"Tiến sĩ 322" được đảm bảo quyền lợi dưới 100%

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Vang, cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), với PV xung quanh hướng xử lý của bộ đối với những ứng viên đã trúng tuyển học bổng 322 mà chưa đi học nước ngoài.

Ông Vang cho hay: Đề án 322 theo quyết định của Thủ tướng sẽ kết thúc vào năm 2014. Số chỉ tiêu đã hoàn thành và vì vậy năm 2012 không còn chỉ tiêu cử đi mới. Trong những năm qua còn tồn đọng một số ứng viên ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ chưa đi học được do phải chuẩn bị ngoại ngữ và tìm cơ sở đào tạo. Đối với ứng viên tiến sĩ là giảng viên thì sẽ chuyển sang đi học theo đề án 911 ngay trong năm 2012 khi đề án này được cấp kinh phí.

Vấn đề hiện nay chỉ vướng những ứng viên ĐH và thạc sĩ (không thuộc đối tượng của đề án 911). Khó khăn duy nhất là do không có ngân sách nhà nước nên những ứng viên này không đi học được ở nước ngoài theo đúng nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT còn có các chương trình học bổng khác mà ứng viên có thể chuyển sang đi học ở những nước khác. Nếu ứng viên vẫn muốn đi học theo nguyện vọng cá nhân thì vẫn có thể đi học vào năm tới khi đề án mới được phê duyệt.

"Tiến sĩ 322" được đảm bảo quyền lợi dưới 100% - 1

Ông Nguyễn Xuân Vang - Ảnh: Vĩnh Hà

* Thông báo này có liên quan đến việc Chính phủ ngừng cấp ngân sách cho người đi học nước ngoài theo đề án này. Như vậy việc đề án 322 bị dừng lại có nguyên do từ đâu?

- Đề án nào rồi cũng phải kết thúc. Đề án 322 đã thực hiện từ năm 2000, kéo dài một lần đến năm 2014 và chỉ được gửi 2.000 người đi học trong giai đoạn 2. Đến nay chỉ tiêu 2.000 người đã dùng hết thì không còn cơ sở pháp lý để Bộ Tài chính cấp thêm kinh phí để cử mới năm 2012, còn những người đang đi học thì vẫn được cấp kinh phí bình thường.

* Hướng giải quyết bộ nêu ra liệu có thể gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện? Quyền lợi ứng viên có được bảo đảm hoàn toàn?

- Tất nhiên là khó khăn rồi, vì ứng viên đã có quyết định trúng tuyển đi học bây giờ vẫn đi học được, nhưng không phải đi học ở nước họ mong muốn mà phải chuyển sang nước khác. Quyền lợi của ứng viên được đảm bảo nhưng không phải 100% vì họ phải chuyển sang nước khác.

* Khả năng phát triển tiếp theo của đề án 322 như thế nào khi thực tế đề án 911 chỉ hướng vào đối tượng giảng viên ĐH, CĐ làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài mà không bao gồm nhóm được đào tạo thạc sĩ, ĐH?

- Có thể khẳng định ngay tại thời điểm này, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện một đề án mới và sẽ nối tiếp đề án 322 để bổ sung những đối tượng mà đề án 911 không có.

Hàng trăm người “mắc kẹt”

Theo hàng trăm ứng viên bất ngờ nhận thông báo dừng du học theo đề án 322, chuyển sang các diện học bổng khác là “hoàn toàn không thỏa dáng”.

L.H. (25 tuổi, Hà Nội) đã vượt qua vòng xét tuyển, chờ ngày sang Pháp theo học thạc sĩ, tự nhận mình là trường hợp “đỡ thiệt thòi” hơn rất nhiều so với những ứng viên “đã trúng tuyển mà chưa kịp lên máy bay”. “Các bạn từ tỉnh khác phải sắp xếp mọi kế hoạch cá nhân để lên Hà Nội tập trung mấy tháng trời học ngoại ngữ sau khi nhận được thông báo trúng tuyển. Rồi chuẩn bị phỏng vấn, lập hồ sơ, kế hoạch học tập gửi sang trường định học, thư bày tỏ nguyện vọng, giờ chẳng lẽ phải làm lại từ đầu? Bản thân tôi phải nghỉ không lương nhiều tháng, mất danh hiệu thi đua, mất cơ hội tiến cử trong quy hoạch cơ quan, hoãn kế hoạch sinh con...” - H. chia sẻ.

Theo H., hiện còn 47/94 ứng viên ĐH và thống kê chưa đầy đủ có gần 40/352 ứng viên thạc sĩ trúng tuyển học bổng 322 năm 2011 vẫn bị “kẹt” lại trong nước (theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, còn rất nhiều ứng viên học bổng tiến sĩ của năm 2011 và các học bổng khác của năm 2010). Các ứng viên này đã tập hợp thắc mắc, kiến nghị, dự kiến gửi Cục Đào tạo với nước ngoài trong ngày 18-5.

“Về cơ bản, chúng tôi không thấy thỏa đáng với quyết định này. Thứ nhất, về mặt thời gian, thông báo đến với chúng tôi ngày 15-5, nhưng gia hạn ngay đến ngày 1-6, ứng viên không gửi nguyện vọng lên bộ thì bộ không giải quyết và coi như ứng viên không còn nhu cầu học ở nước ngoài nữa. Trong khi đó, thông báo trúng tuyển trước đó của bộ ghi rõ thời hạn cuối cùng để chúng tôi đăng ký học thạc sĩ tại nước ngoài là 31-12-2012. Thứ hai, về nguyện vọng thì hoàn toàn khác xa với nhu cầu. Bộ nói ứng viên thạc sĩ, ĐH tự nghiên cứu các học bổng khác do bộ chủ trì theo diện hiệp định, học bổng nước ngoài cấp. Nhưng khi tìm hiểu thì ngã ngửa khi các học bổng hiệp định phần nhiều cũng quá hạn, chỉ còn lại vài nước nói tiếng Nga như Nga, Sri Lanka, Slovenia... Thông báo trúng tuyển của bộ ghi tôi sẽ theo học tại Pháp, làm sao chuyển sang học ngay bằng tiếng Nga được? Chưa kể hạn đăng ký học bổng theo hiệp định tại Nga cũng đã quá hạn” - H. bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN