Những bài tập về nhà đặc biệt cho học sinh dịp Tết 2023 'gây bão' dư luận

Sự kiện: Giáo dục

Bên cạnh những ý kiến xoay quanh việc có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết hay không, nhiều trường đã quyết định không hoặc có các đề bài "độc lạ" để kỳ nghỉ của các em thêm ý nghĩa.

Những ngày qua, 10 bài tập về nhà dịp Tết Nguyên đán của thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) nhận được sự hưởng ứng tích cực từ dư luận và các giáo viên.

Cụ thể, 10 bài tập được thầy Hồ Tuấn Anh giao cho học sinh là:

1. Năm nay được nghỉ Tết 12 ngày, em hãy xây dựng cho mình một kế hoạch hữu ích trong thời gian nghỉ Tết.

2. Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 10 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?

3. Em có cùng bố mẹ dọn dẹp nhà để đón Tết không? Hãy miêu tả một số việc mà em đã tham gia.

4. Em có đi chợ Tết không? Hãy miêu tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết Quý Mão.

5. Ngày Tết em và các bạn đều muốn được người lớn lì xì. Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao?

6. Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?

7. Trong thời gian nghỉ Tết, em tham gia vào những hoạt động nào ở địa phương? Hãy miêu tả một số hoạt động mà em biết.

8. Thời khắc Giao thừa là rất thiêng liêng. Vào thời khắc đó em dành những lời chúc gì cho bố mẹ, ông bà và những người thân yêu?

9. Trong ngày Tết em thích nhất điều gì và ghét nhất điều gì?

10. Theo em làm thế nào để bảo vệ được sức khỏe trong thời gian nghỉ Tết?

Bài tập về nhà dịp Tết của Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An).

Bài tập về nhà dịp Tết của Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An).

Hình ảnh những bài tập Tết đặc biệt này sau khi đăng tải đã thu hút nhiều phản hồi tích cực trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằn bài tập mà thầy Hồ Tuấn Anh giao cho học sinh rất thực tế, gần gũi.

Chia sẻ về bài tập trên, thầy Tuấn Anh cho biết trên Pháp luật TP. HCM, trường luôn cố gắng làm mọi việc để học sinh cảm thấy hạnh phúc và không áp lực khi tới trường. Đặc biệt, làm sao để học sinh có cái tết vui vẻ, ấm áp yêu thương và không phải gánh nặng về bài tập.

Theo thầy Tuấn Anh, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện nay chủ yếu là đánh giá phẩm chất và năng lực của các em. Học sinh học được gì từ sách vở, cuộc sống thông qua những việc làm cụ thể. Từ đó, hình thành các phẩm chất yêu quê hương, dòng họ, kính trọng bố mẹ, ông bà và hiểu biết các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tết cổ truyền là cơ hội để các em rèn luyện phẩm chất trên vì năm nay học sinh được nghỉ khá dài.

10 câu hỏi không chỉ đơn thuần là bài tập cho học sinh mà còn là dịp để cha mẹ đọc và hướng dẫn con hòa mình vào cái Tết của quê hương từ việc đi tảo mộ cho ông bà đã khuất, đi chợ tết, tham gia dọn dẹp nhà cửa. Qua đó, cha mẹ sẽ nắm bắt và uốn nắn học sinh những điều chưa hay.

Thầy Tuấn Anh cùng với học trò của mình. (Ảnh: NVCC)

Thầy Tuấn Anh cùng với học trò của mình. (Ảnh: NVCC)

Cũng giống thầy Tuấn Anh, thầy Trần Văn Hiếu - giáo viên bộ môn Ngữ văn Trường liên cấp QTHSCHOOL Thanh Hóa cũng gây chú ý với đề bài đặc biệt cho học sinh dịp nghỉ Tết.

Thầy Hiếu cho biết, thay vì giao các phiếu soạn bài, phiếu bài tập cho học sinh trong dịp Tết thì thầy sẽ có phiếu giao nhiệm vụ. Chủ yếu là những nhiệm vụ liên quan đến kĩ năng sống, các hoạt động giúp đỡ, chia sẻ công việc dọn dẹp nhà cửa với bố mẹ của các em học sinh.

"Đối tượng học sinh của tôi là các em lớp 6, lớp 7. Chính vì thế, tôi muốn các em có thật nhiều hoạt động và trải nghiệm trong dịp Tết. Các phiếu giao nhiệm vụ của tôi không đòi hỏi nhiều về mặt kiến thức mà chỉ tập trung vào kĩ năng, hành động. Học sinh cần trực tiếp tham gia vào các hoạt động phụ giúp bố mẹ để có thêm các trải nghiệm, khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình", thầy Trần Văn Hiếu chia sẻ.

Phiếu giao nhiệm vụ cho học sinh dịp nghỉ Tết của thầy Hiếu.

Phiếu giao nhiệm vụ cho học sinh dịp nghỉ Tết của thầy Hiếu.

Chia sẻ về việc giao nhiệm vụ Tết, thầy Trần Văn Hiếu cho hay: "Để vừa vận dụng kiến thức của môn học lại vừa có thêm nhiều kỉ niệm ý nghĩa bên gia đình, tôi luôn hướng học sinh tới những bài tập thực tế. Ngoài việc phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa hay tham gia nấu ăn, tôi vẫn có dạng bài kiến thức nhưng nhẹ nhàng hơn. Như ghi lại cảm xúc khi đón năm mới cùng gia đình hay kể lại bữa cơm chiều 30 Tết…"

Thầy Hiếu nói thêm rằng: "Việc các em quên hay thiếu kiến thức sau kì nghỉ Tết thực sự không đáng lo bằng việc các em thiếu trải nghiệm sống và thiếu những kỉ niệm, khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình".

Nguồn: [Link nguồn]

Tranh luận nóng: Có nên giao bài tập về nhà cho học sinh dịp tết?

Tranh luận trên các diễn đàn, nhiều người mong muốn giáo viên không giao bài tập để con được thoải mái vui chơi đón tết, nhưng cũng có không ít người ủng hộ quan điểm phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hải ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN