Thừa Thiên - Huế: Nhiều học sinh bỏ học sang Lào làm thuê

Sự kiện: Tiền Giang

Ngày càng có nhiều học sinh ở các xã Lộc Sơn và Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) bỏ học để theo người thân sang Lào làm thuê, mà nhà trường và chính quyền không thể ngăn chặn...

Ồ ạt bỏ học

Từ khi hàng nghìn người dân xã Lộc Bổn kéo nhau sang Lào mưu sinh, tình trạng học sinh bỏ học ở địa phương này xảy ra ngày càng nhức nhối. Không chỉ học sinh THPT, mà cả học sinh THCS cũng bỏ học ngày càng nhiều. Vì vậy, trong nhiều năm liền, Trường THCS Lộc Bổn là một trong những trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao ở huyện Phú Lộc.

Thừa Thiên - Huế: Nhiều học sinh bỏ học sang Lào làm thuê - 1

Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông Phạm Văn Kỳ (xã Lộc Sơn) phải để con trai mới học lớp 7 sang Lào làm thuê.  An Sơn

Nói về tình trạng học sinh bỏ học, thầy Nguyễn Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn thở dài ngán ngẩm. Thầy Khôi cho biết, tình trạng học sinh của trường bỏ học xảy ra thường xuyên trong rất nhiều năm trở lại đây với số lượng mỗi năm lên đến hàng chục em. Năm học 2014-2015, mặc dù nhà trường đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 25 học sinh ở tất cả các khối bỏ học. Tình trạng bỏ học xảy ra phổ biến nhất vào dịp tết, nên từ đầu học kỳ 2 đến nay trường có đến 14 em bỏ học. Hầu hết học sinh bỏ học để theo người thân sang Lào làm thuê kiếm sống.

Tương tự xã Lộc Bổn, sau Tết Nguyên đán, hàng chục học sinh ở xã Lộc Sơn cũng bỏ học sang Lào. Cô Lê Thị Trương - giáo viên Trường THCS Lộc Sơn cho biết, trong số nhiều học sinh của trường bỏ học sang Lào làm thuê trong năm học này, trường hợp của em Nguyễn Thị Ly lớp 7/2 khiến cô tiếc nuối nhất. Ly là học sinh ngoan hiền, học giỏi, nhưng em đã bỏ học từ ngày mùng 8 Tết vừa qua. Bố mẹ Ly làm thuê ở Lào đã nhiều năm và em sang Lào để theo nghề sơn móng tay, móng chân như mẹ mình.

Tại Trường THPT An Lương Đông (đóng tại xã Lộc An), từ đầu năm học đến nay đã có đến 25 học sinh bỏ học để sang Lào làm thuê. Hầu hết các em bỏ học là học sinh thuộc các xã Lộc Bổn và Lộc Sơn. Lãnh đạo nhà trường cho biết, năm nay số bỏ học còn… ít hơn mọi năm. Nhiều năm trở lại đây, năm nào trường cũng có 30-40 học sinh bỏ học khiến cho các lớp học ngày càng trống vắng, số học sinh toàn trường giảm đáng kể.

Nhà trường, chính quyền... bó tay

Ông Bạch Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn

Phần nhiều cha mẹ của những em bỏ học đều mưu sinh ở bên Lào. Vì rất khó quản lý con cái ở nhà nên họ đưa con sang Lào cùng mình làm thuê kiếm thêm tiền. Chúng tôi đau đầu về tình trạng này nhưng chưa có giải pháp hiệu quả”.
Mặc dù từ giáo viên chủ nhiệm cho đến hiệu trưởng đã rất nhiều lần vận động nhưng em Phạm Văn Tín - học sinh lớp 7/4 Trường THCS Lộc Sơn vẫn bỏ học. Trước khi đi, em tâm sự với bạn là sẽ làm thuê cho một gara ô tô ở TP.Viên Chăn (Lào). Gia đình Tín có hoàn cảnh khó khăn, 2 anh trai của Tín cũng bỏ học từ rất sớm để sang Lào làm thuê. Ông Phạm Văn Kỳ - bố Tín cho biết, vì nghèo đói nên ông phải để Tín bỏ học sang Lào kiếm sống như 2 người anh trai. “Mình nghèo khổ nên chỉ cho hắn học cho biết cái chữ thôi...”- ông Kỳ nói.

Thầy Bạch Văn Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Sơn cho biết, bản thân ông và giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần trực tiếp gặp em Tín và phụ huynh để vận động Tín trở lại lớp nhưng bất thành. “Phụ huynh em Tín bảo “học xong ở nhà cũng không có việc, đi Lào có việc làm ngay, mỗi năm kiếm được mấy chục triệu”, nên nhà trường chỉ còn cách bó tay” - thầy Phước nói. Theo thầy Phước, hiện lượng lớn học sinh của trường có bố mẹ, anh chị đang làm thuê ở Lào, và đây là những học sinh dễ bỏ học để sang Lào làm thuê.

Theo thầy Nguyễn Khôi, Trường THCS Lộc Bổn đã triển khai rất nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học sang Lào làm thuê nhưng không mang lại kết quả. Nhiều năm qua, khi nhận được tin có học sinh bỏ học, trường liền phối hợp với chính quyền xã thành lập đoàn đến tận nhà vận động, nhưng kết quả đáng buồn là mỗi năm chỉ vận động được 1-2 em trong số hàng chục em bỏ học trở lại lớp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN SƠN ([Tên nguồn])
Tiền Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN