Ngày cuối đăng ký dự thi có nghẽn mạng?

Sau hơn 2 tuần đăng ký dự thi, hiện tượng “lạ” là thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 1/3 thí sinh đăng ký dự thi.

“Xu hướng đăng ký dự thi, xét tuyển 2017” là chủ đề của talk show thứ 3 trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2017” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 12-4 với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Sun Group. Nhiều thông tin nóng về việc đăng ký dự thi, xét tuyển năm nay đã được các chuyên gia: TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, thành viên Ban Chỉ đạo Thi THPT quốc gia 2017; ThS Nguyễn Công Kỳ, đại diện Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại TP HCM và bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) chia sẻ, nhận định.

Thí sinh đang chuộng bài thi khoa học xã hội

Theo đại diện Cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP HCM, tính đến ngày 11-4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi đã nhập vào phần mềm của bộ là hơn 218.200. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ khoảng 166.000 (chiếm 76%), thí sinh tự do là gần 14.000 (chiếm 6,4%).

ThS Nguyễn Công Kỳ cho biết đến nay, tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi đã đạt 25% so với dự kiến tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2017. Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, đa số thí sinh chọn 3-4 nguyện vọng.

Đáng chú ý, về xu hướng chọn bài thi, ngoài các môn bắt buộc như toán, văn và ngoại ngữ, tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) đang “yếu thế” hơn. Cụ thể, số thí sinh chọn tổ hợp này chiếm khoảng 42%, trong khi tỉ lệ chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) lên đến 48%. Riêng thí sinh đăng ký cả 2 bài thi chỉ chiếm 8,37%. Ông Kỳ cho rằng đây chỉ mới là con số nhập liệu hơn 10 ngày qua nên chưa nói lên được điều gì. Trong vài ngày tới, nhiều khả năng số thí sinh chọn bài thi KHTN sẽ tăng lên.

Ngày cuối đăng ký dự thi có nghẽn mạng? - 1

Các chuyên gia khách mời trao đổi tại talk show Ảnh: Hoàng Triều

TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng hiện chưa thể đưa ra kết luận, đánh giá về việc thí sinh chọn bài thi do chỉ trải qua hơn nửa thời hạn nộp hồ sơ. Theo ông, tuần đầu tiên chỉ là thời gian “khởi động” với 5% thí sinh đăng ký, từ nay đến ngày 15-4 sẽ là thời gian “tăng tốc” và từ ngày 15 đến 20-4 là thời gian “về đích” với số hồ sơ dự báo tăng lên rất nhiều.

Về sự khác biệt trong xu hướng chọn bài thi cho đến nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa lý giải nguyên nhân chính là do thí sinh thi theo bài thi chứ không phải môn như các năm. Ngoài ra, các năm trước, thí sinh ở các thành phố lớn hay chọn bài thi KHTN, trong khi thí sinh vùng nông thôn có xu hướng chọn bài thi KHXH. Trong khi đó, thí sinh ở 2 TP lớn là TP HCM và Hà Nội chưa nộp hồ sơ nhiều (chỉ khoảng 15%).

Cân nhắc kỹ khi chọn 2 bài thi

“Điều chúng tôi có thể dự đoán được là cuối cùng, bài thi KHTN sẽ được thí sinh chọn nhiều hơn KHXH do chỉ tiêu các ngành tuyển sinh của những trường ĐH, CĐ dành cho các tổ hợp bài thi thuộc khối KHTN khá nhiều” - TS Nguyễn Đức Nghĩa nhận định.

Ông Nghĩa khuyên thí sinh đã đăng ký cả 2 bài thi thì phải dự thi đầy đủ dù bài làm bị điểm thấp hay điểm liệt. “Chúng ta phải cân nhắc khi chọn 2 bài thi. Tuy thí sinh có thể thi 2 bài để tăng cơ hội xét tuyển nhưng nên nhớ theo quy định, cuối cùng thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng. Thí sinh cần điểm cao để trúng tuyển trường mình yêu thích chứ không phải cần nhiều môn thi để xét tuyển nhiều nguyện vọng” - TS lưu ý.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, trường đã tiến hành khảo sát học sinh khối 12. Kết quả, chỉ 47/615 học sinh toàn khối chọn bài thi tổ hợp KHXH. Khi quy chế thi chính thức ban hành, trường tiến hành khảo sát tiếp thì có 58 em chọn bài thi tổ hợp KHXH.

Cô Vũ Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, nhìn nhận đây không phải là điều quá bất ngờ vì mọi năm, trường chỉ có khoảng 10% học sinh chọn các môn xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia. “Trường THPT Bùi Thị Xuân không ngăn cản học sinh chọn cả 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH nhưng khuyên các em cân nhắc thật kỹ” - cô Dung cho biết.

Thí sinh sẽ đổ dồn vào ngành cuối?

Nói về nỗi lo nghẽn hệ thống vào những ngày cuối nếu thí sinh dồn dập nộp hồ sơ, ThS Nguyễn Công Kỳ cho hay hiện nay, số thí sinh đăng ký dự thi ở phần mềm Bộ GD-ĐT chiếm hơn 25% tổng số dự kiến. Đó là chưa tính số thí sinh nộp hồ sơ cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Các đơn vị này đã có kế hoạch bài bản hướng dẫn nên không quá lo ngại việc thí sinh nộp hồ sơ dồn dập.

Tình trạng nộp hồ sơ vào những ngày cuối chỉ có thể xảy ra ở thí sinh tự do nhưng số lượng không nhiều. Trục trặc về nhập liệu chỉ có thể tập trung vào giai đoạn cuối. Vấn đề này đã được Bộ GD-ĐT xử lý tốt vào năm 2015-2016 nên năm nay khó xảy ra nghẽn mạng.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Đức Nghĩa cho rằng hiện nay, số thí sinh đăng ký thi tại các trường THPT đang học lớp 12 chiếm hơn 80%. Các em sẽ nộp hồ sơ cho trường THPT và trường cũng đã nhập dữ liệu. Các gói dữ liệu sẽ được chuyển đến sở GD-ĐT, sau đó chuyển lên Cục Khảo thí.

“Việc chuyển dữ liệu không được thực hiện cùng lúc nên chắc chắn giai đoạn “tăng tốc”, “về đích” sẽ thu hút nhiều thí sinh nhưng không xảy ra tình trạng nghẽn mạng” - TS Nghĩa khẳng định.

Chọn môn thi sát năng lực, nguyện vọng

Cô Vũ Thị Ngọc Dung cho biết nếu đăng ký nguyện vọng nhiều quá, thí sinh dù trúng tuyển nhưng không đúng với năng khiếu, nguyện vọng thì rất phí. Đã có những trường hợp dù đậu ĐH nhưng không đúng với sở trường, năng lực, nhiều em phải bỏ ngang hoặc thi lại.

Vì thế, Trường THPT Bùi Thị Xuân luôn khuyên ngay từ đầu, học sinh cần sắp xếp làm sao để đặt tổ hợp các môn dùng xét tuyển gần nhất với năng lực và nguyện vọng của mình.

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thoa - Đặng Trinh (Người Lao Động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN