Một kỹ năng cha mẹ Việt xem là không quan trọng để dạy con nhưng lại được các phụ huynh phương Tây chú trọng đào tạo từ tấm bé

Sự kiện: Dạy con

Có kỹ năng này càng sớm, trẻ sẽ càng sẵn sàng khi bước vào giai đoạn tự lập.

Việc dạy con tiết kiệm từ nhỏ sẽ giúp trẻ biết trân trọng sức lao động, hiểu được giá trị của đồng tiền, và trở thành người có trách nhiệm trong chi tiêu khi trưởng thành.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình".

Trong khi đó, doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki - tác giả cuốn "Cha giàu, cha nghèo" - cho biết: "Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn".

Không bao giờ là quá sớm để dạy con về tiền bạc. Ảnh minh họa

Không bao giờ là quá sớm để dạy con về tiền bạc. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, không bao giờ là quá sớm cho việc giáo dục con về tiền bạc. Trong quá trình lớn lên của trẻ, sự thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc khiến trẻ không hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền, không biết cách sử dụng tiền và dễ sai lầm.

Trong đó, dạy con tiết kiệm là một trong những công việc khó khăn và vất vả nhất của cha mẹ. Bởi, nuôi dạy trẻ cần phương pháp và thời gian, không phải ngày một ngày hai mà cha mẹ có thể khiến một đứa trẻ từ nghe lời, thành tự giác, rồi có một thói quen.

Công việc dạy trẻ tiết kiệm càng trở nên khó khăn hơn gấp bội, khi cha mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng tiền hợp lý. Thậm chí, xa hơn là đầu tư và kiếm tiền từ sức lực của chính bản thân.

Tập thói quen tiết kiệm

Hãy chỉ cho con tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Vì không phải người lớn, những đứa trẻ chưa từng trải qua những vấp ngã hay thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, chúng sẽ không biết cách tiết kiệm ổn định.

Để dạy trẻ tính tiết kiệm, hình thành thói quen chỉ mua những thứ con cần từ tiền chúng tiết kiệm được hàng tháng.

Ví dụ, bạn cho con 5 ngàn mỗi sáng và con bạn muốn mua một món đồ chơi có giá 250 ngàn. Hãy yêu cầu con tiết kiệm đủ số tiền nếu muốn sở hữu món đồ. Điều này dạy trẻ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc tiết kiệm, đồng thời cũng rèn luyện cho trẻ đức tính kiên nhẫn.

Để khuyến khích tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn của các con, cha mẹ tốt nhất nên đặt một hình ảnh của đồ chơi hoặc vật phẩm mà chúng mong muốn trên mỗi chiếc hũ. Đó được coi như một lời nhắc nhở trực quan về những thứ các con đang muốn có được.

Tuy hiểu rằng tiết kiệm là quan trọng, không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con bài bản, đúng cách. Ảnh minh họa

Tuy hiểu rằng tiết kiệm là quan trọng, không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con bài bản, đúng cách. Ảnh minh họa

Đặt mục tiêu và lên kế hoạch

Không chỉ tiết kiệm để dành cho các mục tiêu dài hạn, các bậc phụ huynh có thể dạy con tiết kiệm để thấy mọi mong muốn đều không thể đáp ứng ngay. Nếu có thể chờ đợi, thậm chí là cùng ba mẹ thực hiện kế hoạch tiết kiệm để đạt được mong muốn đó, thì con nên bắt tay vào làm ngay.

Phân chia từng phần tiết kiệm

Mỗi lúc trẻ nhận được một số tiền nào đó như tiền thưởng học tập, tiền sinh nhật, tiền lì xì, cha mẹ hãy hướng dẫn con phân chia số tiền vào lọ riêng. Cha mẹ đừng quên nói cho trẻ hiểu về thứ tự ưu tiên của các phần, không được phép sử dụng lọ dành cho phần này cho việc ở phần kia và ngược lại.

Trẻ cũng cần biết tiền tiết kiệm có tính chất dài hạn, có thể sử dụng cho các kế hoạch như học tập, chăm sóc sức khỏe, đồ chơi..

Nói với con tiền từ đâu mà có

Hai nhà tâm lý học nổi tiếng của Ý Anna Berti và Anna Bombi nhận xét trẻ trong độ tuổi từ bốn đến năm thường nghĩ rằng mọi người ai cũng có tiền và ngân hàng là nơi phát tiền cho mọi người sử dụng. Phần lớn trẻ chỉ được nhìn thấy bố mẹ, người thân đến quầy giao dịch ngân hàng hay cây ATM rút tiền, nên không có gì ngạc nhiên khi trẻ có suy nghĩ như vậy.

Hãy từ từ giải thích cho trẻ hiểu tiền thực sự từ đâu mà có. Nói với trẻ về công việc mà bạn làm, bạn được trả lương như thế nào, vì sao ngân hàng đưa tiền cho bạn. Hãy giải thích thời gian ban ngày bạn không ở bên con là để đi làm, để kiếm tiền ra sao. Bằng cách tâm sự, con của bạn sẽ dần hiểu được tiền có được là dựa trên lao động, công sức; chính vì thế không nên phí phạm hay sử dụng hoang phí đồng tiền kiếm được.

Hãy là một tấm gương tốt cho con

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là để cho con thấy bạn cũng tiêu xài tiết kiệm.

Ví dụ, khi con bạn đang xem tivi, bạn hãy để tiền vào hũ và cho con biết đây là hũ tiền tiết kiệm của mẹ. Điều này sẽ cho con thấy tiết kiệm là chuyện bình thường. Hơn nữa, hầu hết trẻ nhỏ muốn giống người lớn nên khi thấy bạn tiết kiệm tiền, con cũng muốn giống bạn.

Tiết kiệm tiền là một kỹ năng cần thiết mà bố mẹ nên dạy ngay từ khi con còn nhỏ. Khi biết tiết kiệm tiền, con sẽ không tiêu xài hoang phí trong tương lai. Ảnh minh họa

Tiết kiệm tiền là một kỹ năng cần thiết mà bố mẹ nên dạy ngay từ khi con còn nhỏ. Khi biết tiết kiệm tiền, con sẽ không tiêu xài hoang phí trong tương lai. Ảnh minh họa

Mở tài khoản riêng cho con

Khi con bạn đã dành dụm được một khoản khá lớn từ việc nuôi heo đất, hãy đưa chúng đến ngân hàng và mở tài khoản tiết kiệm cá nhân. Thậm chí cha mẹ nên để các con được đếm số tiền sẽ được gửi, vì khi đó chúng có thể hiểu rõ hơn về số tiền bản thân đang có.

Tuy nhiên cũng đừng quá nâng cao giá trị số tiền chúng có, cha mẹ nên nhớ việc tiết kiệm này phải duy trì liên tục, phải đảm bảo được mục tiêu mà chúng hướng tới. Để từ đó sẽ hình thành nên một nguồn động lực lớn cho con bạn nếu chúng hiểu rằng tiền của chúng sẽ tăng lên theo thời gian miễn là không sử dụng.

Hãy để con mắc lỗi

Đôi khi bài học hữu ích về tiết kiệm lại đến từ những quyết định tiêu tiền không đúng cách, nhất là khi con còn nhỏ. Việc chi tiêu không đúng cách là điều không thể tránh khỏi.

Ví dụ, khi đến sinh nhật hay Giáng sinh, con thường tiêu tiền mà không cần lo nghĩ. Sau khi tiêu hết số tiền đó, con mới nhận ra mình không còn đủ tiền để có những món đồ cần thiết hơn và cảm thấy hối hận. Sau đó, con sẽ nhận ra và chi tiêu hợp lý hơn cho lần sau.

Thực tế đã chỉ ra, những đứa trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ sẽ biết cách giải quyết mối quan hệ giữa ham muốn và khả năng, sống cuộc sống của chính mình trong phạm vi cho phép. Những đứa trẻ như vậy sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai so với trẻ không biết tiêu tiền.

Học cách sử dụng tiền là của cải cả đời quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con. Thái độ kiểm soát tiền bạc của một người phản ánh khả năng kiểm soát và lập kế hoạch cho một cuộc sống độc lập trong tương lai.

Vì vậy, không chỉ dạy con làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền, cha mẹ còn cần hướng dẫn trẻ tiêu tiền đúng cách.

Nguồn: [Link nguồn]

Tương lai một đứa trẻ ra sao phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của gia đình. Trong cuộc sống hàng ngày, có những việc làm của cha mẹ có thể tác động rất lớn đến của con cái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lily ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN