Ngã ngửa vì thi 3 điểm 10 vẫn trượt đại học

Điểm thi cao, điểm chuẩn vượt so với tư vấn, hay chính sách cộng điểm ưu tiên nhiều bất cập là những biến động của mùa tuyển sinh năm nay.

Ngã ngửa vì thi 3 điểm 10 vẫn trượt đại học - 1

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia - Ảnh: Xuân Đoàn

“Chết đứng” vì điểm chuẩn tăng cao bất ngờ

Mặc dù đạt điểm 29,25 (Toán 9,4,  Hóa 9,75, Sinh 10), vừa đủ chuẩn đầu vào của ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội nhưng thí sinh Nguyễn Phùng H. (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn ngậm ngùi chia tay giấc mộng vào trường này vì tiêu chí phụ. Theo đó, tiêu chí phụ gồm 4 ưu tiên, trong đó ưu tiên 1 là điểm xét tuyển chưa làm tròn 29,2. “Chỉ thiếu 0,05 điểm mà đành vuột mất cơ hội bước chân vào trường Y”, H. buồn bã.

Thí sinh Hồng Hạnh (Từ Sơn, Bắc Ninh) đạt 26 điểm, đăng ký vào ngành Báo chí (ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng không khỏi “chết đứng” khi biết ngành này công bố điểm chuẩn lên 26,5 điểm, cao hơn tới 6,5 điểm với năm ngoái. Càng buồn khi bố mẹ em đã bán đi con lợn trích ra 2 triệu đồng, chuẩn bị “khăn gói quả mướp” sẵn sàng cùng con về Hà Nội nhập học. Mẹ Hạnh, bà Nguyễn Thị Mai, rầu rĩ không buồn nói chuyện với ai, thương con chỉ biết ngồi khóc.

Mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường năm nay đều tăng cao, nhiều trường tốp trên có mức điểm chuẩn tăng tới 3-4 điểm so với năm trước. Các trường thuộc khối quân đội năm nay cũng có mức điểm cao kỷ lục, khi có nơi điểm chuẩn lên tới 30 điểm. Thậm chí Học viện An ninh nhân dân, ngành Ngôn ngữ Anh điểm chuẩn đầu vào còn lên 30,5 với thí sinh nữ; hoặc điểm 30,25 với thí sinh nữ ở trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Khối các trường y dược, mức điểm ngành cao nhất năm nay là ngành Y đa khoa: 29,25 điểm. Khoa Y, ĐHQG TP.HCM có điểm chuẩn cao nhất vào ngành Y đa khoa là 28,25 điểm. Điểm chuẩn Khoa Y, ĐHQG Hà Nội là 27,25 điểm. Với nhóm các trường kinh tế, mức điểm cũng tăng 2-3 điểm so với năm ngoái...

Cũng vì mức điểm quá cao nên các trường đều phải tính đến tiêu chí phụ để “lọc” bớt TS. Trong đó, phải kể đến những trường tốp đầu như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương…

GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội thông tin, tiêu chí phụ được nhà trường xây dựng theo quy chế của Bộ GD&ĐT để việc xét tuyển được đảm bảo thuận lợi. Nếu không có tiêu chí phụ, trường top cao như ĐH Y Hà Nội không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều TS đạt điểm cao.

Hơn kém 0,1 điểm đã thành “kẻ đỗ, người trượt”

Trao đổi với báo giới sáng 1/8, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Về trường hợp thí sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt ngành y đa khoa ở ĐH Y Hà Nội, là trường hợp cá biệt rất đáng tiếc. Đây là thí sinh đạt điểm rất cao để có thể đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng. Em chỉ không may mắn mà thôi”. Bà Phụng cũng cho biết thêm, nếu thích Y đa khoa, các em có thể đăng ký vào ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn nên tìm hiểu và có thể chọn các trường Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y Thái Nguyên, Y tế công cộng, Đại học Điều dưỡng… để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phù hợp. Tất cả các trường này đều lấy thấp hơn mức 29,25 nên chắc chắn sẽ đỗ vào ngành yêu thích. Nếu chọn ĐH Y Hà Nội là nguyện vọng duy nhất hay cuối cùng thì rõ ràng tỷ lệ rủi ro rất cao.

Lý giải về việc điểm chuẩn năm nay cao “bất thường”, đại diện Bộ GD&ĐT nhận định, đề thi năm nay có tính phân loại cao. “Nguyên nhân cơ bản là do phương thức xét tuyển ĐH năm nay. Thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng ưu tiên cao nhất nên việc các thí sinh đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều có thể dự đoán được”, bà Phụng nói.

Chung quan điểm, PGS.TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích thêm: “Mức độ tập trung các thí sinh ở mức điểm cao vào cùng một ngành, trường là khá lớn. Vì vậy, các trường tốp trên sẽ phải đặt ra nhiều “rào cản kỹ thuật” là các tiêu chí phụ để chọn thí sinh”. Do mặt bằng điểm khá cao nên các trường tốp giữa cũng tỏ ra không lo lắng về nguồn tuyển.

Bên cạnh đó, các trường khối công an, quân đội năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều tăng cao hơn năm trước.

“Chưa bao giờ cuộc chiến làm tròn điểm và cộng điểm lại khiến các thí sinh hoang mang như năm nay, bởi chỉ cần hơn kém nhau 0,1 điểm thôi là đã thành “người đỗ, kẻ trượt”. Chưa kể đến chính sách cộng điểm ưu tiên, thậm chí có thí sinh còn được cộng từ 3,5 điểm nếu thuộc cả 3 nhóm đối tượng ưu tiên cộng điểm theo quy chế”, chị Nguyễn Hoài Nam, phụ huynh có con tham gia xét tuyển ĐH năm nay cho biết.

Xót xa nam sinh 29,35 điểm trượt ĐH Y Dược TP.HCM

NV1 ngành Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM lấy đúng 29,25 điểm nhưng lại xét tiêu chí phụ: tiêu chí đầu tiên, Tiếng Anh đạt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lam Nguyễn (Báo Giao Thông)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN