Sửa tuổi để chậm về hưu

Hàng loạt giáo viên mầm non sắp đến tuổi hưu ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên được sự “giúp đỡ” tích cực của nhiều cơ quan chức năng đã sửa tuổi để kéo dài năm công tác, hưởng các chế độ.

Ngày 6/6, ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết vừa có văn bản đề nghị Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện này kiểm tra lại tính phù hợp của quá trình học, công tác đối với toàn bộ giáo viên đã sửa tuổi và báo cáo huyện trước ngày 15/6. Những trường hợp nào không phù hợp, UBND huyện sẽ đề nghị sở nội vụ tỉnh buộc thôi việc.

Làm giáo viên khi… 14 tuổi!

Theo ông Nguyễn Tài, UBND huyện Đông Hòa đã tiếp nhận hồ sơ 6 giáo viên mầm non công lập đã làm lại toàn bộ giấy tờ tùy thân, văn bằng để “trẻ” lại từ 2 đến 4 tuổi. Ngoài ra còn có 6-7 giáo viên khác đã sửa tuổi nhưng chưa gửi hồ sơ về huyện vì... còn ngại!

Theo Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, hầu hết số giáo viên này đều sắp về hưu nên sửa tuổi nhằm kéo dài thời gian giảng dạy để hưởng lương cùng các chế độ khác như BHXH, phụ cấp thâm niên. Nhiều trường hợp khi đã sửa tuổi tréo ngoe với thực tế nhưng vẫn được các cơ quan chức năng đồng ý và được Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa chấp nhận để trình UBND huyện.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Hưởng, giáo viên Trường Mầm non Hòa Tân Đông, được sửa năm sinh từ 1958 thành 1962. Theo hồ sơ lý lịch, bà Hưởng khai bắt đầu giảng dạy mẫu giáo ở xã Hòa Tân Đông vào năm 1976, tức khi làm giáo viên, bà Hưởng chỉ mới… 14 tuổi. Bà Hưởng còn thừa nhận khi sửa tuổi, bà bỗng dưng nhỏ hơn 2 tuổi so với em gái mình. “Trước giải phóng, khai sinh lung tung. Còn việc tôi bắt đầu giảng dạy vào năm 1976 là vì lúc đó không quy định tuổi tác như bây giờ (?!)” - bà Hưởng phân trần.

Sửa tuổi để chậm về hưu - 1

Một lớp học ở Trường Mầm non Hòa Thành (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên)
nơi có 2 cô giáo sửa tuổi

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Làm gì có chuyện mới 14 tuổi mà đã được đi dạy. Vào năm 1976 hay bây giờ cũng vậy, không có trường hợp nào đặc cách dưới 18 tuổi được đi dạy cả”.

Trong số những giáo viên sửa tuổi, nhiều trường hợp vì thấy phi lý nên hiệu trưởng không đồng ý ký xác nhận nhưng khi họ mang hồ sơ lên Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa thì lại được dễ dàng cho qua. Ông Nguyễn Chánh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, cho biết việc xác nhận vào hồ sơ sửa tuổi của giáo viên trước đây đều do ông Trịnh Văn Chánh (hiện là Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Hòa - PV) thực hiện.
“Tôi nghĩ trước đây anh em Phòng GD-ĐT cũng muốn tạo điều kiện cho các giáo viên. Nhưng phi lý như thế này thì không thể chấp nhận được” - ông Nguyễn Tài nói.

Sai có hệ thống?

Theo ông Tài, trước những bất hợp lý trên, vào tháng 3/2013, UBND huyện Đông Hòa có văn bản yêu cầu các giáo viên nói trên cung cấp đầy đủ văn bằng có năm sinh đúng với năm sinh sau khi đã sửa tuổi, đồng thời có văn bản nêu rõ sự không phù hợp đối với giấy khai sinh được cán bộ tư pháp các xã cấp lại cho các giáo viên, đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên cho ý kiến. Thế nhưng, ông không khỏi bất ngờ khi chỉ trong 2 tháng, các giáo viên đã cung cấp đầy đủ văn bằng có năm sinh đúng giấy khai sinh đã sửa tuổi! Bất ngờ hơn khi công văn phúc đáp của Sở Tư pháp cho rằng việc cấp lại giấy khai sinh cho các giáo viên này là đúng (!?).

“Chúng tôi sẽ có công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp về những trường hợp cấp lại giấy khai sinh bất hợp lý ở huyện Đông Hòa.”

Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Tư pháp
tỉnh Phú Yên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, BHXH tỉnh Phú Yên không đồng ý sửa lại năm sinh trong sổ BHXH của những giáo viên sửa tuổi vì phát hiện nhiều bất hợp lý. Nhưng chỉ sau 2 tháng, không hiểu vì lý do gì, cũng chính cơ quan này  sửa năm sinh cho các giáo viên nói trên. Ông Hồ Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên, cho biết người phụ trách hiện đang đi công tác xa nên chưa thể trả lời.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho rằng để sửa năm sinh trong các bằng tốt nghiệp THPT của các giáo viên này, đòi hỏi phải có quyết định công nhận việc sửa tuổi của UBND huyện Đông Hòa. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tài, huyện chưa hề có quyết định nào công nhận việc này.

Còn ông Trần Văn Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, cho rằng vì giấy khai sinh, BHXH rồi bằng tốt nghiệp THPT của các giáo viên này đều đã sửa lại năm sinh nên buộc trường cũng phải sửa bằng tốt nghiệp trung học sư phạm, còn chuyện bất hợp lý hay không thì ông không rõ.

Mất đoàn kết vì sửa tuổi

Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Tân Đông, cho biết khi bà Nguyễn Thị Hưởng sửa lại tuổi trong hồ sơ lý lịch và yêu cầu xác nhận, bà không đồng ý vì thấy nhiều bất hợp lý nhưng cuối cùng hồ sơ vẫn được Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa xác nhận. Kể từ đó, bà và bà Hưởng “cơm không lành, canh không ngọt” dù trước đây là bạn thân. “Không những thế, một số giáo viên định sửa tuổi nhưng tôi không đồng ý đã đâm ra phân bì, chỉ trích làm cho trường càng mất đoàn kết hơn” - bà Mai nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN