“Ngành y dược đào tạo đông nhưng hành nghề chưa tốt”

GS-TS. Phạm Huy Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) chỉ ra điểm yếu nhất của sinh viên ngành y dược tại Hội thảo Đổi mới đào tạo nhân lực Y tế ngày 13.5.

Theo ông Dũng, sinh viên ngành y thiếu cơ sở thực hành lâm sàng, thời gian thực hành ít. Đôi khi thực hành nhưng sinh viên cũng chỉ làm mấy công việc đơn giản như đo huyết áp, cặp nhiệt độ.

“Theo tôi, điểm yếu nhất của sinh viên ngành y dược là đào tạo đội ngũ đông, nhưng hành nghề chưa tốt”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo ngành y, nên nghiên cứu đổi mới thực hành. Sinh viên tiếp cận lâm sàng từ năm thứ nhất, thứ hai. Từ đó sinh viên ngành y dược sẽ rút ra những kinh nghiệm quý báu.

“Ngành y dược đào tạo đông nhưng hành nghề chưa tốt” - 1

Sinh viên ngành y trong ca thực hành tiền lâm sàng ở trường

Trong khi đó, PGS-TS. Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cũng bày tỏ: “Đào tạo nhân lực ngành y bị áp lực đào tạo cho đủ chỉ tiêu, nhưng đào tạo ra mà không nghĩ đến chất lượng, đào tạo ồ ạt nhưng không sử dụng được”.

Tại Hội thảo, GS.TS Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình cho biết, điểm tuyển sinh đầu vào ở một số trường quá thấp. Đối với các trường ngoài công lập, chất lượng đầu vào rất đáng báo động.

Theo ông Hiến, có quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. Đặc biệt, các ngành y dược cũng được coi là ngành “hot” của một loạt các trường ĐH ngoài công lập. Nhiều trường chuyển từ tập trung đào tạo các ngành kinh tế sang y dược do nhận thấy nhu cầu lớn của người học.

"Nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Thậm chí, nhiều trường không có cơ sở thực hành, giáo viên vay, mượn. Như vậy, làm sao đào tạo nhân lực có chất lượng được” – ông Hiến bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cũng cho rằng, trừ số học sinh thi tuyển theo ba chung của Bộ GD-ĐT đảm bảo chất lượng đầu vào còn lại đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, học sinh hệ liên thông, từ các trường dự bị ĐH chuyển về, học sinh theo diện chính sách thì chất lượng đầu vào còn hạn chế.

Ông Sơn đề nghị đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực trên cơ sở chuẩn năng lực, và chuẩn đầu ra cho từng mã ngành đào tạo, đặc biệt chú trọng vào rèn luyện các kỹ năng, đảm bảo tính liên thông ngang và dọc. Đồng thời, mở rộng các cơ sở thực hành kỹ năng tại các cơ sở y tế từ tuyến trung ương cho đến cơ sở.

Ngoài ra, sinh viên phải cân nhắc lựa chọn những cơ sở đào tạo ngành y dược đảm bảo đủ năng lực đào tạo. Bên cạnh đó, các trường nên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở thực hành, năng lực giảng viên đảm bảo số lượng và chất lượng.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 70 trường tham gia đào tạo y, dược.

Ngoài ra, hầu như mỗi địa phương có một trường cao đẳng y tế và hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp với số lượng không nhỏ đào tạo ngành y, dược.

Mỗi năm các trường y dược đào tạo ra trường khoảng 7.000 bác sĩ, tuy nhiên sử dụng được bao nhiêu từ số lượng đào tạo ra vẫn chưa có con số chính thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN