Náo loạn lịch học vì “heo vàng”

Học nhờ, học dồn, học vào ngày nghỉ… là thực trạng đang xảy ra tại một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội do số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay quá đông. Còn tại TPHCM, hiện tượng chuyển trường ồ ạt đã xáo trộn sĩ số lớp và lịch học của trẻ.

Hà Nội: Nghỉ ngày thường, học ngày nghỉ

Do không đủ điều kiện cơi nới hoặc cải tạo, để có đủ phòng học, một số trường tại Hà Nội đã phải cho học sinh nghỉ học luân phiên các ngày trong tuần, thay vì nghỉ đồng loạt vào thứ Bảy, Chủ nhật. Chị Thanh Hiền (quận Hoàng Mai) có con đang học lớp 3 tại Trường tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) cho biết, mặc dù trường có lớp bán trú sạch sẽ, chất lượng giảng dạy tốt nhưng do học sinh đông quá nên thiếu chỗ học. Năm nay, học sinh phải học luân phiên cả vào thứ Bảy. Chị Hải Yến (phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai) cho biết, năm nay con chị cũng vào lớp 1 của trường này và cũng phải học thứ Bảy. Con chị được nghỉ học ngày thứ Sáu nhưng bố mẹ đều phải đi làm nên chẳng biết gửi con ở đâu. Thế là cứ thứ Sáu hằng tuần, cháu lại lên cơ quan bố hoặc mẹ.

Một phụ huynh có con đang học tại Trường tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai) chia sẻ, học sinh ở đây cũng luân phiên nghỉ học vào ngày thường theo từng khối lớp (khối lớp 1 nghỉ ngày thứ Hai, khối lớp 2 nghỉ vào thứ Ba) và học bù vào thứ Bảy. Nhà trường áp dụng lịch học 4 buổi/tuần đối với khối lớp 2, 3 và 4; giữ nguyên 5 buổi/tuần với khối lớp 1 và 5 (do lớp 1 tăng 2 lớp so với năm ngoái). “Gia đình nào có người trông trẻ còn đỡ, chúng tôi không có điều kiện nên con nghỉ học là vợ chồng cứ phải chở con đến chỗ làm thôi”, phụ huynh này chia sẻ.

Náo loạn lịch học vì “heo vàng” - 1

Trường tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) hiện chỉ có 10 phòng học.  Ảnh: H.Nguyên

Năm học 2013 - 2014, Hà Nội tăng gần 66.000 học sinh so với năm học trước, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Trong khi đất trường thì không thể “nở” ra nên dẫn đến tình trạng học sinh một số trường phải học nhờ, học dồn, nghỉ ngày thường và học ngày nghỉ do thiếu lớp. Ví dụ Trường tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) hiện chỉ có 10 phòng học và đang phải mượn nhà văn hóa làm lớp học. Còn lãnh đạo Trường tiểu học Tân Định cho biết, theo dự tính năm nay số học sinh vào lớp 1 rất đông nên trường đã cố gắng để không quá tải. Trước năm học, nhà trường đã có thông báo cho phụ huynh học sinh về phương án học luân phiên này và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ các cháu.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, do số học sinh vào lớp 1 quá đông mà số phòng học lại có hạn nên việc đáp ứng nhu cầu học cả ngày của các cháu không thể thực hiện được. Vì thế một số trường phải cho học sinh nghỉ luân phiên và học vào ngày nghỉ. Trường hợp ở Trường tiểu học Đại Kim, học sinh chỉ học 4 buổi/tuần, theo ông Tiến, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và sẽ có một số phương án cho học sinh lựa chọn. Học sinh có thể học 4 ngày/tuần với 8 buổi (5 buổi chính khóa, 3 buổi tăng cường) hoặc học 5 buổi/tuần (ngày học 1 buổi). Các phương án này phải được thực hiện ngay để tránh ảnh hưởng đến học sinh và phụ huynh. Cũng theo ông Tiến, tại Hà Nội có 80% số học sinh đã học 2 buổi/ngày. Những trường chỉ học 1 buổi/ngày yêu cầu phải đáp ứng đủ chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong thời gian tới, các quận huyện sẽ đầu tư thêm trường lớp nhằm chấm dứt việc học 1 buổi/ngày.

TPHCM: Ồ ạt chuyển trường

Một phụ huynh học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) cho biết, con anh học tại trường đạt chuẩn quốc gia với sĩ số 30 học sinh/lớp, tuy nhiên năm nay sĩ số lớp bỗng nhiên nhảy vọt tới 40 học sinh. Hỏi ra, anh mới biết thành phần dôi dư là học sinh trường khác chuyển qua. Ngay cả trường chưa đạt chuẩn quốc gia như Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Bình Thạnh) năm học này cũng tăng thêm 1/3 số học sinh ở một số lớp do phụ huynh “chê” cơ sở vật chất ở trường lân cận nên đã chuyển trường cho con  qua đây. Những trường có cơ sở vật chất thiếu thốn như Trường tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8), Trường tiểu học Điện Biên (quận 10), Trường tiểu học Âu Cơ (quận 11)… năm nay có hàng chục học sinh chuyển trường, trong khi một số trường cùng địa bàn thì lại dôi dư học sinh.

Thực tế hiện nay 80% giáo viên của TPHCM trên chuẩn, trường nào cũng có giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi nhưng các trường tốp dưới vẫn mất học sinh như thường. Điều này cho thấy, khi chất lượng dạy và học đã tương đối đồng đều thì phụ huynh lại cần một ngôi trường khang trang, rộng rãi, cảnh quan đẹp, tổ chức được các hoạt động ngoại khoá cho học sinh. Sau khi cải tạo cơ sở vật chất, một số trường như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3)… ngày càng được phụ huynh tin tưởng, muốn gửi gắm con vào học.

Về hiện tượng học sinh ồ ạt chuyển trường, theo ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, các trường hợp chuyển trường đều được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ngoài trường hợp bất khả kháng chuyển trường do công tác hoặc thay đổi nơi ở thì việc phụ huynh chuyển cho con qua học trường có tiếng hơn là lợi bất cập hại, không những xáo trộn việc học của các cháu mà những trường có tiếng tăm đâu phải 100% đều như ý phụ huynh. Về lâu dài, để tránh tình trạng này, biện pháp căn bản nhất của ngành giáo dục thành phố vẫn là giảm chênh lệch cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên ở các trường, nâng chất lượng các trường cho đồng đều nhau.

- Tại TPHCM, năm học này do quá tải lứa học sinh vào lớp 1 và tình trạng chuyển trường ồ ạt nên có trường tiểu học đã phải “cơi nới” sĩ số lên đến 50 học sinh/lớp. Một số trường đã phải giảm số lượng lớp bán trú từ lớp 2 đến lớp 5 để lấy phòng học cho lứa lớp 1.

- Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học này thành phố có hơn 125.000 học sinh vào lớp 1, tăng gần 11.000 học sinh so với năm ngoái. Hơn 20 quận, huyện có số học sinh tăng ở các bậc học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạnh Nguyên - Tuấn Vương (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN