Phổ điểm thi đại học khối A sẽ đẹp?

Sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ Bùi Văn Ga đã có trao đổi với báo chí về một số sự cố xảy ra ở đợt 1 và những lưu ý cho đợt thi thứ 2 ngày 9 và 10/7 tới đây.

Lộ đề là tin đồn

- Đợt 1 thi ĐH kết thúc với nhận định an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý thông tin lộ đề thi môn Toán. Kết luận cuối cùng là như nào thưa Thứ trưởng?

Bộ đã yêu cầu cơ quan an ninh A83 điều tra làm rõ nguyên nhân từ đâu để xảy ra chuyện đó và đưa kết luận: đó là tin đồn thất thiệt, được tung lên mạng sau khi thí sinh đã ra ngoài. Bài giải bán ở cổng trường trước những điểm thi là bài giải giả của những năm trước. Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã yêu cầu an ninh phối hợp với địa phương để ngăn chặn những hành vi tung tin thất thiệt làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý thi của thí sinh.

- Thí sinh được phép ra ngoài khi hết 2/3 thời gian làm bài. Nhiều thí sinh mang cả đề thi ra thì có bị coi là làm sai quy chế và hướng xử lý của Bộ GD-ĐT?

Từ nay đến 2015 thi tuyển sinh vẫn theo phương án 3 chung và có những thay đổi cho phù hợp.

Sau 2015 sẽ nghiên cứu thi nhiều môn để các trường tổng hợp trên cơ sở đó để tuyển chọn phù hợp.

Quy định của Quy chế là hết 2/3 thời gian làm bài thì thí sinh được phép ra ngoài. Về nguyên tắc thì giám thị phòng thi phải thu lại đề thi của thí sinh, nhưng có thí sinh chép đề vào giấy nháp mang ra thì giám thị không biết được. Do đó ngăn chặn tuyệt đối cũng khó, nhưng để lọt ra ngoài thì ảnh hưởng đến việc bảo mật đề. Từ sự cố tung tin thất thiệt - Bộ đã có chỉ đạo thu tất cả đề thi của thí sinh ra trước thời gian quy định đối với môn thi tự luận. Còn đối với môn thi trắc nghiệm thì không vấn đề gì vì hết thời gian làm bài thí sinh mới được ra ngoài.

- Đợt 2 có nhiều môn thi xã hội nên dự báo sẽ có tiêu cực. Từ kinh nghiệm tổ chức thi đợt 1 - Bộ có chỉ đạo, lưu ý gì cho đợt thi tới?

Rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức làm nhiệm vụ thi - khi thí sinh ra ngoài thì giám thị phải thu lại đề. Đợt 2 có nhiều môn thí sinh phải học thuộc - thí sinh rất dễ mang tài liệu vào phòng thi nên các điểm thi phải hết sức chú ý giám sát những vật dụng thí sinh mang vào.

Trong đợt 1 số lượng thí sinh bị đình chỉ nhiều do mang điện thoại di động - dù không cố ý nhưng lo để ngoài sợ mất - nhưng dù sử dụng hay không sử dụng đều bị đình chỉ thi. Do đó, đợt 2 Ban chỉ đạo thi quán triệt các điểm thi nhắc nhở thí sinh trước khi vào phòng thi phải để điện thoại ở ngoài để không bị đình chỉ oan.

Phổ điểm khối A sẽ đẹp?

- Trước những đổi mới cải tiến tuyển sinh của Bộ như: thí sinh được xét tuyển nhiều lần, được thay đổi nguyện vọng....đã đặt các trường vào tình thế lo ảo càng tăng trong mùa thi năm nay. Bộ nghĩ sao về lo lắng này?

Các trường đến lúc cũng phải chấp nhận để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Tất cả sự thay đổi của Bộ trong việc điều chỉnh Quy chế tuyển sinh như: cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, kéo dài thời gian tuyển sinh...là đảm bảo cho thí sinh có tổng điểm thi cao hơn điểm sàn quy định của Bộ có thể lựa chọn nơi học các em yêu thích.

Còn nếu chúng ta làm cứng nhắc - ví như khống chế tỷ lệ ảo, xét tuyển cứng nhắc...đều xử lí được nhưng về quyền lợi của thí sinh lại không được tạo điều kiện.

Phổ điểm thi đại học khối A sẽ đẹp? - 1

Tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội sáng 5/7 (Ảnh: Vĩnh Thịnh)

Quan điểm của Bộ là dù cơ sở khó khăn, Bộ GD-ĐT khó khăn nhưng quyền lợi của thí sinh phải được nâng lên và tạo điều kiện tối đa.

Quy định này khắc phục tình trạng những năm trước các em có kết quả thi cao hơn điểm sàn rất nhiều nhưng không đậu ĐH. Mặt khác, những trường trước đây không tuyển được thí sinh thì năm nay có cơ hội tuyển đủ và thêm cơ hội cho thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn chọn được một chỗ học phù hợp.

- Một số ý kiến mong muốn, điểm sàn năm nay phải vượt ngưỡng 13 - ít nhất là 15 để không bị đánh giá là chất lượng thấp. Trong chỉ đạo ra đề thi ĐH năm nay Bộ có lưu ý?

Bộ đã quán triệt Ban ra đề thi ĐH năm nay làm sao ra đề phù hợp với trình độ của thí sinh. Nghĩa là thí sinh trung bình cũng có thể làm được chứ không thể bỏ giấy trắng - đây là điều được nhấn mạnh trong ra đề năm nay. Theo đánh giá về đề thi năm nay các chuyên gia nhận xét có tính phân loại, có câu dễ, câu trung bình - khó và rất khó.

Những câu rất khó dành cho những học sinh giỏi và những em đoạt giải olympic quốc gia, quốc tế. có thể được 10 điểm.

Những em bình thường có thể làm được một số câu. Em học lực khá có thể làm được 7-8 điểm.

Hy vọng với chỉ đạo như vậy thì mấy môn thi đợt 1 sẽ có phổ điểm như mong muốn. Khi có phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi, các trường cũng có nhiều lựa chọn.

Với khối thi A1, Bộ cũng đã chỉ đạo Ban ra đề năm nay phải hết sức thận trọng ở độ khó cũng như cách thức ra đề làm sao để các thí sinh không phải chuyên ngữ cũng có thể làm được.

Giám thị chỉ cần báo cáo

- Nhiều Hội đồng thi phản ánh việc bổ sung Quy chế sửa đổi của Bộ GD-ĐT quá gần với thời gian thi đã khiến hầu hết các điểm thi trở tay không kịp. Thứ trưởng đã nhận những phản ánh này và có chỉ đạo thế nào?

Thông tư sửa đổi quy chế Bộ cũng đã làm từ lâu chứ không phải tới lúc thi mới làm. Việc sửa đổi gần cuối chỉ liên quan đến giám thị, đến những người làm công tác coi thi chứ không dính đến thí sinh.

Những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi cũng đã khẳng định ở điểm c, điều 25 của Quy chế.

Điểm mới bổ sung để xử lý trong trường hợp mà thí sinh mang những thiết bị đó vào. Trước đây thí sinh mang những thiết bị đó vào ngay lập tức bị đình chỉ thi thì bây giờ Quy chế mới là phải xem xét xem mục đích mang vào làm gì, chức năng của thiết bị đó ra sao và các em sử dụng thông tin đó để làm gì?. Việc này chỉ liên quan đến Hội đồng thi và những người làm công tác giám sát thi để xử lý chứ không liên quan đến thí sinh.

Phổ điểm thi đại học khối A sẽ đẹp? - 2

Đoàn kiểm tra của Bộ tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội sáng 5/7 (Ảnh Vĩnh Thịnh)

- Nhưng các điểm thi cho rằng, quy định đó không phù hợp với thực tế vì giám thị không được tập huấn để nhận biết thiết bị nào phạm quy thiết bị nào không. Do đó, quy định này không có hiệu lực với đa số các hội đồng - Thứ trưởng nhìn nhận thế nào?

Bộ không yêu cầu tất cả giám thị phải có đủ năng lực đánh giá thiết bị thu phát đó có phạm quy hay không mà chỉ yêu cầu giám thị khi phát hiện những thiết bị mà chưa rõ về chức năng của nó thì báo lại Hội đồng tuyển sinh của trường đó. Nếu Hội đồng tuyển sinh của trường đó không xử lý được thì báo cho Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ để xử lý.

- Cảm ơn Thứ trưởng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiều Oanh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN