Nghỉ hè cũng như không!
Vì không thể trông con, nhiều phụ huynh chấp nhận đăng ký để con học đủ các môn năng khiếu cho hết tuần.
Cầm trên tay xấp phiếu đăng ký học năng khiếu cho con tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM, chị Đinh Hương cho biết: “Một tuần sáu ngày, mỗi ngày hai buổi, mình đăng ký cho con học luân phiên hết các môn năng khiếu và văn hóa: bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, tiếng Anh, luyện chữ, khéo tay, tin học. Vì để con ở nhà thì chẳng ai trông, mang vào cơ quan cũng không được. Thôi thì con học được gì thì học, chủ yếu là có chỗ cho con trú ngụ trong những ngày hè”.
Một cán bộ công tác tại Nhà Thiếu nhi quận 1 cho hay: hè nào nhà thiếu nhi này cũng mở hơn 10 môn học với hàng chục lớp nhưng vẫn quá tải. Có người dẫn con đến nhưng không biết đăng ký học gì, chỉ nói là học môn nào mà con ở đây cả ngày là được!
Chạy sô học năng khiếu
Cứ 11 giờ trưa các buổi thứ ba, năm, bảy, chị Hải Lý lại đến Nhà Thiếu nhi quận 1 đón cậu con trai 8 tuổi về nhà ăn cơm sau buổi học tiếng Anh. Đầu giờ chiều, chị lại chở con đến Nhà Thiếu nhi TP học luyện chữ đẹp và võ thuật. Chị cho hay, do bạn chị dạy tiếng Anh ở quận 1 nên chị phải đăng ký cho bé học ở hai nơi khác nhau. Riêng các buổi chiều hai, tư, sáu, chị mua sẵn nhiều vở tập viết cho con và thuê sinh viên kèm luyện chữ tại nhà. Theo chị, thà tốn thêm tiền để cho con đi học còn hơn phải xin nghỉ việc chỉ để trông giữ con.
Nhiều phụ huynh đăng ký để con học đủ các môn năng khiếu cho hết tuần
Nhà Thiếu nhi TP (quận 3) là trung tâm của các hoạt động hè. Năm nay, đơn vị này mở hàng trăm lớp năng khiếu và các môn văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phụ huynh nhiều quận/huyện. Chị Trinh cầm trên tay hai hộp sữa chờ hai trẻ tan học, cho biết nhà chủ có hai con nhỏ nên chị được thuê làm việc trong ba tháng chỉ để đưa đón các bé đi học hè và lo các bữa ăn phụ cho chúng. Cậu con trai lớn 10 tuổi được đăng ký học tin học, võ tại đây và học bơi tại Hồ bơi Kỳ Đồng. Riêng bé gái bảy tuổi chỉ học đàn và thanh nhạc tại đây và nhà văn hóa quận 10. “Mỗi lần đón chúng từ nơi này sang nơi khác học, hai đứa đều đòi chở đi công viên chứ không muốn đi học. Thấy mấy đứa nhỏ suốt ngày hứng nắng ngoài đường để đi học mà thương, đến người lớn đưa đón còn chóng hết cả mặt nói gì trẻ con” - chị Trinh nói.
Em H.T.M, 12 tuổi, học Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) đang học môn cờ vua tại Nhà Thiếu nhi TP cũng than thở: Khi ở tiểu học, năm nào em cũng đến nhà thiếu nhi học, lên cấp hai cũng đi nhà thiếu nhi, em sắp thành “thiên tài” vì môn học gì cũng biết. Giờ mọi ngõ ngách của nhà thiếu nhi em còn thuộc hơn nhà mình. Mỗi lần em nói là không đi học đâu, mẹ lại quát lên rằng: “Tao đưa đón được thì mày phải học được” nên không biết làm sao.
Chạy nước rút học trước chương trình
Ngay khi vừa kết thúc năm học, em Bùi Như Q (vừa học xong lớp 5 Trường Tiểu học Bành Văn Trân, quận Tân Bình) đã lên Facebook than thở với bạn bè về lịch học ngộp thở cho kỳ nghỉ hè. Q kể, vì chuẩn bị lên lớp 6 nên hè năm nay em không được về quê ngoại ở Tây Ninh chơi nữa. Trước lễ tổng kết năm học một tuần, ba mẹ em đã đăng ký cho em học tại ba nơi với hai môn Toán và Tiếng Việt của lớp 5 và lớp 6 để được nhận vào Trường THCS Nguyễn Gia Thiều. Trong tháng 6, em học với gia sư và học tại nhà của một giáo viên. Đến tháng 7, em sẽ đến Trường THCS Nguyễn Gia Thiều học thử một tháng. Nếu học tốt, em sẽ được nhận vào lớp.
Cứ khoảng 16 giờ chiều các ngày thứ hai, tư, sáu, một số phụ huynh có con mới chỉ học lớp 3, lớp 4 đưa con đến một cơ sở ôn thi trên đường Ngô Gia Tự (quận 10) để con nắm được nội dung, hình thức và làm quen các dạng thi vào… lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Một phụ huynh có con đang học lớp 4 cho hay: “Thấy mấy bài kiểm tra thử bé làm tốt nên đăng ký cho bé ôn thêm bên ngoài cho chắc. Cả năm nghỉ đến hơn hai tháng hè mà chỉ quanh quẩn vài trò chơi ở trường hay công viên thì phí quá, cũng không bổ ích gì. Thà cho con đi học chỗ này, ôn chỗ kia vẫn tốt hơn chứ!” - phụ huynh này hồ hởi.
Trẻ dễ bị rối loạn lo âu khi vào năm học Hè là thời gian để con trẻ nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học. Trẻ rất cần nạp năng lượng chuẩn bị cho năm học mới và có thời gian nghỉ nhiều kỷ niệm bằng cách như vui chơi cùng gia đình, về quê thăm họ hàng, tham gia khóa học kỹ năng để thay đổi môi trường. Phụ huynh nên trao đổi với con chọn cách nghỉ hè thế nào, chọn học môn năng khiếu gì và ưu tiên những gì trẻ thích để thời gian của trẻ không bị dư thừa và trẻ sẽ có tâm lý thoải mái. Nhiều phụ huynh chọn cho con đi học nhiều chỉ để “giết” thời gian rảnh của trẻ chứ không phải cho trẻ học tốt. Phụ huynh không nên kỳ vọng con phát triển toàn diện bằng cách cho con học nhiều môn năng khiếu. Năng khiếu phải xuất phát từ khả năng của trẻ, cho trẻ học nhiều dù là các môn trẻ thích thì trẻ vẫn sẽ bị rối. Từ đó, kiến thức bị dư thừa dẫn đến những tác động tâm lý ngược lại như mất ngủ, sợ đi học, rối loạn lo âu, trầm cảm… vì không đáp ứng được mong muốn của ba mẹ. Kết quả là trẻ không phát triển toàn diện mà năng khiếu nhỏ cũng khó phát triển được, đến khi bước vào năm học trẻ cũng sẽ bị ức chế, khó tiếp thu bài, nhờn việc học. Bà Võ Thị Minh Huệ - Luật gia, |