Sĩ tử "nghẹt thở" với đề Toán thi đại học

Đề toán khối B khó. Đó là tâm trạng của nhiều thí sinh khi rời khỏi phòng thi sáng nay (9/7). Một số thí sinh cho biết, khó nhất là ba câu cuối, nhiều người đành bỏ trống.

Nhận định của nhiều thí sinh cho biết, đề thi môn Toán, khối B khó hơn so với mọi năm. Trong đề thi, có 3 câu hỏi cuối “hóc búa” khiến nhiều thí sinh làm sai, hoặc bỏ trống.

Sĩ tử "nghẹt thở" với đề Toán thi đại học - 1

Thí sinh dự thi môn Toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội

Sáng nay (9/7), các thí sinh dự thi đại học khối B đã bước vào môn thi thứ nhất. Ghi nhận của phóng viên tại một số điểm thi ở Hà Nội, nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng buồn, lo âu. Thí sinh cho rằng đề thi môn Toán khó hơn so với đề thi môn Toán khối A vừa thi xong.

Thí sinh Nguyễn Thị Thảo (Nam Định, dự thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) chia sẻ: “Em thấy đề thi môn Toán năm nay khó hơn đề Toán năm ngoái. Câu 8 và câu 9 là câu khó nhất, em không làm được. Em chỉ làm được 60%  phần bài làm”.

Bước ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài, thí sinh Đỗ Thị Kim Oanh (dự thi khoa Tâm lý, trường ĐH KHXH&NV) cũng cho rằng đề Toán khó: “Câu hỏi về lượng giác cơ bản nên em làm khá nhanh. Em bỏ mất ba câu hỏi khó trong đề thi, một số câu khác em làm không được chắc chắn lắm. Hiện giờ em khá lo lắng”.

Sĩ tử "nghẹt thở" với đề Toán thi đại học - 2

Đề thi môn Toán khối B

Vui vẻ bước ra khỏi phòng thi, thí sinh Tống Duy Minh (dự thi Khoa Công nghệ sinh học trường ĐH Khoa học Tự nhiên) chia sẻ: “Em làm được khoảng 80% đề thi. Tuy nhiên em thấy đề thi năm nay khó hơn năm ngoái, ở ba câu cuối rất là khó, em nghĩ đấy là những câu hỏi nhằm phân loại học sinh khá, giỏi”.

Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh cũng nhận định đề Toán khó. Thí sinh Dương Mạnh Đạt (Hà Nội, dự thi khoa Sư phạm Sinh học) cho hay, môn Toán Đạt làm bài khá chật vật. Đến cuối giờ thi, Đạt vẫn chưa hoàn thiện xong phần bài làm của mình.

“Câu hỏi về khảo sát đồ thị hàm số, phương trình lượng giác em làm rất nhanh. Em gặp khó ở câu 8, đề bài cho dữ liệu và yêu cầu thí sinh giải hệ phương trình. Câu hỏi này em loay hoay mất 15 phút mà vẫn chưa tìm ra công thức áp dụng để làm bài thi. Em dự kiến mình chỉ được 7 điểm môn Toán”.

Theo Đạt, đề thi môn Toán năm nay có câu hỏi 8, 9 rất “hóc búa” nên nhiều thí sinh làm sai, hoặc bỏ trống.

Cũng dự thi tại hội đồng thi này, Trần Quang Hà, quê ở Thường Tín, Hà Nội dự thi khối B cho biết, nội dung đề Toán ra rõ ràng và phân loại thí sinh nhiều. Năm nay, đề thi không có câu hỏi để thí sinh lựa chọn cơ bản hay nâng cao nên những thí sinh có học lực yếu gặp khó khăn.

“Câu hỏi số 9, đề thi cho dữ liệu và yêu cầu thí sinh tìm giá trị lớn nhất của biểu thức. Câu hỏi này, lúc đọc lướt qua đề bài em cứ nghĩ là cơ bản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó. Em mất nửa tiếng mới làm xong, nhưng cũng chưa dám chắc là đúng. Với đề thi này em dự tính mình được khoảng 7 điểm”, Hà nói.

Sĩ tử "nghẹt thở" với đề Toán thi đại học - 3

Thí sinh kết thúc môn Toán khối B, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Tại TPHCM, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi môn Toán của hai khối B, D có cấu trúc khá giống với đề thi khối A, A1. Trong đó có những câu hỏi dễ, phù hợp với thí sinh có học lực trung bình khá, và những câu khó để phân loại thí sinh.

Thí sinh Đoàn Thị Thủy, dự thi khối D6 khoa Nhật Bản học trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết: “Đề thi lần này khá giống với đề khối A, A1 nên em cũng không quá bất ngờ. 5 câu hỏi đầu tiên khá dễ, em chỉ mất gần 1 tiếng để hoàn thành, nhưng những câu sau thì khá khó, lại không nằm trong nội dung kiến thức mà em ôn tập nên em không làm được, đành phải bỏ dở”.

Tương tự, Nguyễn Thị Hải Yến, dự thi khối B ngành Tâm lý học cũng cho biết: “Đề năm nay khó hơn năm ngoái, cấu trúc đề cũng mới nhưng không lạ vì bọn em đã xem qua đề thi của khối A và A1. Phòng thi của em khá nhiều bạn cũng ra sớm, nhưng chủ yếu là do không làm được mấy câu cuối cùng về giải hệ phương trình và tìm giá trị lớn nhất”.

Đề toán khối B cần lời giải phức tạp

Theo đánh giá của thầy Phạm Quốc Vượng - Giáo viên chuyên luyện thi tại Hà Nội, đề thi môn toán đại học khối B và khối D về phần cấu trúc kiến thức trên đề thi vẫn tương tự đề thi khối A, A1: kiến thức là cơ bản bám sát chương trình đã được học, kiến thức trên đề thi yêu cầu thí sinh phải có tư duy tổng hợp. Đây là các câu hỏi dùng để phân loại học sinh rơi vào các phần: hình học phẳng, hệ phương trình, bất phương trình vô tỷ, bài toán min-max.

Theo thầy Vượng,  mức độ khó, dễ của đề toán khối B cũng tương đương với đề thi khối A, A1. Tuy nhiên với đề thi toán khối B, một số câu hỏi dùng đề phân loại học sinh như câu 7 (hình học phẳng), câu 8 (hệ phương trình) để tìm ra lời giải còn phải biến đổi phức tạp hơn đề thi khối A, A1.

So với đề thi khối A, A1 và khối B, đề toán khối D được đánh giá là dễ hơn, kiến thức cơ bản chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (chỉ có ý b câu 4 nằm trong chương trình lớp 11) không có phương trình lượng giác mà đã được thay bằng phương trình logarit. Đây là điểm rất thuận lợi đối với học sinh khối D. Các câu 7, câu 8, câu 9 dùng để phân loại học sinh yêu cầu thí sinh phải có tư duy tổng hợp mới có thể làm được.

“Theo đánh giá của tôi, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm được 6-7 điểm. Để làm được 8-9 điểm không dễ, học sinh phải có kiến thức và tư duy kiến thức tổng hợp thật tốt”, thầy Vượng nói.

Hồng Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức – Hồng Anh - Thiện An ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN