Phụ huynh, thí sinh thấp thỏm với công thức quy đổi điểm xét đại học
Đạt 760/1200 điểm đánh giá năng lực, Hồng Minh thấp thỏm bởi mỗi trường lại có công thức quy đổi điểm riêng về thang 30, nên mức này của em không biết sẽ bằng bao nhiêu.
Minh, học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP HCM, dự định dùng điểm thi đánh giá năng lực để đăng ký vào trường Đại học Nông lâm TP HCM. Nam sinh chưa chốt ngành, song nghiêng về hai nhóm Khoa học sự sống, Công nghệ thực phẩm. Năm ngoái, điểm chuẩn đánh giá năng lực của hai nhóm này khoảng 710-750.
"So với năm ngoái, em đáng ra có thể an tâm và bớt áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp, nhưng đến giờ mọi thứ vẫn mù mờ", Minh nói.
Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm xét tuyển của các kỳ thi, phương thức phải được quy đổi về một thang chung. Hầu hết trường chọn thang 30. Dựa trên hướng dẫn và dữ liệu Bộ cung cấp, các trường xây dựng công thức quy đổi.
Điều này có nghĩa điểm 760 của Minh sẽ được quy đổi về thang 30, nhưng cụ thể bằng bao nhiêu thì tùy trường. Tới cuối tháng 5, trường Đại học Nông lâm TP HCM chưa công bố công thức.
Minh tìm thử công thức của một vài trường khác và dành một buổi để đọc hướng dẫn của Bộ, nhưng vẫn rối.
"Em rất mông lung, không biết mình đang ở nhóm nào, mức nào", Minh nói.
Hôm 19/5, Bộ ra hướng dẫn ba loại khung quy đổi điểm tương đương mà các trường đại học phải thực hiện, gồm: quy đổi giữa các loại điểm thi (như thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy), giữa các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp, quy đổi điểm trúng tuyển từ học bạ.
Trong số này, nhóm 1 được quan tâm hơn cả. Kỳ thi tốt nghiệp có hơn một triệu thí sinh, trong khi các kỳ thi riêng thu hút vài chục nghìn đến hơn 100.000 lượt. Khung của Bộ dựa trên phương pháp bách phân vị, tức căn cứ vào phổ điểm của các kỳ thi để xác định điểm ở cùng phân vị, từ đó quy đổi.
Thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhiều phụ huynh cũng thấy bối rối. Chị Thanh Vân, ở Hà Nội, nói không rõ mục đích quy đổi cũng như cách tính. Hơn nữa, việc các trường đưa ra công thức quy đổi điểm sau kỳ thi tốt nghiệp là "quá trễ".
Con chị Vân đã thi đánh giá năng lực, điểm được đánh giá ở mức khả quan để trúng tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân so với mọi năm. Theo chị, con và hầu hết bạn bè đã chọn kỳ thi, phương thức để tập trung ôn luyện từ 1-2 năm trước. Có những em dồn sức cho đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; có em thi chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp xét học bạ, nhằm giảm áp lực thi tốt nghiệp.
"Nhưng thay đổi của Bộ có thể khiến học sinh mất lợi thế, gặp nhiều áp lực hơn", chị nhìn nhận. "Chưa kể, mỗi trường lại có một công thức quy đổi, khiến học sinh rủi ro khi xếp thứ tự nguyện vọng".
2025 là năm đầu tiên Bộ yêu cầu quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, lý do là những năm trước, các trường phân chia chỉ tiêu theo từng phương thức, dẫn đến nhiều mức điểm chuẩn, mà cách này không có căn cứ khoa học.
Khảo sát của VnExpress hôm 19/5 với hơn 3.000 độc giả, khoảng 86% nói "không hiểu" hướng dẫn quy đổi điểm của Bộ. Trong một khảo sát cuối tháng 3, 85% trong gần 3.800 người cho rằng cách quy đổi điểm xét đại học quá phức tạp, không cần thiết và nên có cách đơn giản hơn.
Tâm trạng lo lắng, hoang mang của thí sinh và phụ huynh là điều dễ hiểu, theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM.
Ông Chính nhìn nhận quy đổi điểm các kỳ thi về chung một thang điểm là rất khó, kể cả với nguyên tắc bách phân vị như Bộ gợi ý. Lý do là nhóm thí sinh, độ khó của mỗi kỳ thi là khác nhau.
Ông dẫn chứng, khoảng 70% câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT nằm ở mức nhận biết, thông hiểu. Trong khi đó, các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tập trung kiểm tra năng lực vận dụng cao, tư duy logic. Vì vậy, nếu lấy cơ học top 5% của thi tốt nghiệp bằng 5% thi tốt nghiệp cũng "khiên cưỡng, không khoa học".
Hơn nữa, thời điểm công bố công thức sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thí sinh, theo đánh giá của thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Thương mại, khi trả lời VnEpxress hồi cuối tháng 3
"Nếu không biết sớm công thức quy đổi, thí sinh có thể lúng túng trong việc chọn ra phương thức chính, phải tập trung nhiều nguồn lực và công sức hơn", ông Trung nhận định.
Trưởng phòng đào tạo một trường đại học phía Nam chia sẻ với tâm trạng của thí sinh và người nhà, song ông cho rằng "phần khó" trong thay đổi lần này thuộc về các trường nhiều hơn.
Đa số trường đang xây dựng công thức quy đổi, dựa vào nhiều dữ liệu, như điểm thi đầu vào những năm trước và điểm học tập của nhóm này sau khi trúng tuyển. Dù phải đáp ứng đồng thời nhiều yêu cầu, các trường cho biết sẽ nghiên cứu để có một công thức quy đổi phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh nhiều nhất có thể.
"Thí sinh có thể tạm thời không cần quan tâm đến công thức này, dồn sức ôn tập để có kết quả thi tốt. Kết quả thi tốt thì quy đổi như thế nào các em đều có lợi thế", ông nói.
Để thuận tiện cho thí sinh, nhiều trường như Thương mại, Ngoại thương đã công bố công thức dự kiến, hoặc cách quy đổi của một vài phương thức liên quan điểm thi riêng, chứng chỉ. Đại học Bách khoa Hà Nội còn xây dựng công cụ để các em tra cứu, quy đổi điểm trực tuyến, tạm thời sử dụng dữ liệu điểm thi năm 2024.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn cách một tháng, Hồng Minh tự động viên bản thân "thôi khó người khó ta".
"Thi có điểm tốt, em sẽ tăng được khả năng trúng tuyển", Minh nói.
Những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh cộng với “thập diện mai phục” thông tin trên mạng xã hội khiến thí sinh rơi vào mê hồn trận. Để có thông tin...
Nguồn: [Link nguồn]
-26/05/2025 15:48 PM (GMT+7)