Điểm thi thấp cũng được học ngành y

Việc trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ ĐH... để trở thành bác sĩ, dược sĩ chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay. Có trường điểm chuẩn trúng tuyển chỉ bằng sàn.

Trong khi điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa năm nay ở các trường ĐH công lập đều khá cao: Trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y Hà Nội 26 điểm, khoa y (ĐHQG TP.HCM) 24 điểm, Trường ĐH Y dược Cần Thơ 23,5 điểm... Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) năm đầu tiên tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa (khối B) với điểm chuẩn là 17 điểm và dược sĩ (khối A, B) 15 điểm. Nhiều trường vẫn tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung các ngành này với điểm sàn xét tuyển cũng bằng sàn.

Điểm thấp không ngờ

"Cần có những chuẩn mực riêng để buộc các cơ sở đào tạo muốn mở các ngành khoa học sức khỏe phải đáp ứng được"

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành điều dưỡng bậc ĐH (khối B) và bậc CĐ các ngành dược học, kỹ thuật y học và điều dưỡng điểm chuẩn NV1 cũng bằng sàn.

Điểm thi thấp cũng được học ngành y - 1

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Như Hùng

TS Trần Ái Cầm, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đây là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh ngành điều dưỡng bậc ĐH, dù điểm chuẩn NV1 chỉ bằng sàn nhưng chỉ có chín thí sinh trúng tuyển. Như nhiều trường ngoài công lập khác, chúng tôi cũng rất mong muốn tuyển đầu vào có chất lượng hơn nhưng không thể”.

Việc các trường tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học sức khỏe với mức điểm quá thấp đã khiến nhiều người lo ngại. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng trên thực tế yêu cầu đầu vào người học nhóm ngành khoa học sức khỏe phải là người rất giỏi.

“Không phải vô cớ mà các trường y dược luôn có điểm chuẩn rất cao. Đây không chỉ là vấn đề chỉ tiêu mà còn là sự đòi hỏi người học phải đạt mức độ tư duy tốt để có thể tiếp thu được khối kiến thức rất sâu của ngành học. Học sinh khá giỏi mới có khả năng học tốt ngành y dược. Đặc biệt ngành bác sĩ đa khoa gắn với công tác khám chữa bệnh, đòi hỏi người học có kiến thức rất chắc và kỹ năng thực hành giỏi. Cần xác định rõ ràng đào tạo y khoa phải là đào tạo tinh hoa, không thể chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan”- ông Nghĩa nói.

Một cán bộ Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng cho rằng chất lượng đầu vào của thí sinh ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo. Với đầu vào ngành bác sĩ, dược sĩ là thí sinh có học lực trung bình sẽ rất khó đào tạo. Ngay cả những ngành học khác như kỹ thuật y học, điều dưỡng... yêu cầu chuyên môn gắn với kỹ năng thực hành, chăm sóc bệnh nhân, nhưng nếu sinh viên có học lực trung bình sẽ rất vất vả trong quá trình học.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Bên cạnh đó, hàng loạt trường ĐH ngoài công lập đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe cũng có điểm chuẩn trúng tuyển thấp đến không ngờ. Cụ thể Trường ĐH Hồng Bàng ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học (xét nghiệm y khoa) bậc ĐH có điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 bằng sàn khối B 14 điểm. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng sàn.

Nhiều chuyên gia y tế, giáo dục cho rằng “ngành y tế đụng đến sức khỏe con người, không thể tuyển tràn lan được”... Đồng thời cảnh báo đến 10 năm sau, khi số lượng đã tràn lan, không còn phân biệt được đâu là bác sĩ, dược sĩ giỏi - kém thì chính người dân phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình. Mặc dù nhiều địa phương đang thiếu hụt nhân lực y tế nhưng không nên vì thế mà lấy số lượng để khỏa lấp nhu cầu.

Cần giám sát chặt tổ chức đào tạo

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, như các ngành đào tạo khác, khi muốn mở ngành khoa học sức khỏe các trường cũng phải đáp ứng được ba tiêu chí: đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. “Nhưng nhóm ngành này liên quan tới sinh mạng con người nên các quy định này càng quan trọng hơn để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đối với một số ngành khác có thể mặt này mặt kia nhưng đầu tư cho đào tạo ngành y không thể lảng tránh. Từ giảng đường, trang thiết bị thí nghiệm đến các cơ sở thực hành lâm sàng đều cần sự đầu tư rất lớn” - ông Nghĩa khẳng định.

Cán bộ phụ trách đào tạo của một trường y dược công lập tại TP.HCM cho rằng trong đào tạo các ngành y dược bên cạnh yếu tố đầu vào, việc tổ chức đào tạo rất quan trọng. Đối với ngành y, cơ sở vật chất không chỉ là trường lớp đơn thuần mà cần sự đầu tư rất lớn trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, cơ sở thực tập lâm sàng và đòi hỏi phải có lực lượng giảng viên giàu kinh nghiệm.

Ngoài cơ sở vật chất hiện có, Trường ĐH Y dược TP.HCM mỗi năm hợp đồng với hơn 30 bệnh viện lớn để đưa sinh viên đến thực tập. Bên cạnh đó, các trưởng, phó khoa của trường cũng đồng thời là lãnh đạo các bệnh viện, các khoa của nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Lãnh đạo một bệnh viện ở TP.HCM cho rằng: “Nếu các trường tư không tạo được sự gắn kết này thì sẽ rất khó khăn trong việc tổ chức thực tập cho sinh viên y khoa. Không có bệnh viện nào để giảng viên các trường trực tiếp khám chữa bệnh, hướng dẫn sinh viên thực tập. Khi đó, sinh viên đi thực tập lâm sàng ai là người hướng dẫn?”.

Trong khi thực tế tuyển sinh và đào tạo cho thấy sự bùng phát chỉ tiêu các ngành y dược có liên quan với sự phát triển nhanh chóng các trường ngoài công lập. Các ngành y dược có thể thu học phí cao và điều này cũng chỉ dễ thực hiện ở trường tư... Đó là lý do số lượng các trường ngoài công lập đang đua nhau mở mã ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học, dược sĩ và gần đây là bác sĩ đa khoa.

Đang lừa nhau?

Hiện nay, chỉ cần đáp ứng quy định về số giảng viên, diện tích phòng, chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT, các trường tư thục có thể mở mã ngành khoa học sức khỏe. Phần lớn các trường tư xin mở ngành y dược mời cán bộ, giảng viên tuổi nghỉ hưu về trường mình.

Tuy nhiên, lãnh đạo một trường ĐH ở TP.HCM băn khoăn: “Việc xin mở mã ngành, chứng minh điều kiện đội ngũ giảng viên hiện nay thật ra là lừa nhau cả. Trên giấy tờ ai cũng có đội ngũ giảng viên hùng hậu nhưng thực tế một giảng viên đứng tên giảng dạy ở nhiều trường...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Huỳnh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN