Thu tiền trường: Đã đến lúc “trả lại tự do” cho giáo viên

Sự kiện: Giáo dục

Đầu năm học 2018 - 2019, các trường học tại TPHCM khi thu tiền học phải cấp hóa đơn thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là quy định hay, giáo viên không nên làm công tác thu tiền, “đòi” tiền từ phụ huynh để tập trung làm tốt công tác chuyên môn.

Thu tiền trường: Đã đến lúc “trả lại tự do” cho giáo viên - 1

Giáo viên không nên thực hiện công việc thu tiền học để dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên môn chính là dạy học. Ảnh minh họa: Q.Anh

Ám ảnh chuyện thu tiền

Sở GD&ĐT TPHCM vừa ban hành hướng dẫn công tác thu, sử dụng học phí và thu khác của các cơ sở GD&ĐT công lập trên địa bàn thành phố năm học 2018 - 2019. Về công khai các khoản thu, Sở quy định, các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh (nêu rõ nội dung các khoản thu). Khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng sinh viên, học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định của ngành. Thêm nữa, Sở GD&ĐT cũng đã công bố các khoản thu trong năm học năm nay.

Ngoài ra, các cơ sở GD&ĐT công lập thực hiện công khai mức thu học phí, các khoản thu khác, phương thức, thời gian thực hiện công khai theo quy định. Sở GD&ĐT TPHCM sẽ thực hiện quán triệt và chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản về thu, chi đầu năm học. Ngoài ra, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục thuộc các quận, huyện và các đơn trực thuộc, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.

Không chỉ riêng TPHCM, hiện nay ở một số địa phương khác như Khánh Hòa… cũng đã có quy định giáo viên không được phép trực tiếp thu các khoản tiền học từ học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, phổ biến hiện nay tại các trường công lập từ cấp Mầm non cho đến THPT nhà trường vẫn “khoán trắng” cho giáo viên chủ nhiệm. Bởi vậy, khi bị giao công việc ngoài chuyên môn của mình, nhiều giáo viên đã không mấy hào hứng với việc này, thậm chí là lo lắng vì đối diện với nguy cơ mất đi hình ảnh trong mắt phụ huynh, học sinh.

Làm công tác chủ nhiệm gần 10 năm nay, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, cô Mỹ H - giáo viên Tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: “Đầu năm học ngại nhất là đi thu tiền học, trong buổi họp phụ huynh dù giải thích khá cặn kẽ nhưng một số phụ huynh chưa hiểu, nhất là người không đi họp vẫn cứ thắc mắc và nhiều lúc ăn nói khó nghe với giáo viên. Việc thu tiền dù không vất vả nhưng phụ huynh không đóng luôn mà có người đóng sớm, có người đóng muộn, thành ra hàng ngày phải ghi chép, cộng tiền cho đỡ nhầm rồi nộp lại cho phòng tài vụ của trường. Nếu không phải thu tiền, chắc nhiều giáo viên như tôi rất mừng vì không ngại vất vả mà việc này đôi khi dẫn đến hiểu sai từ phía phụ huynh”.

Khó chống được “lạm thu”

Câu chuyện giáo viên không phải thu tiền trường tại TPHCM đã được triển khai từ mấy năm qua, các trường đều có phòng kế toán, thủ quỹ chịu trách nhiệm đứng ra thu các khoản tiền nên tưởng như quy định này dễ thực hiện, nhưng giáo viên vẫn khó thoát kiếp “nợ nần” trong trường học. Phần lớn, đích thân giáo viên phải đứng ra thông báo, “giải trình” trước ánh mắt nghi hoặc của phụ huynh về các khoản thu trong năm học. Thế nên mới có chuyện, sao họp phụ huynh mà toàn nghe thầy, cô nói chuyện… tiền là vậy. Trong khi, không giáo viên nào muốn ôm vào mình việc không nằm trong chuyên môn.

Từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục và trên cương vị quản lý, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng cho biết, nếu như việc ban hành quy định giáo viên không được phép thu tiền học, mọi khoản thu học sinh, phụ huynh nộp trực tiếp cho tài vụ, nhiều giáo viên sẽ rất mừng vì lâu nay việc thu tiền là công việc hầu hết các giáo viên không thích, nhưng vẫn phải làm. Trên thực tế, giáo viên không hề được hưởng lợi ích bất kỳ từ việc thu tiền này, nên nếu không phải thu, giáo viên sẽ đồng tình vì lâu nay chuyện thu tiền cũng đã làm mất đi hình ảnh giáo viên trong mắt phụ huynh. Làm được điều này, thầy Lâm cho là điều tốt và cần triển khai rộng rãi.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Lâm, một số nơi công việc thu tiền giao cho văn phòng thu, nhưng nếu thiếu nhân lực vẫn phải nhờ giáo viên thu hộ. “Hiện nay, chỉ có các khoản học phí và một số khoản khác là có phiếu thu, hóa đơn. Còn lại là rất nhiều khoản các trường không có chứng từ giao cho phụ huynh. Việc làm này chỉ giảm áp lực cho giáo viên, chứ không làm giảm đi tình trạng lạm thu tiền trường. Bởi khoản lạm thu được thực hiện theo nhiều hình thức khác như xã hội hóa chẳng hạn. Cần minh bạch hóa các khoản tiền trường để phụ huynh nắm bắt, đồng thời cũng không nên đưa công tác tài chính thu tiền khoản nào đó làm thành tích đánh giá thi đua với nhà trường, giáo viên”, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Trên thực tế, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, quy định không giao giáo viên thu tiền là cần thiết, đó không phải là chuyên môn cũng không phải trách nhiệm của người thầy. Đừng để người thầy vừa đứng lớp giảng đạo đức, sau đó phải “canh” phụ huynh, học sinh để đòi tiền. Tại nhiều quốc gia giáo dục phát triển, phụ huynh thực hiện công tác tài chính tới các bộ phận chuyên trách, thậm chí có nhiều hình thức thanh toán như chuyển khoản… Tại Việt Nam, nhiều trường quốc tế, trường tư thục cũng đã thực hiện phòng chuyên trách tài chính, nhận chuyển khoản.

Để phòng chống lạm thu trong năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Đặc biệt là xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện theo đúng quy định và ủng hộ nhưng không bị “lợi dụng” để thu các khoản thu trái quy định.

Hà Nội: Nhiều Hiệu trưởng bị kỷ luật vì thu tiền trường sai quy định

Kết quả kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, gần 20 trường học vi phạm thu - chi tiền trường đầu năm học 2017-2018....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN