lợi. Hiện nay có thể giảm lạm thu bằng cách tăng học phí để giảm sức ép cho nhà trường, giảm các khoản thu khác giống như trường dân lập. Ngoài học phí ra không phải đóng thêm các khoản khác”.

PGS. Văn Như Cương
Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội

Để đối phó với tình trạng than vãn, kêu ca của phụ huynh học sinh về tiền trường đầu năm học, một số trường đã tìm cách chia nhỏ các khoản thu, nhưng tính ra vẫn là số tiền lớn mà phụ huynh phải đóng. Trong vòng hơn một tháng qua, chị Thanh (có con học lớp 10 Trường THPT Q.T, quận Thanh Xuân) đã phải đóng tiền học cho con tới 4 lần. Chị Thanh cho biết: “Mỗi lần đóng một vài khoản nhưng cộng lại cũng rất lớn. Đầu tiên là đóng tiền đồng phục các loại 900.000 đồng. Sau đó là tiền học thêm gần 800.000 đồng cho tháng 8. Hôm rồi đóng tiền trong buổi họp phụ huynh gần 1,5 triệu đồng, gồm tiền bảo hiểm gần 400.000 đồng, học phí 200.000 đồng/học kỳ, tiền quỹ 560.000 đồng/học kỳ gồm quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh... Sắp tới sẽ đóng tiền học thêm tháng 9 này”.

Nói về tình trạng lạm thu trong các trường học, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Lạm thu là căn bệnh trầm kha trong ngành giáo dục. Mặc dù đã có khá nhiều quy định của ngành giáo dục về tiền trường nhưng năm nay vấn đề này chắc vẫn còn lặp lại ở không ít nhà trường, nhất là ở các trường công lập. Bởi sẽ có nhiều khoản lắp điều hòa, rèm cửa, máy chiếu… dù khóa trước để lại, nhưng khóa sau vẫn phải đóng tiền mua. Rồi quỹ phụ huynh bị thu vô tội vạ. Hội phụ huynh là “quân xanh” của nhà trường, sinh ra chỉ để hợp pháp hóa các khoản lạm thu mà lâu nay vẫn không làm sao khắc phục nổi… Cho nên, vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều hành có bản lĩnh, tử tế của người đứng đầu ở mỗi nhà trường”.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản hưởng dẫn thực hiện các khoản thu-chi trong trường học. Sở cũng yêu cầu các trường phải sử dụng các khoản thu một cách công khai, minh bạch theo đúng quy chế hướng dẫn của Sở. Đặc biệt, trong thời gian này Sở cũng đã thành lập nhiều đoàn thanh tra tới các trường học để kiểm tra. Đây cũng là lý do khiến các trường “rụt rè” trong việc thu tiền vào thời điểm này.

Để xử lý lạm thu, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Sở đã công khai toàn bộ số điện thoại của Ban Giám đốc cũng như các phòng, ban trên website của Sở (http://hanoi.edu.vn). Để chấm dứt các khoản thu vô lý, phụ huynh học sinh hãy đồng hành với Sở, nếu nhà trường yêu cầu các khoản đóng góp không hợp lý, phụ huynh có quyền từ chối. Với tư cách là lãnh đạo Sở, tôi xin cam kết sẽ bảo vệ người cung cấp thông tin, không có chuyện học sinh bị trù úm. Nếu giáo viên, nhà trường nào thực hiện hành vi trên, phụ huynh hãy phản ánh tới Sở với những chứng cứ xác thực, Sở cam kết sẽ xử lý nghiêm”.

20 đoàn thanh tra kiểm tra lạm thu

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội vừa thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu, chi và hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm đầu năm học 2013 - 2014. Thời gian kiểm tra từ ngày 14 - 25/9, tập trung vào các nội dung như: thực hiện các khoản thu theo quy định và các khoản thu ngoài học phí, các chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn và việc triển khai hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN